"Ánh mắt kết nối" với ông Obama và phong cách ngoại giao tinh tế của Tổng Bí thư khiến đối tác nể phục

Lan Hương |

Nhà lãnh đạo chân chính, luôn tận tụy vì sự phát triển của Việt Nam cùng tác phong cởi mở, thân thiện là những ấn tượng mà các nhà ngoại giao nhận định về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Jorge Rondon Uzcategui, nguyên Đại sứ Cộng hòa Venezuela tại Việt Nam

Tôi lần đầu tiên được tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2006. Trong cuộc gặp đó, tôi nhận thấy ông là một nhà lãnh đạo chân chính, ham hiểu biết, có tổ chức và làm việc chăm chỉ; nhưng trên hết, ông là một người rất khiêm tốn.

Trong cuộc họp này, chúng tôi đã trao đổi ý kiến về các chủ đề khác nhau, đặc biệt là về sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, công cuộc Đổi mới - và các sự kiện ở Venezuela. Tôi đã chứng kiến ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước.

"Ánh mắt kết nối" với ông Obama và phong cách ngoại giao tinh tế của Tổng Bí thư khiến đối tác nể phục- Ảnh 1.

Và ông đã đảm nhiệm các trọng trách quan trọng của mình một cách cương quyết, yêu nước và hiệu quả. Một trong những mục tiêu lớn nhất của ông là cuộc chiến chống tham nhũng.

Về tính cách cá nhân, Tổng Bí thư rất cởi mở và thân thiện. Khi tôi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam, một cách đặc biệt và rất kín đáo, tôi đã gặp ông để chào tạm biệt, khi đó đang là Chủ tịch nước. Ông rất vui vẻ nói với tôi rằng ông sẽ trao cho tôi Huân chương Hữu nghị - huân chương cao quý nhất mà Việt Nam dành cho người nước ngoài.

Tôi phải nói rằng ông là một nhà lãnh đạo dũng cảm và thành công. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng và Nhân dân Việt Nam.

Ông Ted Osius - nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tôi đã được tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần, thường là khi có một vị khách cấp cao của Mỹ đến gặp ông. Ông luôn lịch sự với những vị khách đến thăm và luôn thân thiện với tôi. Tôi cho rằng Tổng Bí thư luôn tận tụy vì sự thành công của Việt Nam và mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ cũng như các quốc gia khác. Ông đã cống hiến hết mình cho Đảng, cho đất nước chứ không chọn lối sống xa hoa.

Về đóng góp của ông cho quan hệ Việt - Mỹ, tôi cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama năm 2016 cũng rất quan trọng nhưng sẽ không thực chất và ý nghĩa nếu như Tổng Bí thư không có chuyến thăm đến Mỹ lần đầu tiên vào một năm trước đó.

Sáng ngày 7/7/2015, trước khi hội kiến với Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi tham quan Đài tưởng niệm Jefferson khi những cây anh đào bao quanh hồ Tidal Basin lung linh trong nắng hè.

Ông đã bày tỏ sự kính trọng đối với Tổng thống Thomas Jefferson, "cha đẻ" của Bản Tuyên Mỹ mà sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã ban tặng cho họ những quyền bất khả xâm phạm. Trong số những quyền đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

"Ánh mắt kết nối" với ông Obama và phong cách ngoại giao tinh tế của Tổng Bí thư khiến đối tác nể phục- Ảnh 2.

Tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Obama đã khẳng định với Tổng Bí thư rằng Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị khác biệt. Tại bữa trưa của Bộ Ngoại giao, ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống đã trích câu thơ trong Truyện Kiều khi đón tiếp Tổng Bí thư: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".

Chuyến thăm đó đã giúp mối quan hệ song phương giữa hai nước bước vào một quỹ đạo mới, đưa 2 nước trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện như ngày nay. Được đóng góp cho cuộc gặp giữa Tổng Bí thư và Tổng thống Obama là thành quả có ý nghĩa nhất trong nhiệm kỳ của tôi.

Khi chuẩn bị cho chuyến thăm Washington và New York của Tổng Bí thư, tôi đã nhắn với những đồng nghiệp trong đoàn tư vấn để Tổng Bí thư bỏ các văn bản và có cuộc đối thoại với Tổng thống Obama.

"Hãy nhìn thẳng vào mắt Tổng thống", tôi nhờ họ nhắn với Tổng Bí thư. Ông đã làm vậy và hai nhà lãnh đạo đã có một sự kết nối.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ

Tôi có vinh dự được trực tiếp phục vụ một số hoạt động đối ngoại của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cả trên cương vị Chủ tịch Quốc hội trước đây và Tổng Bí thư sau này. Mỗi lần trực tiếp báo cáo đồng chí, tôi đều thấy toát lên ở đồng chí một phong cách lãnh đạo rất chân thành, giản dị, khiêm tốn, song cũng rất cẩn trọng, kỹ lưỡng và thấu đáo.

Thường sau khi nghe cán bộ cấp dưới báo cáo, đồng chí hỏi rất nhiều điều cả về nội dung công việc cũng như đặc điểm, sở thích, phong cách cá nhân của đối tác. Khi tiếp khách, đồng chí rất linh hoạt, chủ động tạo không khí cởi mở, thân thiện. Đặc biệt, đồng chí không né tránh những vấn đề được coi là nhạy cảm mà xử lý bằng sự tinh tế, hóm hỉnh, hay bằng những câu thơ, những tích cổ bao hàm ý nghĩa sâu sắc, phù hợp với hoàn cảnh, làm người đối thoại vừa được thuyết phục, vừa thấy thoải mái.

"Ánh mắt kết nối" với ông Obama và phong cách ngoại giao tinh tế của Tổng Bí thư khiến đối tác nể phục- Ảnh 3.

Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tôi được gặp Tổng Bí thư. Đồng chí đã rất ân cần căn dặn nhiều về nhận thức và tư duy chiến lược, giúp tôi vững vàng và tự tin hơn khi đảm nhiệm trọng trách này.

Tôi lại có vinh dự tham gia quá trình thu xếp và chuẩn bị cho cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Bất ngờ rất thú vị đối với tôi và các cán bộ cùng tham gia phục vụ cuộc điện đàm này là thời gian trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo rất dài, tới hơn 50 phút so với khoảng 15 - 20 phút của một cuộc điện đàm thông thường.

Tác phong ngoại giao tôn trọng, chân thành đã tạo dựng quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Nhiều quan chức cấp cao phía Hoa Kỳ trực tiếp tham gia phục vụ Tổng thống Joe Biden tại cuộc điện đàm đã chia sẻ với chúng tôi rằng họ rất ấn tượng, cảm kích với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cho rằng, không khí cuộc điện đàm rất chân thành, thẳng thắn và thoải mái với những câu thăm hỏi thân tình như giữa những người bạn.

Không lâu sau cuộc điện đàm này, Tổng thống Joe Biden đã gửi thư chính thức mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ với nội dung rất tình cảm, thực chất, thể hiện rõ sự coi trọng đối với Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Qua những lần được phục vụ Tổng Bí thư trong các hoạt động đối ngoại, tôi càng thấm thía rằng, quan hệ giữa quốc gia với quốc gia trước hết cũng được thể hiện rõ bởi quan hệ giữa con người với con người. Phong cách ngoại giao "cây tre Việt Nam" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện cho thấy lợi ích giữa các quốc gia có những lĩnh vực trùng hợp, có lĩnh vực khác biệt, nhưng nếu có cách tiếp cận chân thành, hài hòa, hiểu biết, thì điểm đồng được nhân lên, còn khác biệt dẫu chưa được giải quyết thì cũng phần nào giảm bớt. Cách nói nhẹ nhàng, chân tình, điềm tĩnh, không đao to búa lớn, luôn tôn trọng đối tác, biết đặt mình vào vị trí của đối tác, rất biết mình, biết người của Tổng Bí thư được các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ, đánh giá rất cao.

(Trích Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”)

Ông Vũ Trung Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Bolivariana Venezuela

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Cuba năm 2018 để lại nhiều điều bất ngờ, thú vị. Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm bắt đầu từ cuộc trao đổi riêng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Raul Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba.

