Xung quanh khu bảo tồn loài hổ Pilibhit thuộc địa phận bang Uttar Pradesh, Ấn Độ đã xảy ra 7 vụ người lớn tuổi bị hổ dữ vồ chết kể từ đầu năm 2017 tới nay.
Trường hợp mới nhất là một phụ nữ 55 tuổi được phát hiện tử vong bên ngoài bìa rừng vào ngày 01/07 vừa qua với nhiều vết thương nghiêm trọng trên cơ thể.
Tuy nhiên qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng địa phương đã thu hồi được nhiều mảnh trang phục trùng khớp với những gì còn sót lại trên thi thể nạn nhân ở một nơi khác cách đó 2km, đồng thời cũng phát hiện nhiều vết bánh xe lạ xuất hiện ngay gần đó.
Điều này được cho là nhiều khả năng xác chết đã bị người khác di chuyển từ bên trong địa phận khu bảo tồn ra ngoài.
Theo ông Kalim Athar, đại diện Cục Phòng chống Tội phạm về Động vật hoang dã Ấn Độ, cái chết của người phụ nữ này là một âm mưu có dàn dựng từ trước nhằm đòi tiền bồi thường chứ chứ không hề có bất cứ tai nạn bất ngờ nào.
Cũng theo nhiều cư dân sinh sống trên địa bàn, các trường hợp được cho là bị hổ tấn công đến chết trong thời gian vừa qua đều là ngườil lớn tuổi và chính họ đã tự nguyện "hợp tác" cùng người nhà để làm việc này.
Họ chấp nhận tự đi vào rừng sâu, hoặc bị thân nhân đem vứt giữa khu vực nguy hiểm để chờ hổ tới "xử lý". Sau đó người nhà sẽ đến cơ quan chức năng trình báo sự việc và nhận khoản đền bù kếch xù mà chính quyền chi trả.
"Từ khi khu bảo tồn được thành lập, người dân xung quanh không thể vào rừng để khai thác tài nguyên hay duy trì sinh kế nữa. Vì vậy, đây là cách duy nhất để họ có thể kiếm tiền và thoát khỏi cảnh đói nghèo", ông Jarnail Singh, 60 tuổi nói.
Nhiều hộ dân ngụy tạo việc người thân bị hổ vồ chết để nhận tiền bồi thường.
Dẫu vậy, cách kiếm tiền đầy oan trái của những người dân tại Ấn Độ lại không "thuận buồm xuôi gió" như họ vẫn nghĩ. Bởi chiếu theo luật pháp hiện hành, phía chính quyền sẽ không phải chịu bất kì trách nhiệm gì nếu người dân bị hổ tấn công khi tự ý xâm nhập vào bên trong địa giới của các khu bảo tồn động vật hoang dã.
Chỉ khi nào những con vật đó tự động thoát khỏi nơi này, gây thiệt hại nặng nề về người và của thì nạn nhân mới được nhận một khoản tiền bồi thường tương ứng – đặc biệt là trong trường hợp có người tử vong.
Các trường hợp bị hổ chết trong thời gian vừa qua là do chính nạn nhân cùng gia đình của họ cố tình thực hiện.