Người dân Trung Quốc ở cuối triều đại nhà Thanh đã có cuộc sống như thế nào khi văn hóa phương Tây du nhập vào mạnh mẽ? Công nghệ phương Tây xâm nhập vào cuộc sống, người dân sợ hãi nhưng cũng hiếu kỳ và muốn tìm hiểu. Sự tác động của các nền văn hóa bên ngoài đã mang lại những thay đổi gì cho cuộc sống của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ?
13 bức ảnh cũ thời Thanh Mạt dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn chân thực nhất.
1. Học sinh của Đại học đường Kinh Sư đang tận dụng bím tóc vẽ đường tròn trong môn toán hình học.
Trên bảng đen là một loạt chữ tiếng Anh. Có thể thấy, giáo dục phương Tây đang được phổ cập rộng rãi và được tiếp thu một cách tích cực.
Được biết, Đại học đường Kinh Sư là một cơ cấu giáo dục cao đẳng tổng hợp sớm nhất của Trung Quốc, là tiền thân của Đại học Bắc Kinh và Đại học Sư phạm Bắc Kinh hiện tại.
2. Tiết học tiếng Anh tại Đồng văn quán Kinh Sư.
Đại học đường Kinh Sư được thành lập vào tháng 7/1898, còn Đồng văn quán Kinh Sư được thành lập vào tháng 8/1862. Mục đích giáo dục của hai ngôi trường hoàn toàn khác nhau. Đại học đường Kinh Sư thuộc hệ đại học tổng hợp với nhiều bộ môn, bao gồm vật lý, văn học, địa lý, chính trị, nghệ thuật quân sự...
Đồng văn quán Kinh Sư là sản phẩm của phong trào Tây hóa, tiền thân là học quán Nga được thành lập thời Khang Hi (năm 1708) chuyên dành cho du học sinh Nga học tiếng Mãn và tiếng Hán. Đến thời kỳ Tây hóa, triều đình nhà Thanh cần nhân tài phiên dịch ngoại ngữ, thế là đã thành lập nên Đồng văn quán Kinh Sư chuyên dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga và tiếng Nhật.
3. Người Bát Kỳ đến bệnh viện phương Tây khám bệnh.
Trong bối cảnh truyền bá học thuật phương Tây vào phương Đông, bệnh viện Tây y dần du nhập vào cuộc sống người Trung Quốc. Ban đầu, người dân không chấp nhận phương pháp chữa bệnh mới lạ này. Thậm chí nhiều người còn lầm tưởng rằng Tây y dùng mắt của trẻ nhỏ làm nguyên liệu thuốc. Nhưng dần dần, người dân phát hiện Tây y cũng có thể trị bệnh, thế là họ đã chấp nhận nó trở thành một phần trong cuộc sống.
4. Tàu hỏa xuất hiện ở Trung Quốc.
Nhân viên đang thực hiện đo đạc địa chính tại tuyến đường sắt Kinh Trương nối Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu. Tuyến đường sắt này hoàn toàn được người Trung Quốc tự thiết kế, không có sự tham gia đầu tư và nhân công của người nước ngoài.
5. Học sinh đang làm thí nghiệm sinh học.
Đây là phòng thí nghiệm của Y học đường Hiệp Hòa Bắc Kinh, học sinh đang học cách sử dụng kính hiển vi. Y học đường Hiệp Hòa là trường y tích hợp nhiều bộ phận giáo dục của Anh và Mỹ. "Hiệp hòa" mang ngụ ý "liên hợp và đoàn kết". Từ Hi Thái Hậu còn quyên tặng 10 nghìn lượng bạc cho nơi đây.
6. Những cửa hàng ở "thành phố Tây" Thượng Hải.
Là một đô thị hóa quốc tế, đường phố Thượng Hải đương nhiên không thiếu người nước ngoài. Khách khứa, có người Trung Quốc lẫn người phương Tây, đang vây xem tác phẩm tranh khắc trúc. Biển hiệu cửa hàng có dòng chữ tiếng Anh: Bamboo Carver (điêu khắc trên trúc).
Trước đây, người dân hiếm khi mua quần áo may sẵn. Vào cuối thời nhà Thanh, quần áo đều được may đo, nơi mua quần áo được gọi là cửa hàng vải. Những người giàu có thể đến cửa hàng vải để mua quần áo bằng lụa và satanh.
7. Người Trung Quốc chơi quần vợt.
Thể thao quần vợt bắt nguồn từ nước Pháp ở thế kỷ 12. Đến khoảng năm 1885, quần vợt du nhập vào Trung Quốc và sớm nhất là ở các thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải... Năm 1898, Thượng Hải tổ chức cuộc thi quần vợt mang quy mô toàn quốc.
8. Thú vui của phú hộ: Ngồi thuyền ngắm cảnh.
Bức ảnh được chụp ở Cửu Giang (Giang Tây, Trung Quốc), phía xa là những tòa kiến trúc kiểu Tây. Cửu Giang là vùng giao giữa 4 tỉnh: Giang Tây, Hồ Bắc, An Huy và Hồ Nam. Năm 1856, chỉnh phủ nhà Thanh và nước Anh ký kết "Hiệp ước Thiên Tân", Cửu Giang trở thành cửa thông thương.
9. Văn phòng điện thoại Hoàng gia Thanh triều.
Năm 1877, Lý Hồng Chương (đại thần triều đình nhà Thanh) đã mua một hệ thống liên lạc nội bộ nam châm hai chiều từ nước ngoài để duy trì kết nối giữa Thương cục Vận chuyển Thượng Hải và Bến tàu Tập Lục Phố. Đường dây liên lạc chỉ dài 1km. Văn phòng điện thoại Hoàng gia được thành lập vào năm 1904, là văn phòng điện thoại do chính phủ điều hành đầu tiên ở Trung Quốc, được lắp đặt 100 điện thoại nam châm.
10. Ái Tân Giác La Phổ Luân được lệnh của Từ Hi Thái Hậu, mặc mãng bào dẫn đầu phái đoàn nhà Thanh tham gia Hội chợ triển lãm thế giới St. Louis được tổ chức tại Hoa Kỳ năm 1904.
11. Tiệm sửa xe đạp ở thành phố Thượng Hải.
Xe đạp ban đầu được người Trung Quốc gọi là "Dương mã nhi" (chú ngựa Tây). Sau khi du nhập vào Thượng Hải, xe đạp nhanh chóng trở thành một mặt hàng được ưa chuộng. Năm 1900, Thượng Hải có 7-8 cơ sở kinh doanh xe đạp, cùng với linh kiện và phụ tùng xe đạp. Tiệm sửa xe đạp cũng từ đó xuất hiện.
12. Cửa hàng chụp ảnh dần trở nên phổ biến.
Vào những năm 1980, các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu... xuất hiện nhiều cửa hàng chụp ảnh. Lúc bấy giờ, chụp ảnh rất thịnh hành trong giới thượng lưu. Người chấp chính triều đình nhà Thanh lúc bấy giờ cũng rất yêu thích chụp ảnh kiểu Tây, để lại cho hậu thế gần 800 bức hình có giá trị cao.
Nguồn: 163