Đồng chí Raul Castro với phong cách luôn hài hước, dí dỏm, rất thân tình hỏi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Theo chương trình, sáng mai đồng chí sẽ bay đi thăm thành phố Santiago và viếng đồng chí Fidel?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Vâng, sáng mai tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ bay đi Santiago để viếng lãnh tụ Fidel.

Đồng chí Raul Castro (dí dỏm): Liệu đồng chí có mời tôi đi cùng chuyên cơ tới Santiago không?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tôi rất vui nếu được đồng chí cùng đi.

Cuộc nói chuyện ngắn giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước hết sức chân thành khiến chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng. Chúng tôi ngay lập tức bắt đầu công tác chuẩn bị cho một chuyến chuyên cơ "vô tiền khoáng hậu", vượt qua những nguyên tắc ngoại giao thông thường.

"Ánh mắt kết nối" với ông Obama và phong cách ngoại giao tinh tế của Tổng Bí thư khiến đối tác nể phục- Ảnh 4.

Sáng hôm sau, đến phòng chờ sân bay, đồng chí Raul Castro đã đợi sẵn, mời Tổng Bí thư uống cà phê và sau đó, hai đồng chí lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước cùng bước lên chuyên cơ của Vietnam Airlines. Những hình ảnh sau đó cũng như nội dung trao đổi của hai đồng chí lãnh đạo đã được báo chí hai nước đưa tin rộng rãi và đậm nét.

Các đồng chí lãnh đạo Cuba hết sức bất ngờ trước quyết định tháp tùng, đặc biệt là bay cùng chuyên cơ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đồng chí Raul Castro; các ý kiến đều cho rằng quyết định này là chưa có tiền lệ trong ngoại giao, thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, tình cảm đặc biệt, phản ánh mối quan hệ đặc biệt, chỉ có thể là quan hệ Việt Nam - Cuba.

Báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khu vực Mỹ Latinh đã dùng những từ khá đặc biệt để diễn tả như "hai lãnh tụ cộng sản không rời nhau nửa bước"; "hai lãnh tụ có mái đầu bạc tiếp tục làm tươi mới quan hệ đặc biệt Cuba - Việt Nam". Phong cách bình dị, gần gũi, thân tình của Tổng Bí thư, việc Tổng Bí thư tiếp xúc trực tiếp, ân cần thăm hỏi các cháu thiếu nhi... đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp đối với nhân dân Cuba.

(Trích Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”)

Ông Lê Văn Bàng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ

Với tư cách là một chuyên gia về Mỹ, cá nhân tôi cũng có những kỷ niệm với Tổng Bí thư. Năm 2015, Tổng Bí thư thăm Mỹ, tôi cũng được yêu cầu đến để góp ý về lịch trình. Tôi đã đóng góp là làm thế nào để nâng cao được quan hệ kinh tế Việt Nam và Mỹ.

Chuyến đi năm 2016 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam và sau này Tổng bí thư vẫn tiếp tục theo dõi, quan tâm quan hệ Việt Nam - Mỹ và đóng góp rất nhiều trong quan hệ với Mỹ.

"Ánh mắt kết nối" với ông Obama và phong cách ngoại giao tinh tế của Tổng Bí thư khiến đối tác nể phục- Ảnh 5.

Năm 2023 Tổng bí thư đã đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hà Nội và chứng kiến quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Khoảng năm 1996 – 1997, tôi cũng đã được gặp Tổng Bí thư và ông đã hỏi về vấn đề hội nhập quốc tế cũng như quan hệ với các nước. Tôi đã trả lời rằng vấn đề hội nhập như con suối chảy ra sông, sông ra biển lớn. Việt Nam chúng ta cũng như vậy, chúng ta bắt đầu từ con suối, chúng ta phải ra biển, nếu không thì chúng ta không bao giờ biết biển lớn. Toàn cầu hóa sẽ có lợi cho dân tộc và giờ chúng ta thực hiện đúng như thế.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại