Từ lâu, vùng Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội) đã gắn liền với một cái tên rất đặc biệt: "Làng hai vua". Đây là nơi sinh ra hai vị vua vĩ đại cho dân tộc Việt Nam. Một là Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy. Vị còn lại là tiền nhân của ông, người sinh ra trước đó một thế kỉ, được nhân dân thành kính suy tôn là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh - một người hiền tài, đức độ từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) năm 722. Sau đó, ông trở về quê chí thú làm ăn, trở nên giàu có.
Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Một lần bà sinh được ba người con trai khôi ngô, tuấn tú. Anh cả là Phùng Hưng có sức khỏe và khí phách phi thường. Mặc dù xuất thân trong gia đình giàu có nhưng ông lại luôn giúp đỡ những người nghèo khổ. đồng cảm và thương yêu dân chúng như chính bản thân mình.
Có thể thấy, ngay từ khi chỉ là tù trưởng địa phương, Phùng Hưng đã sớm bộc lộ tố chất của một vị thủ lĩnh tài trí, mưu lược và biết lấy dân làm gốc, đúng với tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc ta mà sau này Nguyễn Trãi có nhắc đến trong Bình Ngô Đại Cáo: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo".
Minh họa. Ảnh: Internet
Phùng Hưng đặc biệt nổi danh với tài diệt mãnh thú. Bấy giờ, tại vùng đất Đường Lâm quê ông có rừng núi bao quanh nên rất nhiều hổ dữ hoành hành. Mọi người không khỏi hoang mang, lo sợ, chẳng còn ai dám vào rừng làm nương rẫy.
Những người bất đắc dĩ phải đi qua, nếu không bỏ mạng thì cũng bị hổ dữ dọa cho hồn siêu phách lạc. Đó là nỗi ám ảnh thường trực đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây. Hay tin có thú dữ, Phùng Hưng chẳng những không lo sợ mà còn đích thân vào rừng xem xét tình hình.
Sau đó, ông bàn với hai người em của mình lập kế hoạch cùng thu phục ác thú. Một lần, Phùng Hưng đã sử dụng mưu kế trong cuộc đương đầu với con hổ khét tiếng là hung tợn nhất vùng. Kết quả là bằng tài trí thông minh cùng sức vóc phi thường của mình, ông đã giết chết được mãnh thú.
Lần khác, Phùng Hưng còn đánh bại cùng một lúc hai con trâu rừng khiến người người đem lòng nể phục. Kể từ đó, nhân dân không còn lo sợ bị hổ dữ tấn công khi vào rừng núi nữa. Họ cũng vô cùng biết ơn người tù trưởng anh hùng của vùng đất Đường lâm.
Lại nói, Phùng Hưng vốn đã nuôi chí đánh giặc từ lâu, nay nhờ việc diệt hổ dữ mà được nhân dân hết lòng cảm phục. Nhân cơ hội ngàn năm có một đó, ông đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng kéo dài hơn 20 năm (766-791). Quân ta đã chiến đấu anh dũng liên tục suốt bảy ngày đêm, kết quả là đã đánh bay bốn vạn quân giặc. Ngay lập tức, Phùng Hưng chỉ huy quân lính chiếm thành Tống Bình làm kinh đô. Tại đây, ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
Tham khảo từ:
1. Việt sử giai thoại, tập 1 " 40 giai thoại từ thời Hùng Vương đến hết thế kỉ thứ X" ;Nguyễn Khắc Thuần; NXB Giáo dục.
2. Các triều đại Việt Nam; Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng; NXB Thanh niên