Trong bối cảnh những sóng gió liên quan vụ ám sát cựu điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal chưa qua, quan hệ Nga và Anh lại hứng chịu thêm cú sốc mới liên quan tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. Một Ủy ban Quốc hội Anh vừa công bố báo cáo nghi ngờ Nga tìm cách gây ảnh hưởng tới kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016.
Trong bản báo cáo công bố hôm 29/7, Ủy ban truyền thông thuộc Hạ viện Anh cho rằng, ông Arron Banks, nhà sáng lập Leave.EU, một trong những nhóm chính vận động Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã nói dối về những cuộc gặp tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô London và không minh bạch về tài chính.
Tài liệu nêu rõ, ông ông Arron Banks dường như đã tận dụng mối quan hệ với những người Nga từng tiếp xúc dưới vỏ bọc các giao dịch làm ăn và sử dụng nguồn tiền này để tài trợ cho chiến dịch Brexit. Nếu được xác nhận, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban, ông Damiens Collins thừa nhận sau 18 tháng điều tra, các nghị sĩ chỉ phát hiện “phần nổi của tảng băng” về sự can dự của Nga trong đời sống chính trị Anh.
Mục đích ban đầu của Ủy ban truyền thông thuộc Hạ viện Anh là điều tra về “những tin tức giả và tác động của nó đối với nền dân chủ”.
Tuy nhiên tiết lộ của tờ Người quan sát (The Observer) về vụ bê bối của công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica liên quan việc thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dùng Facebook nhằm phục vụ chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu ý dân về Brexit và những nghi ngờ về sự hỗ trợ tài chính của Nga đối với chiến dịch Leave.EU, khiến các nghị sĩ quyết định mở rộng cuộc điều tra.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên giới chức Anh cáo buộc Nga can thiệp vào tiến trình Brexit tại nước này. Tuy nhiên, cũng chính các quan chức Chính phủ Anh đã bác bỏ cáo buộc nêu trên.
Ngoại trưởng Anh khi đó là ông Boris Johnson, người vừa từ chức hồi đầu tháng này đã thừa nhận, không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy sự gia tăng hoạt động của Nga trên các mạng xã hội ở Anh. Cũng theo ông này, tất cả các nguồn tiền chi vào chiến dịch vận động cho trưng cầu ý dân đều được cấp từ các nguồn hợp pháp.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Anh Tony Barber nhận định, việc cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu ý dân về đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là hoàn toàn vô căn cứ.
Chính những chính sách sai lầm của giới lãnh đạo Anh và sâu sa hơn là sự không hài lòng của xã hội với chính quyền Anh đã dẫn đến hậu quả này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi tiến trình đàm phán về Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa đạt đột phá, tiết lộ của Ủy ban truyền thông thuộc Hạ viện Anh cũng gây ra những tác động không hề nhỏ.
Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu về Brexit Michael Barnier mới đây cảnh báo, nước Anh không còn nhiều thời gian cho những chia rẽ và nghi ngờ: “Chỉ còn 13 tuần đến thời điểm trình lên cuộc họp Hội đồng châu Âu. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta phải có 2 việc để làm đó là phải hoàn thành thỏa thuận cho Anh rút khỏi EU và chuẩn bị một tuyên bố chính trị về mối quan hệ tương lai”.
Theo kết quả một cuộc thăm dò công bố mới đây nhất của YouGov, số người dân Anh ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit, đã lần đầu tiên vượt số người phản đối ý tưởng này.
Thực tế này cho thấy các tiếng nói phản đối Brexit và muốn bỏ phiếu lại về các điều khoản "ly hôn" đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống chính trị tại Anh. YouGov đã tiến hành khảo sát thường xuyên với câu hỏi này từ tháng 4/2017. Tỷ lệ ủng hộ so với phản đối ban đầu là 31%-48%, song hiện nay đã được rút ngắn còn 40%-42%.
Ngoài ra, YouGov cũng hỏi người dân Anh về lựa chọn của họ nếu tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân về Brexit vào thời điểm hiện tại. Đối với vấn đề này, 45% lựa chọn ở lại EU so với 42% chọn ra đi./.