Anzac - Dự án chiến hạm gây tranh cãi giữa Úc và New Zealand

Đức Anh |

Dự án chiến hạm lớp Anzac là một biểu tượng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Úc và New Zealand, nhưng chương trình lại gây ra sự tranh cãi gay gắt trong nội bộ New Zealand.

Tàu hộ vệ lớp Anzac hiện là xương sống của Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) và cũng là chiến hạm duy nhất của Hải quân Hoàng gia New Zealand (RNZN). Lớp tàu chiến này được đưa vào sử dụng trong hải quân hai nước từ năm 1996.

Đây là dự án hợp tác phát triển chung giữa hai quốc gia châu Đại Dương. Tàu được thiết kế theo công nghệ module, cho phép đóng mới các phần của tàu ở New Zealand và Australia.

Sau đó, các module sẽ được chuyển đến nhà máy đóng tàu Transfield Shipbuilding (nay là Tenix Defence Systems) ở Williamstown, Australia để lắp ráp tổng thể. Kết cấu module cũng cho phép mỗi nước tùy chọn vũ khí và nâng cấp theo yêu cầu tác chiến riêng.

Anzac được thiết kế dựa theo tàu hộ vệ lớp MEKO 200 của Hải quân Đức. Điểm khác biệt là bệ phóng tên lửa chống hạm được di chuyển lên phía trước tháp chỉ huy, phần nhà chứa trực thăng cao và rộng hơn so với bản gốc.

Dự án gây tranh cãi trong nội bộ New Zealand


Tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac của Hải quân Hoàng gia Australia sau khi nâng cấp. Ảnh : Military Today

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac của Hải quân Hoàng gia Australia sau khi nâng cấp. Ảnh : Military Today

Quá trình hợp tác, phát triển và mua sắm tàu hộ vệ lớp Anzac là mối bận tâm chính trị lớn ở New Zealand. Tại quốc gia này, việc trang bị bất kỳ tàu chiến viễn dương nào đều gây ra bất đồng giữa các phe phái trong chính phủ và quân đội.

Sở hữu một tàu khu trục đối với New Zealand trở thành vấn đề khó khăn trong nhiều thập kỷ. Kế hoạch mua lại khu trục hạm đã qua sử dụng từ Anh (hoặc Mỹ) không bao giờ thành hiện thực vì những tranh cãi triền miên.

Nội bộ chính phủ và lực lượng phòng vệ New Zealand chia thành hai phe. Phe “Diều hâu” muốn mua tàu khu trục để sử dụng trong những hoạt động quân sự chung của Hiệp ước ANZUS (Hiệp ước giữa Australia, New Zealand, Mỹ và Anh).

Trong khi đó, phe “Ôn hòa” chỉ muốn sắm các tàu tuần tra nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý mà không bận tâm đến các hoạt động quân sự xa bờ.

Những cuộc tranh luận trở nên gay gắt khi phe “Ôn hòa” công bố bằng chứng việc Mỹ cố tình đưa vũ khí hạt nhân vào New Zealand trên tàu hộ vệ USS Buchanan vào năm 1985, mặc dù đã cam kết không làm điều đó.

Từ đó, thuật ngữ “tàu hộ vệ” trở thành một cụm từ “bẩn” ở New Zealand. Tuy vậy, phe ủng hộ mua tàu chiến cỡ lớn che giấu ý định của họ bằng cách sử dụng tên gọi “tàu chiến đại dương”, hay “tàu khảo sát đại dương” để biện minh cho kế hoạch của mình.

Bất chấp sự phản đối quyết liệt của phe “Ôn hòa”, phe ủng hộ chiếm ưu thế hơn và New Zealand cam kết sẽ mua 2 tàu hộ vệ lớp Anzac cùng với tùy chọn thêm nhiều tàu khác.

Chiếc đầu tiên được bàn giao năm 1996, chiếc thứ hai trong năm 1997. Hai tàu được đưa vào sử dụng mà không trang bị đầy đủ vũ khí như bản thiết kế gốc.

Năm 2002, Hải quân New Zealand đánh giá rằng 2 chiếc Anzac là quá ít để tuần tra lãnh hải rộng lớn của nước này. Thiết kế nặng nề, cấu hình vũ khí đơn giản và chỉ tập trung vào bảo vệ khu vực đánh cá.

Hải quân New Zealand yêu cầu mua 4 tàu tuần tra xa bờ lớp Protector vào cuối những năm 2000. Điều này đã tạo ra sự thay đổi trong chính phủ New Zealand trong việc mua sắm, thay vì chỉ có 2 tàu hộ vệ lớp Anzac như kế hoạch.

Đặc tính kỹ chiến thuật ở mức trung bình


Tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac của Hải quân Hoàng gia New Zealand. Ảnh: Military Today

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Anzac của Hải quân Hoàng gia New Zealand. Ảnh: Military Today

Mặc dù là xương sống của Hải quân Hoàng gia Australia và cũng là chiến hạm lớn nhất của Hải quân Hoàng gia New Zealand nhưng đặc tính kỹ chiến thuật của Anzac không quá nổi bật, thậm chí còn bị chê là “vũ trang kém”.

Hệ thống điện tử ban đầu của tàu gồm: Radar tìm kiếm mục tiêu đường không tầm xa AN/SPS-49 do Mỹ chế tạo, radar điều khiển hỏa lực Ceros 200, radar hàng hải Kelvin Hughes SharpEyeTM, hệ thống dữ liệu chiến đấu 9LV 453 cùng hệ thống tác chiến điện tử.

Bản thiết kế gốc của tàu có thiết bị định vị thủy âm nhưng không được trang bị.

Vũ khí chính trên tàu gồm: Pháo hạm Mark 45 127 mm, 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 1 cụm phóng thẳng đứng (VLS) Mk 41 dùng cho tên lửa hải đối không RIM-7 Sea Sparrow, từ năm 2014 được thay thế bằng tên lửa MDBA Sea Ceptor.

Biến thể của Australia không có hệ thống phòng thủ tầm cực gần Mk 15 Phalanx 20 mm, thay vào đó là 2 trạm vũ khí điều khiển từ xa Rafael Mini-Typhoon, lắp súng máy hạng nặng 12,7 mm.

Hai quốc gia đã lên kế hoạch đóng mới 12 tàu nhưng chỉ có 10 chiếc được hoàn thành. Khi mới bàn giao, tàu không có tên lửa chống hạm, mãi đến năm 2005 mới được lắp bệ phóng Mk 141 dùng cho tên lửa Harpoon.

Tàu hộ vệ lớp Anzac bắt đầu tiến hành hiện đại hóa lớn trong giai đoạn 2000 - 2010.

Tàu của Australia được trang bị radar mới, dẫn đến sự thay đổi trong thiết kế tháp radar. Bổ sung thiết bị định vị thủy âm và lắp thêm 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ 324 mm ở hai bên hông tàu.

Trong khi đó, tàu của New Zealand chủ yếu tập trung vào cải thiện mềm và hệ thống điều khiển tự động nên thiết kế tháp radar vẫn giữ nguyên. Phiên bản của New Zealand không được trang bị tên lửa chống hạm dẫn đến năng lực tác chiến rất hạn chế.

Tàu hộ vệ lớp Anzac có chiều dài 118 m, rộng 14,8 m, lượng giãn nước toàn tải 3.600 tấn, thủy thủ đoàn 163 người.

Trái tim của tàu là hệ thống động lực diesel kết hợp turbine khí, tổng công suất 39.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ, tầm hoạt động 6.000 hải lý, đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng.

Theo kế hoạch, Hải quân Australia sẽ duy trì hoạt động của tàu hộ vệ lớp Anzac đến năm 2024, trong khi New Zealand tiếp tục sử dụng đến tận năm 2030.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại