Với quan hệ hợp tác quân sự ở mức cực kỳ chặt chẽ, Ấn Độ từng được xem như khách hàng tiềm năng nhất của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 do Nga chế tạo.
Thậm chí giữa Moskva và New Delhi còn có dự án liên doanh chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5 FGFA, đây chính là biến thể hai chỗ ngồi của tiêm kích Su-57.
Theo thỏa thuận thì Ấn Độ sẽ cung cấp vốn cho Nga nghiên cứu, đổi lại Moskva phải chia sẻ toàn bộ công nghệ lõi của tiêm kích FGFA cho New Delhi.
Mặc dù vậy, sau thời gian dài chương trình vũ khí đầy tham vọng trên "dậm chân tại chỗ" thì Ấn Độ đã hết kiên nhẫn và quyết định rút chân khỏi dự án liên doanh này.
New Delhi cáo buộc Nga không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng liên doanh khi từ chối bàn giao các tài liệu kỹ thuật cho Ấn Độ, bất chấp việc họ là nhà đầu tư chính.
Không chỉ có vậy, tính năng của tiêm kích FGFA còn bị phàn nàn là kém xa yêu cầu đặt ra khi có diện tích phản xạ radar quá lớn, hệ thống điện tử hàng không lạc hậu và thiếu động cơ đúng chuẩn.
Sau khi rút chân khỏi chương trình FGFA, Ấn Độ đã tự khởi động chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5 của chính mình với tên gọi AMCA.
Theo giới chức quốc phòng Ấn Độ, sau quá trình học hỏi thì họ đã nắm được gần như đầy đủ công nghệ lõi của tiêm kích tàng hình, vấn đề khó khăn nhất là động cơ có thể được giải quyết bằng cách nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ.
Với lý do trên, Ấn Độ cho biết rằng họ không bao giờ có ý định nối lại dự án liên doanh FGFA hay mua nguyên chiếc tiêm kích Su-57 của Nga, nhất là khi sản phẩm chưa rõ khi nào mới hoàn thiện.
Tưởng như Ấn Độ đã đưa ra câu trả lời rõ ràng và tương lai của tiêm kích Su-57 cũng như FGFA đối với không quân nước này đã được định đoạt thì mới đây lại có diễn biến đáng chú ý.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Nga một lần nữa tiếp cận New Delhi với một đề xuất kinh doanh đó là tiếp tục công việc trong dự án liên doanh FGFA hoặc mua nguyên chiếc đối với tiêm kích Su-57.
"Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đàm phán về máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Một sự kiện quan trọng đã diễn ra trong chương trình Su-57 khi Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng tới 76 tiêm kích loại này".
"Tôi tin rằng đây là một tín hiệu tích cực cho đối tác Ấn Độ, chúng tôi sẽ thảo luận về các định dạng hợp tác cụ thể", Bộ trưởng Bộ Công thương Nga, ông Denis Manturov cho biết.
Tuy nhiên trước thông tin mà báo chí Nga đề cập thì đã không có bất cứ câu trả lời chính thức nào được Ấn Độ đưa ra, điều này đã cho thấy rõ thái độ của họ.
Sự lạnh nhạt của Ấn Độ đối với đề xuất mà Nga vừa đưa ra có lẽ chính là dấu chấm hết cho mọi nỗ lực còn lại của Moskva.