Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn

Ảnh: Hoàng Việt - Bài: Phạm An |

Người đàn ông 32 tuổi không tay được bà chủ quán bún ở Sài Gòn đút cho ăn hàng ngày. Họ gọi nhau là mẹ con dù không có tình thân máu mủ.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Nếu như không biết câu chuyện của bà bán bún và anh bán vé số không tay ở chợ Bàn Cờ, thì nhìn vào sự ân cần của bà Lê Thị Cúc (60 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) khi đút cho anh Nguyễn Đức Thanh (32 tuổi, quê An Nhơn, Bình Định) từng miếng cơm, miếng bún... ai cũng nghĩ họ là mẹ con.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Cách đây hơn một năm, khi bà Cúc đang bán bún bó thì thấy anh Thanh đi qua đi lại trước quán, ánh mắt tỏ ý cần sự giúp đỡ. Thấy anh người đầy mồ hôi, mặt xanh xao, mệt mỏi bà Cúc đến hỏi chuyện. Anh Thanh ngần ngại nói "con đói". "Tôi kêu vào quá, múc tô bún rồi đút cho ăn, nhìn nó ăn ngon lành tự nhiên nước mắt tôi chảy ra, thấy thương thằn nhỏ lắm", người phụ nữ này nói.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Anh Thanh mỉm cười: "Đút tôi ăn xong tô bún, mẹ nói lần sau nếu bán gần chỗ này, khi đói bụng cứ đến mẹ đút cho ăn. Còn nếu bán ở xa thì nên nhờ người ta giúp, đừng im lặng kẻo xỉu ngoài đường. Từ đó, cứ mỗi tuần tôi ghé qua mẹ một hai ngày, đến bây giờ đã hơn 1 năm".

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Anh Thanh sinh ra bình thường như bao người khác, lớn lên đi làm phụ hồ, bốc vác... để mưu sinh. Trong một lần anh phụ kéo sắt để xây nhà thì vô tình va vào dây điện ngất xỉu, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hai tay. Hai bàn chân bên thì bỏ hết ngón, bên thì co quắp nên anh không thể dùng để thay thế tay. Mọi sinh hoạt đều nhờ đến người khác.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 5.

"Nhà có 4 anh chị em, ai cũng đều phải mưu sinh vất vả. Thấy ba mẹ già yếu nai lưng ra làm ruộng thuê lại phải chăm sóc con tật nguyền khiến tôi nhiều đêm suy nghĩ. Năm 2014, tôi quyết định vào Sài Gòn với em gái để mưu sinh. Năm vừa rồi em gái về quê lấy chồng, tôi sống một mình ở Sài Gòn. Ai thương tình thì đút cho ăn, không thì tôi nhịn. Khó nhất là việc đi vệ sinh", anh Thanh kể.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 6.

Với anh Thanh, rất nhiều người đút cho ăn, nhưng chỉ với bà Cúc anh mới cảm nhận được hơi ấm của tình thân, vì vậy anh xin gọi bà là mẹ. Theo anh, dù bán được hay không, dù mưa hay nắng thấy anh tới bà Cúc cũng luôn mỉm cười. Ăn cơm do bà Cúc đút, anh chưa một lần tủi thân hay mặc cảm, vì cái anh cảm nhận được ở bà là tấm lòng của người mẹ.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Mặc dù xem anh Thanh như con trai, nhưng bà Cúc chưa một lần hỏi về hoàn cảnh của anh. Bà sợ khi hỏi sẽ chạm vào nỗi đau của con. Thế nên tới bây giờ bà chỉ biết việc vệ sinh hàng ngày của anh là do một người đồng hương ở gần phòng trọ giúp đỡ.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Ngày nắng, anh Thanh bán từ 100 - 150 tờ vé số, lời 150.000 đồng. Nhưng anh vốn là người đầy lòng tự trọng, nên ai đút cho ăn món gì anh cũng đều trả tiền. Ban đầu bà Cúc không lấy tiền, nhưng sợ anh sẽ mặc cảm về khiếm khuyết của mình và không tới nữa nên bà chỉ lấy một tờ vé số tượng trưng.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 9.

Để mẹ mình không lo lắng, lúc nào đến quán của bà Cúc, anh Thanh cũng đều kể chuyện vui cho bà nghe khiến không gian luôn đầy tiếng cười. "Lúc nào nó đến cũng đều trêu ghẹo, làm trò cho mọi người vui, thấy thương lắm. Nhờ nó ghẹo cười nên tôi cũng trẻ hẳn ra. Thằng nhỏ mặt mũi sáng sủa, thông minh, vậy mà...", bà Cúc nói.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 10.

Bà vội đút, ép anh Thanh ăn hết phần ăn còn lại để có sức, nhiều bữa nay trời mưa lớn anh không đi bán được nên cứ nhịn ăn.

Anh bán vé số không tay và bà bán bún nhân hậu ở Sài Gòn - Ảnh 11.

Đút anh ăn xong cũng là lúc bà Cúc dọn hàng về nhà, anh Thanh lên xe buýt trở về phòng trọ. Sài Gòn chiều nhộn nhịp người xe, ai cũng vội vã lao đi để mưu sinh, nhưng ở một góc nào đó, niềm tin yêu vào cuộc sống, nghĩa tình đẹp giữa con người luôn hiện diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại