Paris không chỉ có tháp Eiffel hay sự xa hoa, lãng mạn mà quận Pigalle nằm ở phía bắc thủ đô cũng rất đặc biệt. Bởi vì, đây là khu đèn đỏ, là "thánh địa" của những bữa tiệc miên man kéo dài hàng thập kỉ qua.
Đó là 1 thế giới rất khác phần còn lại của Paris mà nhiếp ảnh gia người Mĩ - cô Jane Evelyn Atwood - đã lần đầu khám phá ra vào năm 1978.
Từ lúc ấy, cô Jane đã yêu lấy những khung cảnh vừa sôi nổi nóng bỏng, vừa trầm lắng giàu cảm xúc nơi đây.
Sự quan sát đó thôi thúc Jane lưu giữ cuộc sống vào trong những tấm ảnh, về cộng đồng người chuyển giới và công việc của họ.
Nữ nhiếp ảnh gia bắt đầu tiếp cận, chia sẻ và nhận được tin tưởng trước khi chụp. Và Jane cho biết mỗi khi nhìn lại ảnh, cô đều cảm nhận rõ "sự nổi loạn, sợ hãi, e dè và bị coi thường" của các nhân vật như hiện ra trước mắt.
Mới đây, Jane Atwood đã tập hợp những tấm ảnh chụp trong hai năm 1978, 1979 để xuất bản cuốn sách ảnh "Pigalle People" (Những người ở phố Pigalle). Dưới đây là một vài ảnh trong đó.
Nhiếp ảnh gia Jane tiết lộ rằng cô được cho phép "entrée" - bước vào cuộc sống ở phố đèn đỏ Pigalle nhờ quen biết một người hành nghề mại dâm.
"Thật nghịch lí", Jane nói, "người ta cứ tưởng bạn phải biết rõ các nhân vật trước khi chụp, nhưng lần này, càng chụp tôi càng thấu hiểu hơn về cuộc sống của cộng đồng chuyển giới, họ làm gì mỗi ngày, họ thức dậy như thế nào...".
Vì vậy, những bức ảnh của Jane Atwood hiện lên đẹp một cách tự nhiên, không hề cố gắng che đi nét lúng túng, dè dặt, nỗi nghi ngại của cộng đồng người chuyển giới.
Thay vào đó, các nhân vật hiện lên với vẻ phóng khoáng, đầy mạnh mẽ và cả những ánh mắt, tâm hồn lãng mạn rất Paris - dù cho nghề nghiệp của họ có gây tranh cãi đến thế nào đi nữa!
Pigalle ồn ã và náo nhiệt, luôn chào đón mọi khách khứa nhưng không phải là các tay săn ảnh.
Để chụp những bức hình trên, Jane Atwood phải chứng minh cô đáng tin cậy và hoàn toàn chia sẻ, đồng cảm với các cư dân tại đây.
Jane nói: "Đó không phải là thế giới của tôi, tôi đã bước vào như 1 vị khách. Và với tư cách 1 vị khách, tôi luôn tôn trọng văn hóa ở đây cũng như hành xử đúng mực".
Đáng tiếc, khi AIDS tràn đến phố đèn đỏ Pigalle sau đó, nhiều nhân vật trong ảnh của nữ nhiếp ảnh gia đã ra đi mãi mãi, mà có lẽ cuộc sống của họ cũng tắt dần từ trước bạo lực và những cuộc vui say quá đà.
Lí giải ý nghĩa của bộ ảnh, Jane cho biết: "Tôi chỉ là người chứng kiến. Tôi yêu các nhân vật của mình và biết ơn họ.
Khi xuất bản "Pigalle People", tôi muốn nói với mọi người rằng năm ấy tôi từng ở đây, và cuộc sống từng diễn ra như thế này. Mọi người có thể đưa ra quan điểm riêng của họ".
Bạn nghĩ gì về những tấm ảnh này? Những bức hình xưa cũ luôn cho chúng ta nhiều cảm xúc mơ hồ đúng không? Hãy chia sẻ dưới phần bình luận nhé.
(Tham khảo: Vice, Huck)