Ông Văn Chơn (58 tuổi, ở Cà Mau) và bà Hồ Thị Hàn Vy (56 tuổi) có một cuộc hôn nhân kỳ lạ, đến với nhau nhờ di nguyện của mẹ và về chung một nhà dù không có tình yêu.
Thuở nhỏ ông Chơn và bà Vy lớn lên chung một xóm. Mẹ ông Chơn và mẹ của bà Vy vốn là đôi bạn rất thân. Cuộc sống khó khăn, mẹ bà Vy định rời Huế vào Nam lập nghiệp và muốn rủ mẹ ông Chơn đi theo.
Nhưng nhà ông Chơn không mấy khá giả. Mẹ bà Vy quyết định bán chiếc áo dài cưới, lấy tiền cho cô bạn thân mua vé xe, cùng Nam tiến. Cả hai chuyển vào Cà Mau, nhà chỉ cách nhau con sông nhỏ. Ông Chơn, bà Vy vẫn qua lại, trò chuyện như bao đứa trẻ đồng lứa.
Bỗng đến một ngày, mẹ ông Chơn đổ bệnh nặng. Trước khi đi, bà nói với cô bạn thân: "Nếu tôi đi trị bệnh mà khỏi thì thôi, còn nếu tôi chết bà phải gả con Vy cho thằng Chơn".
Mẹ bà Vy gật đầu, hứa làm theo di nguyện để người bạn yên tâm chữa bệnh.
Mấy năm sau, mẹ ông Chơn qua đời. Mẹ bà Vy giữ đúng lời hứa, quyết định gả con gái cho ông Chơn. Nhưng bà Vy không đồng ý vì thấy gia đình ông nghèo, hơn nữa bà cũng không hề có tình cảm với ông.
Bị mẹ ép cưới người mình không yêu, bà Vy bỏ nhà sang Campuchia suốt 2 ngày.
"Mẹ tôi biết tin, giận lắm, sang tận đó đón tôi về để gả chồng", bà Vy kể lại.
Về phía ông Chơn, sau nhiều lần qua lại trò chuyện, ông cũng dần có cảm tình với cô bạn cùng xóm năm xưa. Ông rủ bà đi chơi, đi uống nước nhưng bà không chịu, nhất quyết giữ khoảng cách.
Đến một ngày, ông Chơn bỗng nhiên phát bệnh. Thấy ông không còn ai ở bên, bà Vy thương tình, nhắm mắt gật đầu cưới.
Lễ vu quy của bà Vy diễn ra linh đình, mời cả đoàn hát về biểu diễn suốt 2 ngày đêm. Thế nhưng giữa ngày vui rộn ràng, bà lại ôm mặt khóc tức tưởi vì nghĩ phải cưới người mình không có tình cảm, gia cảnh nghèo khó.
Tình thương hóa tình yêu, 20 năm không ngủ chung giường
Sau khi kết hôn, bà Vy đã hoàn toàn chấp nhận cuộc sống mới, không chỉ quan tâm chăm sóc chồng mình mà còn đảm đương trách nhiệm với 8 người em của ông Chơn. Bà Vy tâm sự rằng bà cảm thấy rất thương cho số phận của những người em chồng, bởi lẽ trong khi các em ruột của bà ở nhà luôn được chăm chút tỉ mỉ thì các em chồng lại phải lớn lên trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Những đứa em này cũng rất ý thức và có trách nhiệm; chúng mỗi người một việc, giúp bà lo lắng việc nhà và công việc kinh doanh. Từ chối sự hỗ trợ của bố mẹ đẻ để sống riêng, cuộc sống của vợ chồng bà trở nên vô cùng khó khăn.
"Vợ chồng tôi nghèo lắm. Nhà tôi nghèo đến nỗi bị người ta khinh thường, không cho kéo điện để dùng", bà Vy trầm mặc kể.
Để trang trải cuộc sống, ông Chơn nhận chèo đò qua sống. Còn bà Vy vừa đảm nhận việc chăm sóc em chồng, con cái, vừa phải bán chè, buôn bán các mặt hàng khác để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Vì công việc chèo đò yêu cầu ông Chơn phải thường túc trực tại sông nên ông bà đã phải ngủ riêng giường sau khi sinh đứa con đầu lòng.
Cũng từ đó, ông Chơn duy trì thói quen không ngủ chung giường cho đến tận bây giờ, kéo dài hơn 20 năm. Ông Chơn cười và nói, chỉ khi nào cần "hành sự" thì sẽ vào với bà.
Ít gần gũi chồng nhưng bà Vy không giận dỗi hay buồn phiền, mà ngược lại còn thông cảm, thấu hiểu cho công việc của chồng.
Nhiều người thắc mắc, không chung chăn gối bao năm, làm thế nào để ông bà duy trì tình yêu suốt từng ấy năm? Bà Vy tiết lộ rằng ngày còn trẻ, do quá bận rộn với việc lao động kiếm sống và chăm sóc con cái cùng các em chồng nên không có thời gian cãi vã. Khi có mâu thuẫn xảy ra, ông bà luôn tìm cách nhường nhịn lẫn nhau, tránh mâu thuẫn.
Để duy trì sự ấm áp cho tổ ấm, bà Vy luôn chịu đựng và bao dung. Ông Chơn cũng biết kiềm chế những tật xấu của mình và cố gắng sống tốt vì gia đình. Nhờ bí quyết ấy, đến nay, họ đã có với nhau ba người con và sống một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.
Nguồn: Tình trăm năm