Ăn mỳ gói trên tàu điện ngầm, cô gái SN 1996 gọi được vốn đầu tư: Kinh doanh váy áo Lolita, thu 17 tỷ đồng/năm

Diệu Đan |

Tuy quy mô không lớn, nhưng những trải nghiệm kinh doanh của Trần Đình có thể là một bài học tham khảo cho những người muốn kinh doanh thời trang nhỏ lẻ.

Trần Đình, cô gái sinh năm 1996, khởi nghiệp cách đây 4 năm, với số tiền 30 vạn tệ (khoảng 980 triệu đồng), cô bắt đầu công việc kinh doanh trang phục Lolita, hiện tại, doanh thu mỗi năm ổn định ở mức 500 vạn tệ (khoảng 17 tỷ đồng). Tuy quy mô không lớn, nhưng những trải nghiệm kinh doanh của Trần Đình có thể là một bài học tham khảo cho những người muốn kinh doanh thời trang nhỏ lẻ.

01
Bén duyên với kinh doanh thời trang một cách tình cờ

Trần Đình tới từ một gia đình 4 người tại Trùng Khánh, cha mẹ cô ly hôn, rất ít khi về nhà. Vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình, ngay từ năm nhất đại học, cô sinh viên học ngành thiết kế đã bắt đầu đi làm. Công việc đầu tiên của Trần Đình là vẽ tranh tường, với mỗi bức vẽ cô kiếm được cho mình 200 tệ (khoảng 650 ngàn đồng).

Sau đó, trong khoảng thời gian làm việc cho một công ty bán đồ dùng cho thú cưng , "các đồng nghiệp làm việc cùng tôi tại đó, họ đều có sở thích mặc váy Lolita, đó là lúc tôi tiếp xúc với khái niệm trang phục này, tôi đồng thời cũng phát hiện ra thị trường cho loại trang phục này rất có triển vọng, tôi lên mạng tìm hiểu và nhận thấy dường như không cần bỏ ra quá nhiều vốn cũng có thể bắt đầu làm" , Trần Đình nhớ lại cách cô tới với công việc kinh doanh hiện tại.

02
Hành trình khởi nghiệp không toàn màu hồng

Trần Đình bắt đầu công việc kinh doanh của mình với 30 vạn tệ từ một nhà đầu tư, "chúng tôi tình cờ gặp nhau trên tàu cao tốc, anh ấy ăn mỳ gói, tôi cũng ăn mỳ gói, anh ấy hỏi xin tôi tờ giấy ăn nhưng tôi nói không có, cứ như vậy chúng tôi bắt đầu nói chuyện sâu hơn. Sở dĩ thuyết phục được nhà đầu tư đó tôi nghĩ nằm ở hai từ "chân thành", tôi phân tích rất chi tiết cho anh ấy những việc tôi sẽ làm, thành công ở điểm nào, nếu có thất bại thì ở điểm nào, nhất định phải chân thành, không khoa trương, đừng vẽ ra cho họ miếng bánh quá không thực tế."

Để bắt đầu khởi nghiệp, Trần Đình tìm thêm 3 người giúp mình phụ trách 3 mảng công việc khác nhau bao gồm vận hành, thiết kế, chuỗi cung ứng, "tiền nhân công, tiền thuê văn phòng, tiền nghiên cứu sản phẩm, tiền thiết bị và nguyên vật liệu, 30 vạn mà tôi có có thể giúp tôi duy trì được nửa năm, vì là lần đầu khởi nghiệp nên tôi cũng tính tới những phương án bất ngờ, lỗ ngoài mong muốn…"

Ăn mỳ gói trên tàu điện ngầm, cô gái SN 1996 gọi được vốn đầu tư: Kinh doanh váy áo Lolita, thu 17 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Xuất phát là một người ngoài ngành, để biết được các chất liệu tạo ra một bộ trang phục mang phong cách Lolita, Trần Đình đã bỏ công sức ra học hỏi và tìm hiểu rất nhiều, "khi mới bắt đầu, tôi tìm tới đủ các chợ vải tại Quảng Châu, Hàng Châu để tìm hiểu. Có một cách để biết xem một bộ trang phục được làm từ những loại vải ra sao, đó là lên các trang thương mại điện tử, đọc phần mô tả chi tiết sản phẩm, bạn sẽ tìm thấy phần loại vải ở đó. Sau đó đi tìm các hàng buôn vải, hỏi chủ cửa hàng tôi muốn tìm mua loại vải này, họ sẽ giúp bạn tìm. Bạn có thể thậm chí không cần tự mình đi, có thể tìm người chuyên đi tìm chất liệu vải làm việc đó thay mình, chỉ cần đưa những loại vải mà bạn muốn tìm cho họ, họ sẽ giúp bạn tìm đủ tất cả các loại, những người làm việc này, một ngày có thể kiếm được 300 tệ (khoảng 1 triệu đồng)" , cô bộc bạch.

Sau khi tìm đủ chất liệu vải, việc tiếp theo là tìm xưởng. Trong rất nhiều chuyện đã trải qua, trải nghiệm tìm xưởng đầu tiên là điều khiến Trần Đình nhớ mãi, "Tôi lên mạng tìm các xưởng may, sau đó tìm được một xưởng ở một nơi khá hoang vu, nằm bên ngoài thành phố Thành Đô, khi tới nơi, tôi gọi điện nhưng ông chủ không nghe máy, tôi đành phải đi hỏi thăm, rồi trực tiếp tới đó chờ. Một lúc lâu sau ông chủ mới tới. Sau một cuộc hội thoại cũng không dài, tôi đã giao trước một phần tiền để họ làm cho mình, một phần vì giá cả rẻ, một phần vì những xưởng may trang phục Lolita không có nhiều, hơn nữa xưởng này cách văn phòng cũng không quá xa. Tới ngày hẹn hoàn thành, tôi không liên lạc được với ông chủ bên đó, gọi nhiều cuộc không nghe máy, tôi phải trực tiếp tới nơi. Tới nơi ông chủ nói bị mất điện thoại nên không nghe được máy, nhưng trên thực tế là họ chưa hề bắt tay vào làm. Sau đó chúng tôi phải cử nhà thiết kế của bên mình sang đó giám sát tiến độ của họ."

Ăn mỳ gói trên tàu điện ngầm, cô gái SN 1996 gọi được vốn đầu tư: Kinh doanh váy áo Lolita, thu 17 tỷ đồng/năm- Ảnh 2.

Theo cô, việc tìm xưởng hoàn toàn có thể thực hiện trên mạng, tuy nhiên, "không nên liên lạc với những xưởng lớn, vào mùa bận rộn, họ sẽ không nhận những đơn hàng số lượng không quá lớn. Có thể tìm các xưởng may gia đình, với những xưởng may như vậy, thông thường ông chủ sẽ là người trực tiếp phụ trách công việc. Thứ hai là không nên liên tục sửa đi sửa lại, một sản phẩm nào đó, nếu như xưởng này làm không tốt, đừng sửa, hãy đổi sang xưởng khác, bởi vì đôi khi là xưởng không có khả năng tạo ra được bộ trang phục mà bạn mong muốn, vậy thì đổi xưởng khác để tiết kiệm thời gian", Trần Đình chia sẻ những bài học mà bản thân rút ra được.

Đầu năm 2020, Trần Đình bắt đầu chính thức mở bán sản phẩm, khi đó cô đăng lên trang web 3 sản phẩm, "một sản phẩm bán được 300 chiếc, giá bán mỗi chiếc hơn 300 tệ, vốn nguyên vật liệu hơn 200 tệ, trung bình lợi nhuận rơi vào khoảng hơn 2 vạn tệ (khoảng 65 triệu đồng), tuy nhiên khi đó chỉ có duy nhất sản phẩm này là bán được, hai sản phẩm còn lại về cơ bản là không có người mua."

Khoảng thời gian từ đầu năm 2020 tới 9/2021 là khoảng thời gian Trần Đình không bán được thêm bất cứ một sản phẩm nào, "cũng là khoảng thời gian tôi không ngừng tìm hiểu thị hiếu khách hàng và thử sai, khoảng thời gian đó, tôi thiết kế được 30 bộ trang phục nhưng không bán được bộ nào", cô ngậm ngùi nhớ lại.

Tới khoảng tháng 7/2020, cô gần như hết sạch tiền để tiếp tục và phải đi mượn bạn bè để tiếp tục duy trì, "có một khoảng thời gian không đủ tiền chi trả cho khâu may sản phẩm, tôi nhớ khi đó mình phải năn nỉ bên xưởng rất nhiều lần, nói sẽ trả tiền cho họ sau, mong họ châm chước làm giúp tôi, ban đầu họ rất cứng rắn, nhất định không làm, nhưng vì tôi kiên trì năn nỉ nên họ cũng gật đầu đồng ý."

Ăn mỳ gói trên tàu điện ngầm, cô gái SN 1996 gọi được vốn đầu tư: Kinh doanh váy áo Lolita, thu 17 tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

Tháng 9/2021, Trần Đình cho ra mắt sản phẩm áo khoác mùa đông, "đó là một chiếc áo khoác màu đỏ phong cách Lolita. Lúc đó tôi nghĩ mình muốn làm ra một bộ trang phục màu sắc rực rỡ một chút để thay đổi vận may, vừa hay cuối năm cũng là dịp bắt đầu bán trang phục mặc Tết nên tôi nghĩ tới màu đỏ, thiết kế mà tôi nghĩ ra vừa hay trên thị trường trang phục Lolita cũng chưa xuất hiện. Tới khoảng tháng 10 mới chỉ bán được 20,30 chiếc, sau đó bỗng dưng một buổi tối, lượng bán lên tới 2000 chiếc. Kể từ sau đó thì mọi chuyện tiến triển tốt hơn, các tháng sau đó mỗi ngày đều bán được vài trăm chiếc, tới Tết Nguyên Đán, chúng tôi bán được hơn 10.000 chiếc mà không hề cần quảng cáo. Giá của chiếc áo là 399, lãi chưa tới 100 tệ. Sau đó đi trả nợ thì thực ra cũng không còn lại là bao, tuy nhiên sau đó chúng tôi không còn phải đi vay hay nợ nữa", Trần Đình nhớ lại khoảnh khắc công ty của mình được "cứu sống".

Trải qua nhiều vấp ngã, theo cô, trong lĩnh vực kinh doanh thời trang, "tính thời vụ rất quan trọng, cuối năm sắp đón dịp Tết Nguyên Đan, mọi người ai cũng thích mặc màu đỏ, thêm vào đó là trang phục mà chúng tôi thiết kế cũng chưa từng xuất hiện trên thị trường trang phục Lolita. Trang phục mà bạn thiết kế cũng cần có chủ đề nhất định, kết hợp với thời vụ và nhiều yếu tố khác…"

Trong năm 2023, một trong những bộ trang phục mà cửa hàng của cô thiết kế cũng bán được 10.000 chiếc, tổng doanh thu rơi vào khoảng 500 vạn tệ (khoảng 17 tỷ đồng), "về cơ bản là đã có thể vận hành mà không cần lo lắng quá nhiều về kinh tế."

Kế hoạch của Trần Đình trong năm 2024 là không ngừng trau dồi vì kiến thức của cô trong ngành này vẫn còn rất ít, cô muốn không ngừng thử sai, bởi lẽ thiết kế phần nhiều dựa vào cảm giác.

Khi được hỏi có thích cuộc sống hiện tại hay không, Trần Đình tự tin, "thích, tôi thích thiết kế, thích tạo ra những thứ đẹp đẽ và cũng thích người khác bỏ tiền ra mua những thứ đẹp đẽ đó của tôi."

Ăn mỳ gói trên tàu điện ngầm, cô gái SN 1996 gọi được vốn đầu tư: Kinh doanh váy áo Lolita, thu 17 tỷ đồng/năm- Ảnh 4.

03
Công thức thành công: tự tin + kiên trì

Trải qua nhiều khó khăn trên con đường mò mẫm, điều giúp Trần Đình đi được tới thành công hiện tại là sự tự tin và kiên trì, "tôi rất tự tin, tự tin ở đây nghĩa là tin vào sản phẩm của mình, tôi luôn có một tư duy, sản phẩm không tốt chỗ nào, lần sau tôi sẽ cải thiện ở chỗ đó. Thất bại 30 lần cũng không sao, tới lần 31, tôi thành công rồi. Chỉ cần vẫn còn có thể chống đỡ, tôi sẽ làm tới cùng. Ngay cả khi không còn tiền, tôi cũng sẽ nghĩ cách kiếm tiền để duy trì công việc kinh doanh này của mình, tôi có thể bán bản vẽ của mình cho người khác, luôn có cách để kiếm tiền."

Có người từng nói, "gửi tới tất cả những người đang âm thầm nỗ lực vì ước mơ và cả cuộc sống của mình, tôi muốn nói, hãy tính cả tôi vào trong đó. Nếu có cơ hội được nói với bản thân của trước đây một câu nói, tôi muốn nói với mình rằng, bạn phải tin vào chính mình, bạn rất tài giỏi, bạn phải tiếp tục kiên trì, cuộc sống giống như một quả chanh, nó rất chua, nhưng tôi cần học cách biến quả chanh đó thành cốc nước chanh thơm ngọt."

Trần Đình, một cô gái tưởng như rất nhỏ bé nhưng thực ra lại rất kiên cường, cô gái ấy và tất cả những người đang không ngừng nỗ lực vì cuộc sống là minh chứng rõ nhất cho câu nói "vượt qua được những tháng ngày khó khăn và cô đơn, phía sau chính là cuộc sống lãng mạn và cả những nơi xa xôi…"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại