Ẩn ý sau lời ông Putin nói với ông Tập: "Siêu dự án" mang lợi ích khủng cho Nga-Trung sắp thành hiện thực?

Tất Đạt |

Mối quan hệ Nga-Trung Quốc đã được củng cố sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga tuần này.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hé lộ tiến triển trong việc xây dựng đường ống dẫn khí xuyên quốc gia để tăng cường giao dịch khí đốt giữa hai nước.

Nga thành nhà cung cấp dầu thô số 1 cho Trung Quốc

Theo Financial Times, Trung Quốc đã có nhiều hỗ trợ cho Nga về mặt kinh tế, chủ yếu thông qua việc tăng mua hàng xuất khẩu năng lượng của nước này và thay thế hàng hóa và linh kiện từ phương Tây vốn bị hạn chế bởi lệnh trừng phạt. Dù vậy, các cuộc đàm phán cho thấy rằng việc thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ kinh tế vẫn cần phải được đàm phán thêm.

Trước đó, số liệu tháng 2 cho thấy Nga đã vượt Ả Rập Saudi để thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, khi nhu cầu vào thời kì mở cửa sau đại dịch tăng vọt.

Tháng trước, Trung Quốc nhập khẩu 7,69 triệu tấn dầu thô Nga, tương đương 2 triệu thùng một ngày, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc. Ngược lại, so với tháng trước, nguồn cung dầu từ Ả Rập Saudi lại xuống thấp nhất kể từ tháng 6/2022, giảm 29%.

Trung Quốc và Ấn Độ trở thành khách mua chủ chốt của dầu Nga một phần do Moscow rao bán dầu giá rẻ hơn để thu hút người mua. Động thái này được nhiều nước châu Á, vốn đang nỗ lực kiểm soát giá cả, hoan nghênh và ủng hộ.

Financial Times thông tin thêm, một mục tiêu lớn của ông Putin trong thời gian nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Nga là thuyết phục ông Tập Cận Bình đồng ý với kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Power of Siberia-2 để cung cấp khí cho Trung Quốc thông qua Mông Cổ.

Trước đó vào ngày 21/3, ông Putin cho biết "trên thực tế tất cả các điều khoản của thỏa thuận đã được hoàn thành".

Trong bài phát biểu chung với ông Tập sau cuộc hội đàm, Tổng thống Putin cam kết Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc ít nhất 98 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên vào năm 2023 - một con số chỉ có thể đạt được nếu đường ống mới đi vào hoạt động - và lưu ý rằng Mông Cổ cũng đã ký kết thỏa thuận.

Ẩn ý sau lời ông Putin nói với ông Tập: Siêu dự án mang lợi ích khủng cho Nga-Trung sắp thành hiện thực? - Ảnh 1.

Dự kiến hệ thống đường ống cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua Mông Cổ.

Tuy nhiên, ông Tập chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng trong vấn đề này. Bài phát biểu chung chỉ đề cập rằng Nga và Trung Quốc sẽ "cùng nỗ lực để tiếp tục nghiên cứu và đi tới thống nhất với kế hoạch xây dựng đường ống khí đốt".

Alexander Novak, Phó Thủ tướng Nga phụ trách các vấn đề năng lượng, cho biết Điện Kremlin hy vọng sẽ ký thỏa thuận Power of Siberia-2 vào cuối năm nay.

"Các công ty đã được lệnh phải thảo luận chi tiết về dự án và ký kết trong thời gian ngắn nhất có thể. Lệnh đã được đưa ra để đảm bảo các điều kiện được thống nhất," ông nói với các phóng viên - theo hãng thông tấn nhà nước Ria Novosti. "Chúng tôi hy vọng thời gian kí kết sẽ là trong năm nay."

Nga tăng cường nguồn cung cho Trung Quốc

Cùng lúc đó, thông báo trên TASS cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng tăng nguồn cung dầu liên tục cho Trung Quốc.

"Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu dầu từ Nga, trong khi Nga sẵn sàng tăng nguồn cung dầu liên tục cho nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc," ông nói sau các cuộc đàm phán Nga-Trung.

Theo ông Putin, chủ đề hợp tác năng lượng đã được thảo luận kỹ lưỡng trong các cuộc hội đàm và nó đang tiến triển "với tốc độ tốt".

Tổng thống Nga mô tả việc mở rộng thực tiễn thanh toán bằng tiền tệ quốc gia là một động lực đáng kể cho hợp tác đầu tư sâu rộng hơn. Ông trích dẫn số liệu thống kê cho thấy, theo kết quả của ba quý đầu năm ngoái, tỷ trọng của đồng rúp và nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại song phương đạt 65% và tiếp tục tăng, cho phép bảo vệ thương mại hai bên khỏi ảnh hưởng của các nước thứ ba và xu hướng tiêu cực trên thị trường toàn cầu.

Theo các phân tích, hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Nga cần khách hàng mới trong bối cảnh nhiên liệu hóa thạch bị phương Tây xa lánh. Nga hiện còn là nước cung cấp than đá và khí hóa lỏng (LNG) lớn cho Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cần năng lượng giá rẻ để vận hành nền công nghiệp sản xuất khổng lồ.

Phương tiện giao thông Trung Quốc cũng cần một nguồn nhiên liệu lớn sau khi nước này nới lỏng chính sách Zero Covid và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy một năm sau xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc đã chi 88 tỷ USD mua năng lượng Nga, gồm dầu thô, các sản phẩm từ dầu, than đá và khí tự nhiên. Con số này tăng hơn 50%, so với chỉ 57 tỷ USD trong giai đoạn 12 tháng trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại