Angel Di Maria: Cuộc sống bẩn thỉu và hành trình đi lên từ nỗi ô nhục (P1)

Nguyễn Anh Dũng (S5) |

Sinh ra trong một gia đình bán than nghèo khổ, cậu bé Di Maria tưởng chừng đã đổi đời với lời mời gia nhập đội bóng danh tiếng của Argentina. Tuy nhiên, giấc mơ màu hồng ấy đã sớm chấm dứt với lời sỉ vả thậm tệ từ vị huấn luyện viên.

Đức đánh bại Argentina 1-0 trong trận chung kết World Cup 2014.

Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in lá thư từ Real và những giọt nước mắt đã lăn khi tôi mở nó ra.

Đó là buổi sáng trước khi trận chung kết World Cup 2014 diễn ra, chính xác là vào 11h. Tôi đang ngồi bên bàn điều trị chờ tiêm thuốc giảm đau. 

Chuyện là tôi đã gặp chút chấn thương cơ ở trận tứ kết, nhưng chỉ cần có thuốc giảm đau, tôi có thể chạy mà chẳng cảm thấy gì cả. Tôi còn nhớ rõ từng chữ hôm đó mình đã nói với huấn luyện viên thể lực: "Nếu nó gãy ra, cứ cho nó gãy luôn cũng được. Tôi không quan tâm. Giờ tôi chỉ muốn làm sao để ra sân thôi".

Tôi đang chườm đá thì từ ngoài bác sĩ của ĐT, Daniel Martinez bước vào phòng, ông ấy nhìn tôi, "Này, Angel, thư từ Real Madrid đấy".

Tôi hỏi, "Nó ghi gì vậy".

Ông ấy đáp, "Họ nói rằng cậu không đủ thể lực để chơi bóng. Vì thế ban lãnh đạo Real buộc chúng tôi không được để cậu ra sân trong trận hôm nay".

Vỡ mộng chung kết World Cup vì Real Madrid

Nghe đến đây, tôi đã hiểu ra toàn bộ câu chuyện. Tin đồn Real Madrid muốn đưa James Rodriguez về sau World Cup đã rộ lên từ lâu, và tôi chắc chắn họ muốn bán tôi để "dọn đường" cho cậu ta. Vậy dĩ nhiên, họ cần bảo vệ món hàng như tôi khỏi mọi rủi ro để bán được giá. Thật dễ hiểu. Đó là những khía cạnh tài chính trong bóng đá mà chúng ta không mấy khi được thấy hằng ngày.

Tôi bảo Daniel đưa tôi lá thư. Nhưng tôi không mở ra mà xé vụn nó. "Vứt hết đi. Người được ra quyết định ở đây là tôi".

Đêm hôm trước tôi không ngủ đủ giấc. Phần vì mấy người Brazil xung quanh khách sạn bắn pháo hoa ầm ĩ suốt đêm. Nhưng dù cho họ có yên lặng hơn chút, tôi nghĩ mình cũng không ngủ nổi. Tưởng tượng xem ai có thể nhắm mắt trước ngày diễn ra trận chung kết chứ, khi mà trong đầu bao thứ bạn từng mơ mộng nó cứ hiện ra.

Tôi muốn chơi, tôi muốn ra sân dù cho có phải đánh đổi cả sự nghiệp. Nhưng tôi cũng hiểu mình không nên làm tình hình cả đội thêm loạn nữa. Tôi tìm đến huấn luyện viên Sabella. Tôi và ông ấy khá thân thiết, chắc chắn chỉ cần tôi nói muốn ra sân, ông ấy sẽ điền tên tôi vào. Nhưng tôi đã không làm thế. Đặt bàn tay lên trái tim mình, tôi bảo rằng ông ấy hãy chọn những người xứng đáng ra sân.

Khi ấy, tôi đã nói thế này, "Nếu ông chọn tôi, tôi sẽ ra sân. Nếu ông chọn người khác, người đó sẽ ra sân. Điều duy nhất tôi muốn là vô địch World Cup. Vậy nên, nếu ông đặt niềm tin vào tôi, tôi sẽ chơi tới hơi thở cuối cùng".

Nước mắt tôi lã chã rơi. Tôi không làm sao ngừng lại được. Một khoảnh khắc quặn thắt trái tim tôi.

Ở buổi trao đổi nội bộ trước trận đấu, Sabella quyết định Enzo Perez sẽ đá chính bởi cậu ấy hoàn toàn đủ thể lực. Tôi không phàn nàn gì về chuyện đấy. Trước trận đấu, tôi đã tiêm một mũi giảm đau, trước hiệp hai lại thêm mũi nữa, tôi cần sẵn sàng rời khỏi ghế dự bị nếu Sabella cần.

Angel Di Maria: Cuộc sống bẩn thỉu và hành trình đi lên từ nỗi ô nhục (P1) - Ảnh 2.

Di Maria bị tước cơ hội đá trận chung kết World Cup chỉ vì câu chuyện tài chính của Real Madrid.

Nhưng, khoảnh khắc ấy đã không đến. Chúng tôi đã thất bại, còn bản thân tôi thì mất kiểm soát. Đó chắc chắn là ngày đen tối nhất cuộc đời tôi. Sau trận đấu, truyền thông liên tục nhắm những lời chỉ trích thậm tệ về phía tôi, họ nghĩ lẽ ra tôi phải ra sân thi đấu. Đó là những gì đã xảy ra. Nhưng tin tôi đi, những gì tôi đang kể với bạn, nó mới là sự thật.

Điều vẫn làm tôi đau đáu cho đến hôm nay là khoảnh khắc tôi bật khóc trước mặt Sabella. Không biết khi ấy, ông ấy có nghĩ tôi khóc vì đang quá lo lắng hay không.

Nhưng thực sự thì tôi chẳng có vấn đề gì để lo lắng cả. Những cảm xúc ấy cứ tuôn ra vì đó là một khoảnh khắc mang nhiều ý nghĩa với tôi. Bạn biết đấy, chúng tôi đã tiến rất sát chức vô địch rồi...

Bức tường ngả màu mang cả tuổi thơ

Tường nhà tôi hồi xưa màu trắng, nhưng trong tâm trí tôi, chưa bao giờ nó là màu trắng cả. Ban đầu thì nó mang màu xám. Mà dần thì nó chuyển sang đen vì bụi than. Cha tôi là một công nhân than, nhưng không giống những người làm trong mỏ đâu. 

Công việc ông ấy là làm than ở khoảng sân sau nhà. Đã bao giờ bạn nhìn thấy than được làm ra thế nào chưa? Những túi than nho nhỏ bạn mua trong siêu thị để chuẩn bị cho một bữa BBQ, thành thật, nó được làm ra một cách hơi bẩn thỉu chút đấy.

Cha tôi thường hay đóng gói những cục than rồi đem ra siêu thị bán. Mà ông không làm một mình, còn có vài cộng sự bé nhỏ nữa. Trước giờ đến trường, tôi và em gái lại dậy sớm đỡ ông một tay. 

Năm đó cả hai mới khoảng 9, 10 tuổi gì đó. Cứ mỗi lần xe tải đến chở than đi, chúng tôi lại phải đem chúng qua phòng khách rồi mới ra đến cửa. Dần dà, nhà chúng tôi đen xì cũng vì lẽ đó.

Bẩn thỉu là thế, nhưng công việc ấy đã cho chúng tôi được ăn, được sống. Những viên than đen xì ấy đã cứu căn nhà chúng tôi không bị người ta tước đi.

Hồi tôi còn bé xíu ấy, cha mẹ tôi làm ăn cũng khá ổn. Nhưng đến một ngày, ông dang tay giúp đỡ một người khác, và đó cũng là khoảnh khắc cuộc sống của chúng tôi thay đổi. Một người bạn muốn nhờ cha tôi ký tên bảo lãnh ngôi nhà của ông ta, và cha tôi đã tin tưởng gã. 

Kết cục chắc bạn cũng đoán được rồi, hắn biến mất và để lại cho cha tôi khoản nợ từ ngân hàng. Ông ấy đã phải è đầu ra làm để chi trả cho hai ngôi nhà và nuôi sống gia đình mình.

Angel Di Maria: Cuộc sống bẩn thỉu và hành trình đi lên từ nỗi ô nhục (P1) - Ảnh 3.

Căn nhà nhỏ bé với những bức tường đen kịt màu than đã nuôi sống Di Maria cả một tuổi thơ nghèo đói.

Bán than không phải công việc kinh doanh đầu tiên của cha tôi. Ông từng biến căn phòng khách trước nhà thành một cửa hàng nhỏ. Cha tôi nhập đủ thứ thuốc tẩy, xà phòng và một vài chất làm sạch rồi đóng nó vào những chai nhỏ đem bán. 

Nếu bạn sống trong thị trấn của chúng tôi, bạn sẽ không đi đến hàng tạp hóa mà mua nước giặt đâu, bởi vì nó quá đắt. Thay vào đó, bạn sẽ đến nhà Di Marias và mẹ tôi sẽ bán cho bạn một chai với giá rẻ hơn.

Công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi, cho đến một ngày, đứa con trai họ đã phá hỏng tất cả sau một lần hút chết. Phải, thằng khốn ấy là tôi đây. Thực lòng mà nói tôi không phải đứa trẻ hư, có điều tôi hơi thừa năng lượng. 

Ngày nọ, mẹ tôi đang bán hàng trong "cửa tiệm" thì tôi chạy loăng quăng xung quanh. Vì cửa phải luôn mở để khách có thể đi vào còn mẹ thì bận bịu quá nên không thể chú ý. Tôi bước ra ngoài để bắt đầu cuộc... thám hiểm!

Tôi đứng ra ngay giữa đường luôn, và bằng một cách thần kỳ nào đó, mẹ đã lao ra kịp để cứu tôi khỏi một chiếc xe đang lao đến. Đôi khi nhắc lại, mẹ vẫn hay tự hào về chiến tích của mình. Nhưng đó cũng là dấu chấm hết của tiệm Di Marias. Mẹ bảo cha rằng như thế này thì nguy hiểm quá và cả hai cần tìm một việc khác.

Cơ may đưa đẩy cho cha tôi gặp một người tài xế xe tải chở than từ Santiago del Estero. Nhưng vấn đề ở chỗ nhà tôi lại quá nghèo để mua than bán. Chẳng biết ra sao nhưng cha đã thuyết phục được người này ứng cho ông vài đơn hàng đầu tiên. Thế nên mỗi khi tôi và em gái đòi hỏi kẹo ngọt hay thứ gì khác, cha lại ca một bài quen thuộc, "Cha đang phải trả cho cả hai ngôi nhà và một cái xe tải đầy than đấy nhé".

Tôi nhớ những ngày còn xếp than bên cha trong cái giá lạnh và mưa rào. Tất cả những gì chúng tôi có là mái hiên nhỏ trên đầu. Sau vài giờ làm quần quật, tôi cắp sách đến trường còn cha tiếp tục ngồi đó làm cả ngày. Nếu ngày ấy, ông không vất vả bán than, chúng tôi đã chẳng có những bữa no đủ. Khó khăn là thế, nhưng tôi luôn có niềm tin mãnh liệt: ngày mai thôi, mọi thứ sẽ dần tốt hơn.

Và... Tôi nợ bóng đá tất cả.

Đứng lên từ những lời sỉ nhục

Bóng đá đến với tôi từ khi còn rất sớm. Có một câu chuyện khá là buồn cười. Vì tôi cứ quậy mẹ quá nên đến một ngày bà buộc phải đưa tôi đến bác sĩ năm tôi mới lên 4. "Bác sĩ, tôi phải làm gì đây, thằng nhỏ nó cứ chạy nhảy hoài chả biết nghỉ là gì".

Ông bác sĩ chỉ nhìn tôi nhẹ nhàng, "Con chơi gì thế? Bóng đá à". Ông ấy quả là một vị bác sĩ tài ba.

Và từ đó, sự nghiệp bóng đá của tôi bắt đầu.

Ám ảnh có lẽ là từ chính xác nhất để nói về tôi ngày ấy. Tôi ham đá bóng đến nỗi cứ hai tháng đôi giày của tôi lại toạc một lần. À dĩ nhiên nhà tôi không đủ tiền mua đôi mới nên cha mẹ thường dán chúng bằng loại keo đặc biệt. 

Năm lên 7, tôi có một "mùa giải" rực rỡ với 64 bàn thắng cho đội bóng địa phương. Đến ngày nọ, mẹ bỗng xuất hiện bên đầu giường tôi và nói, "Nhóc, mấy người ở trạm phát thanh muốn con lên sóng đấy".

Và thế là chúng tôi cùng nhau tới trạm phát thanh để thực hiện cuộc phỏng vấn. Khi ấy, tôi quá ngại ngùng. Trong trí nhớ của tôi, hình như tôi chẳng nói được gì cả.

Cùng năm đó, cha nhận được cuộc gọi từ huấn luyện viên đội trẻ Rosario Central. Ông ấy nói muốn tôi đến chơi ở đó. Quả là một tình huống dở khóc dở cười hết sức, biết sao không? Cha tôi lại là fan cứng của Newell's Old Boys còn mẹ tôi lại phát cuồng với đội Central. 

Ôi, nếu bạn không sống ở Rosario thì chẳng thể cảm nhận được cái không khí ngạt thở giữa những đội kình địch đâu. Ngay trong nhà tôi thôi, cứ khi có trận "Siêu kinh điển" lại thành như cái chợ. Cha mẹ lại được hò hét, ồn ào đủ thứ. Mà cứ khi đội bên nào thắng, người này sẽ được dịp móc máy người kia cả tháng trời luôn.

Đấy, bạn cứ tưởng tượng coi mẹ tôi đã sướng thế nào khi Central muốn chiêu mộ tôi nhé.

Cha tôi thẳng thừng: "Anh cũng không biết nữa em ạ. Tận 9km đấy mà chúng ta đâu có xe. Làm sao đưa con đi được chứ?".

Và mẹ tôi cũng đâu vừa: "Không, không, không! Khỏi lo lắng gì hết, em sẽ dẫn con đi. Không vấn đề gì hết".

Đó cũng là khoảnh khắc Graciela ra đời.

Graciela là tên con xe già cỗi màu vàng mẹ hay chở tôi đến sân tập hàng ngày. Nó có một cái giỏ phía trước và một chỗ ngồi đủ rộng cho người phía sau. Vấn đề ở chỗ em gái bé bỏng của tôi cũng đi cùng nên cha phải lắp thêm miếng gỗ bên xe để mẹ có thể đèo cả hai đứa.

Ngày ngày, băng qua những con đồi, rồi quay ngược lại, một người phụ nữ đạp xe từ thị trấn đèo hai đứa nhóc với chiếc giỏ được lấp đầy với những gói snack và một đôi giày đá bóng. Lên dốc, xuống dốc, đi qua chặng đường đầy rẫy những nguy hiểm. Trong cơn mưa, trong cái giá buốt, chưa bao giờ mẹ tôi than phiền một câu.

Graciela sẽ đưa chúng tôi đến bất kỳ đâu. Nhưng, phải nói rằng quãng thời gian của tôi chơi cho Central chẳng hề dễ dàng. Tôi lẽ ra đã bỏ quách bóng đá đi rồi nếu không phải vì mẹ. Hai, ít nhất là như vậy. Lên 15 tuổi, cơ thể tôi không phát triển như mấy bạn cùng trang lứa. 

Còn ông huấn luyện viên lại khoái mấy đứa cơ bắp, tranh chấp giỏi. Có một lần, vì tôi không bật cao đánh đầu được trong vòng cấm nên đến cuối buổi tập, ông ấy đã kêu cả lũ học trò lại. Trước mặt mọi người, ông ấy nhìn thắng vào tôi.

Angel Di Maria: Cuộc sống bẩn thỉu và hành trình đi lên từ nỗi ô nhục (P1) - Ảnh 4.

Bà Diana Hernandez đã hi sinh rất nhiều chỉ vì giấc mơ chơi bóng của cậu con trai.

"Cái thằng yểu điệu. Mày đúng là một nỗi ô nhục. Đời mày rồi cũng chẳng làm nên cơm cháo gì đâu. Đúng là một đứa thất bại", ông ấy quát.

Tôi cảm giác như tim mình vỡ vụn. Trước khi ông ấy nói hết câu, tôi đã chạy khỏi sân trong nước mắt.

Về đến nhà, tôi nằm lì trong phòng khóc nức nở một mình. Mẹ tôi cũng đoán ra có chuyện gì đó không ổn. Bởi thường thì mỗi lúc ở sân tập về, tôi sẽ chơi thêm mấy trận ngoài đường nữa. Bà bước vào phòng và hỏi tôi có vấn đề gì vậy. 

Thực lòng, tôi đã khá sợ nếu nói ra sự thật bởi chẳng ai biết được mẹ tôi có lập tức phóng con Graciela tới rồi đấm cho lão huấn luyện viên kia một trận không. Mẹ tôi là người lành tính và khá bình tĩnh. Nhưng đụng đến con bà xem... bạn à, chạy ngay đi trước khi mọi việc dần tồi tệ hơn.

Tôi bảo rằng có đánh nhau chút đỉnh thôi, nhưng mẹ biết chắc đó là lòi nói dối. Và bạn biết đấy, bà mẹ nào trong tình huống này cũng sẽ bốc máy gọi ngay cho bà mẹ khác của bạn con mình để tìm ra sự thật.

Khi mẹ quay lại phòng, tôi khóc nhiều hơn nữa, tôi nói với mẹ rằng mình không muốn chơi bóng nữa. Ngày hôm sau, tôi thậm chí không bước nổi chân ra khỏi nhà, không muốn đến trường, chả muốn đi đâu cả. Nỗi nhục nhã ấy nó cứ đeo bám mãi lấy tôi. Nhưng rồi, mẹ đã nhẹ nhàng ngồi bên giường tôi, "Con cần quay lại đó, Angel. Ngay hôm nay. Con phải chứng minh rằng ông ấy đã sai khi nói về con như vậy".

Tôi quyết định trở lại ngay ngày hôm đấy, và điều phi thường nhất là lũ bạn chẳng đứa nào mang tôi làm trò đùa cả. Họ giúp tôi rất nhiều. Khi một quả treo bóng đến sát chỗ tôi, những hậu vệ sẽ để tôi thoải mái nhảy lên dánh đầu. 

Những điều đó khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Bóng đá là một môn thể thao đầy tính cạnh tranh, nhất là ở khu vực Nam Mỹ. Ai cũng muốn dùng nó là bàn đạp để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng ngày hôm ấy, tôi đã thấy một mặt tốt đẹp khác. Những anh bạn ấy hiểu tôi đã phải trải qua những gì và đã dang tay giúp đỡ tôi.

Còn nữa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại