Anh tàn tật, điểm tựa cuối cùng của người em bị bại liệt

Minh Nhật - Minh Thiện |

Anh Cao Ngọc Bình (SN 1978) ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa 12 tuổi bị mồ côi cha, 19 tuổi thì mồ côi mẹ, giờ đây anh trở thành điểm tựa cuối cùng cho người em bại liệt.

Anh trai tàn tật trở thành chỗ dựa cuối cùng của người em bại liệt 

Chúng tôi đã được lắng nghe câu chuyện dài về anh Cao Ngọc Bình (SN 1978) ở Hoằng Phong, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, về những năm tháng đầy gian nan.

Cha mẹ mất sớm, 5 anh chị em trở thành trẻ mồ côi, họ bơ vơ, nương tựa vào nhau mà sống. Dù tàn tật từ nhỏ, nhưng anh Bình vẫn làm đủ thứ, bươn trải đủ nghề để có tiền lo cho các em ăn học.

"Năm tôi 12 tuổi, em trai út chưa đầy 1 tuổi thì bố tôi đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Một mình mẹ gồng gánh nuôi 5 chị, em. Có lẽ quá vất vả nên 7 năm sau, mẹ tôi mắc bệnh rồi cũng bỏ lại mấy chị em mà đi theo bố. Chúng tôi từ đó, bữa đói nhiều hơn bữa no", anh Bình trải lòng.

Mấy anh chị em luôn nhắc nhau nhớ, những lúc khó khăn nhất cũng may nhờ có bà con họ hàng và làng xóm đùm bọc. Và giờ đây, họ đều đã có cuộc sống, gia đình riêng.

Nhưng hôm nay, nước mắt anh Bình vẫn rơi, không phải cho những năm tháng cũ, mà cho hiện tại, cho người em trai khổ sở của anh và cho chính anh nữa.

Năm 2004, anh Bình cưới chị Lê Thị Tiến (SN 1981) và có với nhau hai người con là Cao Ngọc Dương (SN 2005), Cao Ngọc Thái (SN 2011).

Những tưởng cuộc sống dầu còn nhiều khó khăn nhưng sẽ êm đềm trôi qua. Nào ngờ, bi kịch cuộc đời lại dồn dập tìm đến họ.

Năm 2017, trong khi lao động, anh Bình bị bức tường rào đổ sập, đè trúng người, khiến chiếc chân lành lặn còn lại của anh gãy nốt, rồi từ đó cuộc đời anh không khi nào tách rời khỏi đôi nạng.

Anh tàn tật, điểm tựa cuối cùng của người em bị bại liệt - Ảnh 1.

Anh Cao Ngọc Bình bị tàn tật từ nhỏ, năm 2018 tai nạn gãy chân khiến cho mọi hoạt động của anh trở nên vô cùng khó khăn.

Cuối năm 2018, tin dữ từ Đồng Nai, người em út Cao Ngọc Vui (SN 1989), khi đang làm việc thì bị điện giật, rơi từ tầng hai xuống đất. Tai nạn nghiêm trọng đã khiến anh Vui bị tụ máu não, liệt nửa người, hôn mê sâu gần một năm.

Theo kết luận của bác sĩ, bệnh nhân Cao Ngọc Vui liệt nửa người bên trái, mức độ IV, rối loạn cơ tròn; có nhận thức được xung quanh, cảm nhận đau, khó chịu.

Anh tàn tật, điểm tựa cuối cùng của người em bị bại liệt - Ảnh 2.

Bệnh án của anh Cao Ngọc Vui khi điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương.

Các bác sĩ cho biết, anh Vui không có nhiều hy vọng bình phục. Bởi vậy, gia đình đành phải đưa anh về quê nhà Thanh Hóa chăm sóc.  

Được biết, anh Vui có vợ và một con trai hiện đã 3 tuổi ở Đồng Nai, nhưng từ khi chuyển anh về Thanh Hóa thì vợ con anh cũng không liên lạc.

"Thôi, giờ em mình thế này rồi, chúng tôi cũng không trách cô ấy được, mong cô chăm sóc tốt cho cháu thôi. Đón chú ấy về đây, vui buồn, sướng khổ có nhau, tôi sẽ lại cố gắng chăm em trai như ngày còn bé vậy", anh Bình bày tỏ.

Anh tàn tật, điểm tựa cuối cùng của người em bị bại liệt - Ảnh 3.

Anh Bình có thể đút cháo, rửa mặt cho em trai, nhưng việc tắm, rửa, vệ sinh, lau chùi cho thì anh không làm được vì anh vận động khá khó khăn.

Cả gia đình hai người bệnh, 5 miệng ăn trông vào đồng lương công nhân còm cõi

Hiện tại, mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh của anh Vui đều diễn ra tại chỗ. Tất cả mọi việc lại do một tay chị dâu Lê Thị Tiến (vợ anh Bình) chăm sóc.

Trước đây, hai vợ chồng anh Bình chịu khó làm lụng, chắt chiu thì cũng đủ tiền trang trải, chăm lo cho các con ăn học. Từ ngày anh gặp tai nạn, mọi thứ trở nên khó khăn hơn vì tất cả chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Nay hai vợ chồng còn phải gồng gánh thêm anh Vui thì khó khăn trăm bề, nào tiền sinh hoạt, tiền tã, bỉm, tiền thuốc thang rồi thi thoảng đi viện...

"Lương công nhân ở quê thì cũng chẳng được là bao, hàng tháng lo cho 5 miệng ăn, rồi thuốc men của hai anh em (anh Bình, anh Vui) nữa nên cũng thiếu trước hụt sau suốt. Bây giờ lại dịch dã thế này lại càng thêm khó khăn.

Cái số phận mình nó như vậy rồi, giờ chỉ mong ông trời cho sức khỏe, để gánh vác cùng chồng. Tôi chỉ lo không may bản thân ốm đau, nằm ra đó thì không ai chăm cho chồng với chú Vui và hai con", chị Tiến nói như rút cả ruột gan.

Nói về người vợ của mình, anh Bình xúc động, dùng hai chữ mang ơn vì những gì chị đã làm cho anh, cho con, nay lại hết lòng lo cho em trai anh.

"Tôi luôn thấy bản thân may mắn vô cùng vì có được người vợ chịu thương, chịu khó, hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Cô ấy chăm chút cho em trai tôi tận tình như chăm con mọn mà chẳng nề hà, ca thán", anh Bình chia sẻ.

Anh tàn tật, điểm tựa cuối cùng của người em bị bại liệt - Ảnh 4.

Có lẽ, chẳng mấy ai có thể làm được như chị Tiến. Hết lòng vì chồng, con; chăm sóc cho em chồng...

Sạp trái cây di động nhọc nhằn, rong ruổi khắp nơi

Để giảm bớt gánh nặng cho vợ, anh Bình quyết định vay mượn tiền, mua một chiếc xe ba bánh rồi mua lại trái cây ở chợ đầu mố để đi bán rong. Hàng ngày, anh đi bán dạo dọc phố và đường quốc lộ. Công việc khá vất vả, hàng ngày phải dậy từ mờ sáng, nhưng thu nhập cũng không đáng là bao, chưa kể, nhiều hôm bị ế hàng.

Từ lúc tình dịch bệnh Covid-19 trở nên phức tạp hơn thì anh Bình cũng không đi bán hàng rong được nữa. Vì thế, khoản sinh hoạt phí tối thiểu của gia đình lại eo hẹp thêm.

Nói về mong ước hiện tại, hai vợ chồng anh Bình, chị Tiến cho biết: Cả nhà có căn nhà cấp 4 cũ kỹ của bố mẹ chồng để lại, làm chỗ chui ra chui vào. Nhưng cứ đến mùa mưa bão nước lại lênh láng, những đồng tiền hai vợ chồng dành dụm được cũng không đủ để sửa cho đàng hoàng nên vẫn phải để anh Vui ở căn phòng tối om, ẩm thấp.

Anh tàn tật, điểm tựa cuối cùng của người em bị bại liệt - Ảnh 5.

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ do bố mẹ anh Bình để lại (giờ vẫn là nơi sinh hoạt của cả gia đình) đã xuống cấp nghiêm trọng.

Anh Cao Ngọc Bình và anh Cao Ngọc Vui ở Hoàng Phong, Hoàng Hóa, Thanh Hóa cần được giúp đỡ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sỹ Hiệp - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa cho biết:

"Gia đình anh Cao Ngọc Bình thuộc diện khó khăn nhất xã nên chúng tôi nắm rất rõ. Anh Bình bẩm sinh bị tàn tật, mấy năm trước đang băm rau lợn thì bị con lợn nhảy xô đổ tường đè gãy nốt chân còn lại. Sau đó, em trai út ở trong nam đi làm, bị điện giật rơi từ tầng hai xuống, phải sống thực vật giờ cũng vợ chồng anh Bình nuôi. Hàng tháng hai anh em được trợ cấp theo chế độ người tàn tật, còn chị Lê Thị Tiến được hưởng trợ cấp người chăm sóc.

Về phía địa phương, cũng chỉ dịp lễ, tết hoặc con em đi làm xa về có điều kiện đến thăm hỏi động viên chút quà thôi. Thực sự chưa có tổ chức hay chương trình nào đứng ra kêu gọi hỗ trợ cho họ. Rất mong các nhà hảo tâm chung tay, giúp đỡ, để gia đình vơi bớt phần nào những khó khăn, vất vả hiện tại."

Anh tàn tật, điểm tựa cuối cùng của người em bị bại liệt - Ảnh 7.

Mong Quý nhà hảo tâm rộng lòng giúp đỡ, san sẻ cùng hoàn cảnh khó khăn, để họ có cơ hội vươn lên. Thông tin chi tiết sau:

Anh Cao Ngọc Bình, chị Lê Thị Tiến thôn Phong Mỹ, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Số tài khoản: 030063382686. Ngân hàng Sacombank Thanh Hoá. Chủ tài khoản Lê Thị Tiến (vợ anh Cao Ngọc Bình).

Số điện thoại: 0968735090 (anh Cao Ngọc Bình); 0334150245 (chị Lê Thị Tiến).

Mọi thắc mắc vui lòng gọi số hotline: 0943.113.999

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại