Một số nước phát triển nhất khu vực Châu Á đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển hướng sang Ấn Độ trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh chiến tranh thương mại.
Theo hãng tin Bloomberg, các đồng minh thân cận nhất của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia là một vài trong số các nước ở khu vực Châu Á đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Rất nhiều nước Châu Á đang sản xuất các mặt hàng được lắp ráp tại Trung Quốc trước khi xuất khẩu, do đó chuỗi sản xuất trong toàn khu vực rất dễ bị tổn thương vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Thúc đẩy thương mại Châu Á được coi là tấm chắn bảo vệ tốt nhất trong khu vực và chính điều đó đã thúc đẩy Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia quay sang quan tâm hơn tới các nước láng giềng khác, đặc biệt là Ấn Độ - ông Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng cường dùng kinh tế để gây áp lực với khu vực là một trong những yếu tố khác đẩy các nước Châu Á đến gần Ấn Độ.
Thực tế, chính phủ Australia đã công bố "Chiến lược Kinh tế Ấn Độ" đầy tham vọng vào tháng 7 vừa rồi. Tính đến năm 2035, Australia hy vọng sẽ biến Ấn Độ trở thành một trong ba thị trường xuất khẩu và là địa điểm đầu tư lớn thứ 3 của nước này.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in có kế hoạch được gọi là "Chính sách phía Nam" tập trung vào làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với Đông Nam Á. Trong chuyến thăm New Delhi vào tháng 7, ông Moon từng khẳng định, Ấn Độ, dù không phải là một phần của Đông Nam Á, nhưng sẽ là "đối tác hợp tác quan trọng" của Seoul trên mặt trận đó.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự kiến tới thăm New Delhi vào tuần tới, đã cam kết sẽ biến đất nước đông dân thứ 2 thế giới trở thành trụ cột trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương, thúc đẩy đầu tư hạ tầng và phát triển tại các thị trường mới nổi ở Châu Á, Châu Phi.
Song, điều cần quan tâm lúc này đó là, liệu New Delhi có biết cách tận dụng cơ hội mà những xu hướng đó mang lại.
Hiện tại, nước này còn đối mặt với rất nhiều thách thức phía trước. Đầu tiên, Ấn Độ cần tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với các nước khác trong khu vực vì Bắc Kinh đang dẫn trước ở trên cả hai mặt trận.