Đó là bức tượng Sardar Vallabhbhai Patel, nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ sinh tại Gujarat. Tượng cao 182 m, "ngốn" kinh phí 29,9 tỉ rupee (430 triệu USD).
Theo đài BBC, có tin chính quyền bang Gujarat chi hơn một nửa số tiền nói trên, số còn lại do chính phủ liên bang cấp hoặc do các nguồn đóng góp. "Thay vì xây tượng khổng lồ, chính phủ nên sử dụng khoản tiền đó cho nông dân" - ông Vijendra Tadvi, một nông dân 39 tuổi, bày tỏ.
Giống như hàng triệu nông dân khắp Ấn Độ, ông Tadvi trông chờ vào mưa để có nước tưới cho 3 ha hoa màu hoặc phải hút từ nguồn nước ngầm vốn chỉ đáp ứng 80% nhu cầu nước ở nông thôn và nước tưới vụ mùa. Thế nhưng, khô hạn kéo dài và mưa thất thường khiến thu nhập của những nông dân như ông Tadvi bị sụt giảm.
Quần thể tượng đài nói trên còn bao gồm một khách sạn 3 sao, viện bảo tàng và một trung tâm nghiên cứu về những chủ đề gắn liền với nhân vật lịch sử Patel.
Tất cả chỉ cách ngôi làng Nana Pipaliya của Tadvi khoảng 10 km, nằm trong huyện Narmada chủ yếu làm nghề nông.
Theo một báo cáo của bang vào năm 2016, nhiều hộ gia đình nơi đây vẫn sống trong đói nghèo, số học sinh tiểu học giảm và tình trạng suy dinh dưỡng dai dẳng.
Chính quyền dự kiến tượng đài thu hút khoảng 2,5 triệu du khách hằng năm, tăng cơ hội việc làm và phát triển du lịch khu vực. Thế nhưng, người dân tỏ ra ngờ vực. Phân nửa dân số Ấn Độ làm nông nhưng nông nghiệp chỉ chiếm 15% GDP của đất nước. Ngành này đòi hỏi nhiều nhân công nhưng sản lượng làm ra quá ít, khiến hàng chục ngàn nông dân phải vật lộn trả nợ ngân hàng và các chủ vay.