Sáng 27/3, Ấn Độ đã phóng một tên lửa vào vũ trụ, đánh trúng một vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất và phá hủy nó. Trong bài phát biểu trên truyền hành ngay sau sự kiện, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố vụ phá hủy vệ tinh thành công.
Ông ca ngợi Sứ mệnh Shakti là thành tựu chưa từng có tiền lệ, giúp Ấn Độ trở thành một cường quốc vũ trụ. Ông Modi cũng nói rõ vệ tinh bị bắn hạ chính là của Ấn Độ.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Modi nói: “Các nhà khoa học của chúng ta đã bắn hạ một vệ tinh đang hoạt động. Họ đã thành công chỉ trong ba phút. Cho tới nay, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể làm được điều đó. Ấn Độ là quốc gia thứ tư đạt được chiến công ngày”.
Rủi ro từ rác vũ trụ
Dù Thủ tướng Modi có thể ca ngợi sự kiện là thành công lịch sử, nhưng theo tờ Business Insider, vụ bắn hạ vệ tinh này có thể khiến thế giới nhanh tiến tới một cuộc chiến vũ trụ, đồng thời gia tăng rủi ro nhân loại có thể mất khả năng tiếp cận các khu vực quan trọng trên vũ trụ quanh Trái đất.
Đó là vì phá hủy vệ tinh tạo ra một lượng rác khổng lồ trôi nổi trong không gian. Những mảnh vỡ này có thể va chạm, làm hỏng hoặc phá hủy các tàu vũ trụ, vệ tinh khác.
Rác vũ trụ không chỉ đe dọa các vệ tinh đắt tiền. Hiện nay, có 6 thành viên phi hành đoàn đang sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cách Trái đất 402km. ISS cao hơn 104km so với vị trí của vệ tinh vừa bị Ấn Độ xóa sổ. Có rủi ro một số mảnh vỡ có thể bay lên quỹ đạo cao hơn và đe dọa ISS.
Clip minh họa về lượng rác vũ trụ tăng theo từng năm từ năm 1957 đến 2015 (nguồn: Stuart Grey)
Do đó, theo dõi những mảnh vỡ này là điều cần thiết. Một phát ngôn viên của Phi đội Kiểm soát vũ trụ số 18 thuộc Không quân Mỹ (chuyên theo dõi và thống kê các vật thể trong vũ trụ) cho biết: “Bộ Quốc phòng biết về vụ bắn vệ tinh của Ấn Độ. Mỹ đang tích cực theo dõi và giám sát tình hình”.
Rủi ro tiềm ràng với ISS và các vệ tinh khác chỉ là bề nổi của mối lo lớn hơn liên quan tới việc phá hủy vệ tinh.
Rác vũ trụ sinh ra thêm rác vũ trụ
Bất kỳ vụ va chạm nào trong vũ trụ cũng tạo ra một đám mây mảnh vỡ. Mỗi mảnh di chuyển với tốc độ hơn 28.100km/h. Đó là tốc độ cần để giữ một vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Tốc độ đó nhanh hơn 10 lần so với tốc độ một viên đạn.
Với vận tốc như vậy, ngay cả một con chip bay lạc cũng có thể vô hiệu hóa một vệ tinh. Ông Jack Bacon, một nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết cú đâm của một khối nhôm to bằng quả bóng mềm sẽ có tác động tương tự như kích hoạt 7kg thuốc nổ TNT.
Điều này đáng lo ngại với người dân toàn cầu khi họ ngày càng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng trên không gian để gọi điện, vào mạng, sử dụng dịch vụ định vị…
Nỗi sợ lớn nhất chính là cơn ác mộng được gọi là sự kiện “hội chứng Kessler” - đặt theo tên của Donald J. Kessler, người đầu tiên mô tả sự kiện năm 1978 khi còn là nhà vật lý thiên văn tại NASA.
Trong sự kiện đó, một vụ va chạm trong vũ trụ sẽ hình thành một đám mây mảnh vỡ và gây ra thêm các vụ va chạm, tạo ra nhiều mảnh vỡ hơn.
Theo tính toán của ông Kessler, có quá nhiều rác vũ trụ di chuyển ở tốc độ cao có thể bao vây Trái đất tới mức sẽ vô cùng mạo hiểm nếu phóng tàu vũ trụ. Để an toàn, phải đợi tới khi phần lớn rác di chuyển chậm lại ở mép ngoài bầu khí quyển, rơi xuống và bốc cháy.
Ông Kessler nói: “Vấn đề rác ở quỹ đạo là một bi kịch lâu năm của một vấn đề chung có quy mô toàn cầu”. Khi có hàng nghìn vệ tinh trong vũ trụ như hiện nay, “hội chứng Kessler” có thể kéo dài hàng trăm năm và ngày càng nghiêm trọng, trừ khi có công nghệ để giải quyết đống rác vũ trụ này.
Vụ phóng tên lửa tiêu diệt vệ tinh mà Trung Quốc thực hiện tháng 1/2007 cho thấy rác được tạo ra từ vụ việc có thể gây rắc rối thế nào. Khi đó, Trung Quốc đã phóng một tên lửa trang bị một “phương tiện tiêu diệt”. Phương tiện này, thường là thanh kim loại hình viên đạn khổng lồ, đã phá hủy vệ tinh thời tiết nặng 748kg.
Trong quá trình đó, vụ phá hủy tạo ra một đám mây gồm hơn 2.300 mảnh vỡ có thể theo dõi được, có kích thước bằng quả bóng golf hoặc lớn hơn. Vụ việc để lại 35.000 mảnh vỡ lớn hơn móng tay và khoảng 150.000 mảnh vỡ nhỏ hơn.