“Ẩn tình” khoản tiền khổng lồ Nga nhận từ Trung Quốc

Minh Đức |

Một nghiên cứu tiết lộ, từ năm 2000 – 2014, Nga là quốc gia nhận viện trợ nước ngoài từ Trung Quốc nhiều nhất.

Trong vòng hai thập kỷ qua, cùng với một nền kinh tế ngày càng lớn mạnh và mong muốn không ngừng gia tăng ảnh hưởng ở tầm toàn cầu, Trung Quốc đã không tiếc tay phân phát viện trợ nước ngoài trên khắp các ngõ ngách của thế giới.

Tờ Foreign Policy tiết lộ, kể từ đầu thế kỷ 21, mặc dù không quá “phô trương”, thậm chí là rất kín kẽ, nhưng ước tính, số lượng viện trợ nước ngoài Trung Quốc bỏ ra đã gần bằng với Mỹ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, mục tiêu của dòng viện trợ này không còn lấy các quốc gia đang phát triển ở châu Á hay châu Phi làm chủ đạo. Ít người biết rằng, Nga chính là quốc gia nhận viện trợ nước ngoài nhiều nhất của Trung Quốc.

Nga: đối tác nhận viện trợ lớn nhất từ Trung Quốc

Một nghiên cứu mới công bố hôm 11/10 của Trung tâm AidData thuộc Đại học William and Mary chỉ ra, từ năm 2000 – 2014, Bắc Kinh đã viện trợ cho Nga tổng cộng 36,6 tỷ USD dưới hình thức cho vay, trợ cấp và các hiệp định khác.

Sau Nga, hai nước nhận nhiều viện trợ tiếp theo của Trung Quốc là Pakistan và Angola - với 24,3 tỷ USD và 16,6 tỷ USD. Trong khi đó, láng giềng lâu năm Triều Tiên lại chỉ được viện trợ vỏn vẹn có 272,65 triệu USD.

Các khoản viện trợ lớn Trung Quốc dành cho Nga bao gồm gói vay trị giá 25 tỷ USD của Ngân hàng phát triển Trung Quốc cung cấp cho Rosneft – một công ty dầu khí lớn và Transneft – một công ty chuyên xây dựng đường ống vào năm 2009; và chương trình vay trả bằng than trị giá 6 tỷ USD vào năm 2010…

Có hai “loại” viện trợ chủ yếu: hỗ trợ phát triển bao gồm các khoản trợ cấp hoặc cho vay với lãi suất thấp hơn mức thị trường; và “các khoản viện trợ chính thức khác” bao gồm các khoản vay với lãi suất gần bằng tỷ giá thị trường đi kèm với một số điều kiện thương mại (chủ yếu là cho phép nền kinh tế Trung Quốc được tiếp cận với nguồn dự trữ dầu khổng lồ của Nga).

“Đối với Nga, phần nhiều trong số các khoản vay là với mục đích xuất khẩu dầu đến Trung Quốc,” Brad Parks, người đứng đầu dự án nghiên cứu của Đại học William and Mary, cho biết.

Trong khi Nga là đối tác nhận viện trợ lớn nhất, thì Trung Quốc cũng đồng thời “rải tiền” đi khắp thế giới. Theo nghiên cứu của AidData, từ năm 2000 – 2014, Trung Quốc đã viện trợ cho 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng số tiền viện trợ của Trung Quốc trong khoảng thời gian này là 354,3 tỷ USD – gần bằng với Mỹ là 394,6 tỷ USD, mặc dù các loại dự án viện trợ và tài trợ của hai bên khác biệt khá lớn.

Viện trợ Trung Quốc cho Triều Tiên: phần nổi của tảng băng chìm

AidData cũng hé lộ gần 20 dự án với tổng trị giá 272,65 triệu USD của Trung Quốc viện trợ cho Triều Tiên. Hình thức và nội dung của các dự án viện trợ Trung – Triều cũng khá đa dạng.

Năm 2000, Trung Quốc cung cấp các thiết bị vệ tinh truyền thông, máy tính và khí tượng học cho Triều Tiên. Khi ông Tập Cận Bình – lúc đó còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc thăm Bình Nhưỡng vào tháng 6/2008, Trung Quốc đã cam kết viện trợ 5.000 tấn nhiên liệu máy bay và khoản tiền mặt trị giá 14,6 triệu USD.

Trước đó, năm 2005, 31,7 triệu USD đã được trao cho một nhà máy sản xuất thủy tinh. Năm 2014, một khoản tiền khác với giá trị không được tiết lộ đã được Trung Quốc viện trợ cho Triều Tiên để xây dựng cây cầu cao tốc sông Juan-Wonjong – đã hoàn thành vào tháng 10/2016…

Tuy nhiên, những dự án trên chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong quan hệ kinh tế mật thiết giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. “Dựa trên nghiên cứu, Trung Quốc đã cung cấp số lượng thực phẩm và nhiên liệu cho Triều Tiên ở quy mô lớn hơn so với tất cả các dự án viện trợ,” chuyên gia Brad Parks nói.

Khác với Mỹ, Trung Quốc không công khai số liệu viện trợ nước ngoài của mình, và coi đó là một lĩnh vực chính trị nhạy cảm, thậm chí là một bí mật quốc gia. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Triều Tiên.

Evans J.R. Revere, một học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings nhận định: “Trung Quốc đang trở nên nhạy cảm trong mối quan hệ với Triều Tiên,” đặc biệt là khi Bình Nhưỡng ngày càng lộ rõ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Tính chất bí mật cho thấy Trung Quốc không muốn “tiết lộ cho cộng đồng quốc tế” về việc Bình Nhưỡng “mắc nợ” Bắc Kinh bao nhiêu, và “Trung Quốc phải có trách nhiệm ở mức nào đối với sự tồn tại của Triều Tiên” – ông Revere chỉ ra.

Tại sao Trung Quốc giữ bí mật thông tin viện trợ?

Theo Foreign Policy, còn có một lý do khác giải thích cho việc Bắc Kinh luôn muốn giữ kín thông tin viện trợ nước ngoài, đó là dư luận nước này gần như chắc chắn sẽ tỏ ra nghi ngờ về nguyên nhân tại sao Trung Quốc lại phải bỏ ra những khoản tiền khổng lồ đến vậy.

Điều này cũng tương tự như việc nhiều người dân nước Mỹ cáo buộc chính quyền đã dùng quá nhiều ngân sách liên bang vào viện trợ nước ngoài.

“Có một làn sóng trong dư luận Trung Quốc cho rằng hiện Trung Quốc vẫn còn rất nghèo đói và những khoản tiền như vậy cần phải được dùng cho quốc gia,” Bonnie Glaser, giám đốc của Dự án quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại