Ánh Tuyết kể chuyện bị lừa tiền đau đớn

VietNamNet |

Ca sĩ Ánh Tuyết bảo không phải ai lấy chồng ngoại quốc cũng giàu. Cô đã có tháng ngày khó khăn khi quyết định ở chung với người chồng gốc Pháp. Và hơn cả sự khó khăn là bài học đắng cay khi bị lừa tiền đau đớn.

Ông xã có là fan cuồng trước khi gặp và yêu chị? Có khi nào chị tự hỏi điều gì ở mình khiến người đàn ông ngoại quốc gắn bó một chặng đường dài?

- Ngay từ đầu ông ấy không phải là một fan cuồng đâu. Tình cờ một buổi ông đi xem ca nhạc ở quán nhỏ, ông nhìn thấy Ánh Tuyết mặc áo dài đi qua, lúc đó Ánh Tuyết gầy còm lắm.

Ông nói với người bên cạnh: "Tao ước có một cô gái mặc áo dài giống vậy''.

Khi Ánh Tuyết hát "Ôi mê ly", "Dòng sông xanh", ông ấy như bị tiếng sét ái tình vì không nghĩ tôi người nhỏ bé mà giọng lại cao như vậy. Rồi chuyện gì đến cũng đến, tôi chẳng định đoạt được.

Trước đó tôi từng có suy nghĩ mình có những mối tình yêu 7-8 năm không thành thôi chẳng cần lấy chồng vì mệt mỏi.

Nhưng đùng cái ông xã xuất hiện. Nói như ông bà ngày xưa là cái gì cũng có duyên. Đến bây giờ tôi không biết mình yêu hay không nhưng hai vợ chồng gắn bó cũng 20 năm.

Ngày xưa vợ chồng chúng tôi mới lấy nhau rất nghèo. Tổ chức đám cưới ngay tại quán nhạc sĩ, lúc đó anh Trịnh Công Sơn đại diện nhà trai vì chú rể người Pháp không có người thân ở Việt Nam.

Cưới chồng xong, tôi liên tục được mọi người hỏi vay tiền, chắc mọi người nghĩ tôi lấy chồng Pháp giàu có nhưng trời ơi chúng tôi nghèo muốn chết.

Cưới nhau xong, ông xã không có nhà phải ở nhà thuê 1 triệu 1 tháng cùng tôi. Tài sản của hai vợ chồng lúc đó là một chiếc giường, một chiếc TV, một máy catssette mà bây giờ tôi còn giữ.

Sau đó một thời gian, khi tôi có bầu được 4 tháng thì nghỉ hát. Cuộc sống càng khó khăn. Ông xã bị sếp gạt mất 13 tháng lương và mất việc. Lúc đó tôi cứ cầu chồng mình làm ở đâu kiếm thêm.

Năm 1995, vợ chồng tôi dồn hết vốn liếng ki cóp được 5700 đô. Ông xã trước khi về Pháp sửa nhà cho bố mẹ dặn: "Chúng ta không có nhà, không có được máy catssette để nghe nhạc.

Chúng ta sắp có con và số tiền này lớn nên em giữ không được cho ai vay''.

Nhưng buổi sáng khi chồng tôi sang Pháp thì buổi chiều có một chị bạn đồng hương tới hỏi vay tiền, chị hứa chỉ vay tạm một tháng rồi trả.

Tôi thấy tội nghiệp nên cho vay và nói cuối tháng nhớ trả vì ông xã tôi về lại Việt Nam. Đến cuối tháng chị bạn trả được 1600 đô còn 3400 vẫn nợ.

Chồng về nước, tôi thú thật sự việc và một ngày hai vợ chồng quyết định qua nhà bạn đòi số tiền còn lại nhưng tới nơi thấy nhà bạn có tang chồng.

Sau khi chúng tôi vào thắp hương và chia buồn bạn lại nghe tiếp tin dữ một công nhân của bạn bị rớt chết.

Thương bạn vì nghĩ xui hơn mình nên tôi chỉ biết ôm bạn khóc. Và số tiền đó tôi mất đến bây giờ. Cuối năm 1997 tôi mới có thể mua được một căn nhà trả góp.

Con trai chị mang hai dòng máu. Chị là người rất truyền thống, vậy có sợ con trai sẽ bị ảnh hưởng lối sống phương Tây?

- Khi con còn nhỏ tôi rất lo điều này nhưng đến bây giờ con trai đã hơn 20 tuổi, hiền lành và đã biết phân biệt tốt - xấu.

Con trai tôi ít thể hiện ra bên ngoài, thỉnh thoảng nhắn trên skype hỏi: "Mẹ khỏe không? Con nhớ mẹ!", đối với tôi chừng đó là hiểu điều con muốn nói.

Chị có muốn con trai sẽ trở về Việt Nam làm việc?

- Cha mẹ nào cũng thích con ở gần và đặc biệt tính cách người Việt Nam luôn muốn ôm con vào lòng. Nhưng tuổi trẻ bây giờ mình đâu áp đặt được.

Tùy con thôi. Và tùy vào cơ duyên công việc của con. Cháu đi theo con đường của cháu, mình không ép buộc được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại