Cho dù Thủ tướng Abe và Thủ tướng Modi có quan hệ gần gũi, Nhật Bản vẫn lưỡng lự không muốn đàm phán các hợp đồng xuất khẩu tàu ngầm. Thương vụ bán cho Úc một phiên bản của tàu ngầm Soryu năm ngoái đã thất bại dù quan hệ quốc phòng Nhật - Úc ngày càng sâu sắc.
Nhật Bản là một trong những quốc gia mà Ấn Độ đã liên lạc để hỏi thông tin về vấn đề hợp tác trong kế hoạch mua sắm 6 tàu ngầm diesel mà Delhi muốn bổ sung để củng cố hạm đội, trong bối cảnh Ấn Độ lo ngại việc Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động trên Ấn Độ Dương có thể khiến quốc gia Nam Á này bị bao vây.
Những diễn biến gần đây khó có thể khiến các nhà làm luật Ấn Độ thoải mái.
Từ tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã thiết lập hiện diện quân sự và kinh tế mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ Dương, nhiều nước Nam Á đang ngả về Trung Quốc để triển khai các sáng kiến khu vực của Bắc Kinh, ông Abhijit Singh, cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ, hiện làm việc tại Quỹ nghiên cứu Người quan sát tại New Delhi, nhận định.
Tàu ngầm Soryu của Nhật Bản. Ảnh: Getty Images.
Ấn Độ có kế hoạch mua 6 tàu ngầm trị giá khoảng 500 tỷ rupee (hơn 177 nghìn tỷ đồng). Hai chính phủ tiến hành vòng đối thoại đầu tiên về hợp tác công nghệ quốc phòng nói chung vào tuần trước, nhưng đến nay vẫn chưa đàm phán về dự án tàu ngầm, Bloomberg dẫn lời một quan chức ngoại giao Nhật Bản.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói rằng, quy trình mua sắm tàu ngầm mới được khởi động với nhà chế tạo tàu ngầm Nhật Bản. Đó sẽ là quá trình dài, một quan chức khác cho biết. Phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ D. K. Sharma từ chối bình luận về vấn đề này.
Quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản đang phát triển đến giai đoạn mà cả hai nước đều rất thoải mái trong việc chia sẻ công nghệ cao, ông Harsh Pant, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại trường King’s College (Anh), nói với Bloomberg.
"Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tạo nên rất nhiều phức tạp cho hai nước này. Và tại châu Á - Thái Bình Dương, nếu có hai nước dám đứng lên thách thức Trung Quốc thì đó là Ấn Độ và Nhật Bản", ông Pant nói.
Nhưng Nhật Bản và Ấn Độ còn một số khó khăn trong quá trình thúc đẩy đàm phán mua bán tàu ngầm.
Nhật Bản mới nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu thiết bị quân sự từ năm 2014, sau nhiều thập kỷ áp dụng. Việc tập trung tối đa vào nhu cầu trong nước khiến ngành công nghiệp quốc phòng của nước này chỉ được duy trì ở quy mô nhỏ, khiến giá thành ở mức cao.
Đây là một yếu tố khó khăn cho Ấn Độ. Trong nhiều năm, hai nước từng đàm phán về khả năng bán thủy phi cơ ShinMaywa US-2 nhưng không thống nhất được về giá.
Mức giá khoảng 12 tỷ yen (gần 2,5 nghìn tỷ đồng) cho mỗi chiếc là điểm nghẽn hai bên chưa giải quyết được, một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho biết. Theo vị quan chức này, hai bên sẽ tiếp tục bàn về vấn đề đó.
Chiến dịch tăng lượng hàng hóa công nghệ cao sản xuất tại Ấn Độ mà Thủ tướng Modi khởi động sẽ khiến các thỏa thuận mua tàu ngầm khó khăn hơn.
Mitsubishi và Kawasaki, hai nhà sản xuất hàng công nghiệp nặng đang chế tạo tàu ngầm cho Nhật Bản, sẽ quan tâm đến việc liệu sản phẩm của họ được làm ở Ấn Độ có bảo đảm chất lượng sản phẩm hay không, ông Singh đánh giá.
"Tàu ngầm không hiệu quả nếu người Ấn Độ chế tạo chúng và có trục trặc xảy ra, khiến uy tín của người Nhật cũng bị tổn hại", ông Singh nói. Cả hai công ty Nhật đều từ chối bình luận về vấn đề này.
"Vẫn còn một chút lưỡng lự trong cộng đồng chính trị - quốc phòng Nhật Bản" về việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí, ông Hiroshi Hirabayashi, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ, nay là Chủ tịch Hội Nhật - Ấn, cho biết. Để phù hợp với hiến pháp hòa bình, Nhật Bản mãi đến gần đây vẫn coi Mỹ hầu như là ngoại lệ duy nhất của luật cấm.
Ông Singh cho rằng, Nhật Bản vẫn muốn giữ kín về công nghệ tàu ngầm của họ, vì đây là một trong những điều được giữ bí mật nghiêm ngặt nhất của bất kỳ chính phủ nào.
Ngoài ra, tàu ngầm Soryu của Nhật Bản to hơn nhiều mẫu tàu mà Ấn Độ đang tìm kiếm. "Loại tàu đó quá phức tạp đối với nhu cầu sử dụng của Ấn Độ và Nhật Bản biết điều đó", ông Singh nói. Điều đó nghĩa là phải thiết kế lại.