TP - Chuyên gia trong ngành cho rằng, Bộ Công Thương cần minh bạch việc điều hành thông qua làm rõ vai trò của khoảng 500 thương nhân phân phối và các tổng đại lý xăng dầu trong thời gian vừa qua.
Trả lời báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng, việc hiện có khoảng 500 thương nhân phân phối và 36 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng trên thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu và làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng.
“Nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối. Hay như đối với doanh nghiệp phân phối chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất? Đây là một vấn đề đặt ra và chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Tài chính nói, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
Việc cấp phép ồ ạt cho các doanh nghiệp đầu mối của Bộ Công Thương và hoạt động của 500 thương nhân phân phối xăng dầu thế nào cũng đang là câu hỏi lớn được chính một số doanh nghiệp đầu mối đặt ra gần đây. Không ít doanh nghiệp lớn tỏ ra bức xúc về việc các doanh nghiệp đầu mối, đặc biệt là các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam và các doanh nghiệp tư nhân nhỏ không thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu đúng theo quy định và chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương.
Quản lý thị trường sẽ xử nghiêm doanh nghiệp vi phạm
Ngày 10/10, tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn lực lượng, Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết đã gửi Công điện khẩn tới các Cục Quản lý thị trường yêu cầu toàn lực lượng phải tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ. “Quản lý thị trường sẽ thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân xăng dầu ở loại hình nào. Cùng đó, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định”, ông Linh yêu cầu.
Trong văn bản gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Petrolimex kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả các thương nhân đầu mối, phân phối phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối.
“Việc kiểm tra giám sát cần thực hiện ngay từ đầu nguồn nhận hàng, từ các nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu thông qua kết nối dữ liệu từ kho của các thương nhân đầu mối”, đại diện Petrolimex đề xuất.
Ẩn số 500 thương nhân phân phối là ai, có vai trò thế nào trong thị trường xăng dầu hay chỉ là một kênh trung gian "kiếm lợi" trong chuỗi cung ứng xăng dầu cũng được nhiều chuyên gia trong ngành xăng dầu đặt câu hỏi. Thậm chí, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong và qua các cuộc trao đổi, ngay cả các lãnh đạo Bộ Công Thương hiện tại, rất ít người nắm được rõ lai lịch và vai trò của các kênh phân phối này. Các thương nhân phân phối này nhiều như vậy nhưng sức khỏe ra sao, tham gia thị trường thế nào rất ít người ở Bộ Công Thương có thể tiếp cận.
“Thậm chí danh sách các thương nhân này cũng không hề được công bố công khai và ngay ở Vụ Thị trường trong nước không phải ai cũng biết. Việc cấp phép các doanh nghiệp này và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng cần được làm rõ”, một chuyên gia trong ngành xăng dầu nói.