Ẩn họa du lịch tự phát trên biển

Như Thừa - Ca Linh |

Vụ tai nạn môtô nước ở Vĩnh Long làm 2 người chết cho thấy việc quản lý môtô nước nói riêng và dịch vụ du lịch liên quan phương tiện này ở nhiều tỉnh, thành chưa bảo đảm an toàn.

100% môtô nước hoạt động trên vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) không đăng ký và thiếu chứng nhận an toàn kỹ thuật, trong khi ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhiều tàu cá tự ý chở khách ra một số điểm du lịch biển đảo.

Mua về "chạy chơi" cũng chết!

Liên quan đến vụ tai nạn đường thủy làm 2 người chết trên sông Cổ Chiên, chiều 3-9, một lãnh đạo Công an huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long), cho biết: Môtô nước mà 2 người điều khiển va vào tàu cá tử vong là của một người mua về để chạy chơi, chưa được đăng ký, đăng kiểm.

Trước đó, hôm 1-9, một nhóm người cùng đi ăn uống tại Lý Ngư Quán nằm trên sông Cổ Chiên (ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ). Một lát sau, chị V.T.T.A (23 tuổi) tự ý lấy môtô nước của một người trong nhóm chở theo C.H.N (26 tuổi; cùng ngụ xã Mỹ An, huyện Mang Thít). Do chạy với tốc độ cao, môtô nước đã tông vào tàu cá làm chị A. và anh N. rơi xuống nước tử vong.

Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã An Bình, thông tin ở địa phương chưa từng xuất hiện môtô nước. Phương tiện được đem từ nơi khác đến và chơi tự phát chứ chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Trưởng Phòng Quản lý du lịch Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, điểm ăn uống Lý Ngư Quán là một bè trên sông và không thuộc cơ sở du lịch nào. Các điểm du lịch ở Vĩnh Long chủ yếu là sinh thái miệt vườn, tàu du lịch chở khách tham quan. Vụ chị A. điều khiển môtô nước dẫn đến tử vong là tự phát. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường nhắc nhở các đơn vị du lịch nếu có phát sinh loại hình môtô nước phải đăng ký, đăng kiểm, tập huấn nghiệp vụ theo quy định mới được chạy chứ không phải ai muốn chạy thì chạy vì nguy hiểm khó lường" - ông Tín nói.

Kinh doanh kiểu phong trào

Vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) cách trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm 42 km theo hướng Đông Bắc, được xem là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Sau vụ tai nạn chìm bè du lịch Vĩnh Tiến tại vịnh Vĩnh Hy vào ngày 23-7-2016 làm 2 du khách chết đuối, 3 người phải đi cấp cứu và hàng trăm người khác bị rơi xuống biển, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu chính quyền huyện Ninh Hải siết chặt các phương tiện thủy phục vụ du lịch. Thế nhưng, nhiều nơi vẫn đua nhau mua sắm các phương tiện thủy phục vụ du khách, trong đó phần lớn đã qua sử dụng, không có đầy đủ giấy phép theo quy định hoặc giấy phép đã hết hạn.

Tại vịnh Vĩnh Hy hiện có 5 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động du lịch với 22 tàu du lịch, 3 nhà hàng nổi, 34 canô và 15 môtô nước. Trong đó, 3 tàu du lịch hết thời gian chứng nhận an toàn kỹ thuật, 10 canô không có giấy tờ chứng nhận đăng ký. Đặc biệt, 15 môtô nước hoạt động tự phát, không có giấy tờ chứng nhận đăng ký cũng như chứng nhận an toàn kỹ thuật theo quy định.

Gia đình anh Châu Trần Văn Thuận (ở thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải) cho biết đã mua một môtô nước cũ có công suất 1.000cc của một doanh nghiệp tại Khu Du lịch Bãi Dài (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) với giá gần 100 triệu đồng do doanh nghiệp này nhập từ nước ngoài về hoạt động khoảng 5 năm thì bán lại. Do không có giấy tờ theo quy định nên từ ngày mua đến nay, môtô không hoạt động chở khách.

"Dịch vụ tìm "cảm giác mạnh" này đang nở rộ trên vịnh Vĩnh Hy. Nhà nào cũng cố mua một chiếc để phục vụ du khách. Ngoài người lái, môtô nước còn chở thêm 2 du khách chạy với tốc độ từ 50-80 km/giờ trong thời gian 7-10 phút với giá 100.000 đồng/lượt" - anh Thuận chia sẻ.

Về nguy cơ tai nạn do lật môtô nước, anh Thuận cho rằng nếu chạy tốc độ cao, người lái xử lý không tốt thì môtô nước bị lật là chuyện thường. Tuy nhiên, môtô nước được thiết kế không bị chìm, còn du khách thì… chắc chắn sẽ rơi xuống biển!

Theo thiếu tá Trần Thanh Man, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, ở xã Vĩnh Hải đang nổi lên tình trạng môtô nước tự phát. Tất cả môtô này đều không có giấy tờ chứng nhận kỹ thuật cũng như giấy phép điều khiển. Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải đã tổ chức tuần tra 144 đợt, qua đó phát hiện và xử phạt hành chính 11 vụ/11 chủ phương tiện với tổng số tiền 25,5 triệu đồng.

Ông Trương Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho hay đã yêu cầu các đơn vị liên quan tuyệt đối cấm hoạt động chở khách du lịch đối với các phương tiện chưa có chứng nhận an toàn kỹ thuật, đặc biệt là môtô nước. Về lâu dài, các cấp có thẩm quyền có kế hoạch hướng dẫn, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phương tiện thủy nội địa, nhất là canô và môtô nước đăng kiểm và tập huấn nghiệp vụ điều khiển để bảo đảm an toàn.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại