An toàn thực phẩm: Thông điệp từ hành động của Thủ tướng

Tuệ Minh |

Với những hành động thực tiễn về vấn đề an toàn thực phẩm, theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn, "Thủ tướng đang muốn truyền thông điệp đến cho các bộ, ngành đó là các anh hãy hành động đi".

"Tôi cũng cảm thấy bối rối" 

 Trong hai lần làm việc gần đây giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Y tế, TP.Hồ Chí Minh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn đứng đầu trong số những nội dung được Thủ tướng lưu ý. 

 Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế và Tổ Công tác của Thủ tướng ngay trước kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP đã trình bày về vấn đề 40.000 thùng nước C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì khi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến. 

Cụ thể, theo vị Cục trưởng này, "lỗi" trong sự việc này nằm ở phía doanh nghiệp bởi khi mang lô sản phẩm (nguyên liệu) đi kiểm nghiệm thì chất lượng đảm bảo nhưng khi đưa vào sản xuất thì lô nước C2, Rồng Đỏ lại để vượt quá hàm lượng chì cho phép. 

An toàn thực phẩm: Thông điệp từ hành động của Thủ tướng - Ảnh 1.

Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có vụ nước giải khát nhiễm chì đã được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc đến ở buổi làm việc với Bộ Y tế (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

 Chia sẻ với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Bá Sơn (Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng) đánh giá: "Việc sản xuất cái gì, làm ra cái gì để đóng góp cho đất nước, đó là công việc của mọi công dân, công việc của các doanh nghiệp. 

 Còn việc quản lý là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Anh có kiểm soát được không. Cho nên tôi có cảm giác không yên tâm khi ông Cục trưởng Cục ATTP nói như vậy. 

Có lẽ, không chỉ bản thân tôi mà người dân cũng không đồng tình với ý kiến đó. Vấn đề là các cơ quan chức năng vào cuộc đến đâu, ở mỗi cấp mỗi ngành nhận thức đến đâu về trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của mình". 

 Theo ông Sơn, nếu trong phạm vi thẩm quyền mà không thấy có trách nhiệm thì phải xem lại quy trình xem có vấn đề chỗ nào để sửa. Phải đảm bảo cho người dân yên tâm sống chứ không phải câu chuyện chỉ kiểm soát nhập vào mà không biết sản xuất ra sao. 

Khi được hỏi về những thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm liên tục trong thời gian vừa qua, và gần đây nhất là thông tin liệu Bột trà ô long Tea Trung Quốc nhiễm chì được nhập về Việt Nam đã được báo giới đề cập đến, ông Sơn nói: 

"Trước những thông tin về mất vệ sinh an toàn hiện nay, với tư cách là một người tiêu dùng, tôi cũng cảm thấy bối rối". 

"Các anh hãy hành động đi" 

 Dù không nóng bỏng như những vấn đề về kinh tế nhưng vấn đề an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được người đứng đầu Chính phủ quan tâm rất nhiều. 

Và ngay trong Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017, Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 tại kỳ họp lần này của Quốc hội, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chiếm một vị trí không nhỏ. 

 Ngay trước thềm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020. 

An toàn thực phẩm: Thông điệp từ hành động của Thủ tướng - Ảnh 2.

Thủ tướng trực tiếp gặp người dân trồng rau ở huyện Gia Lâm để hỏi về tình hình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi nghe UBND TP.Hà Nội báo cáo (Ảnh cắt từ clip của Tuổi trẻ)

 Chia sẻ về quyết tâm của Thủ tướng cũng như những việc cần phải làm để tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm bị ngăn chặn, ông Nguyễn Bá Sơn nói: 

 "Vấn đề an toàn thực phẩm là một vấn đề tuy so với những vấn đề đặt ra trong báo cáo của Chính phủ cũng không chiếm một tỷ lệ lớn nhưng lại là vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, của từng con người. 

 Nó tác động thường xuyên, từng ngày từng giờ đến mọi người: sáng ngủ dậy thì phải ăn, uống; trưa và tối cũng đều phải như vậy. Thậm chí khi đi làm cũng phải uống nước. 

 Trong thời gian vừa qua, nhiều ĐBQH cũng nhắc đến vấn đề người dân không an tâm về vấn đề vệ sinh oan toàn thực phẩm, người dân có cảm giác bất an. Điều đó ảnh hưởng đến đời sống chung của toàn xã hội. Tôi cho đó là tác động lớn". 

 Ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng tư tưởng của Chính phủ về vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong nhiều văn bản và ông hoàn toàn nhất trí với tinh thần đó của Thủ tướng. 

Vấn đề là các bộ, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc như thế nào với thẩm quyền và trách nhiệm trước dân để chuyển tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào đời sống thực tiễn qua những biện pháp hành động cụ thể. Phải làm sao để dần dần đẩy lùi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, để người dân có thể xoá đi nỗi bất an và yên tâm hơn. 

"Nếu nghĩ rằng vấn đề này chiếm một tỷ trọng không lớn trong báo cáo của Chính phủ và nghĩ đó không phải mục tiêu thì không chính xác. Nó chính là mục tiêu, một mục tiêu thường xuyên và hàng ngày. 

Việc tìm hiểu thực tiễn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của Thủ tướng trong thời gian qua không phải chỉ là để nói Thủ tướng đang có hành động đó. Mà từ tư tưởng cho đến hành động, tôi nghĩ rằng Người đứng đầu Chính phủ đang muốn truyền một thông điệp đến cho các bộ, ngành, địa phương, đó là các anh hãy hành động đi", ông Sơn nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại