Ấn Độ dùng máy tăng tốc độ làm đường lên gấp 10 lần, tướng lĩnh vạch ra kế hoạch hậu cần chi tiết khó tin

Tất Đạt |

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang đã khiến cả hai nước tăng cường hoạt động triển khai binh sĩ và phương tiện tới khu vực.

Tăng tốc làm đường

Theo NDTV (Ấn Độ), để tạo điều kiện cho quân đội di chuyển dễ dàng và nhanh chóng triển khai các thiết bị cùng vũ khí hạng nặng tới các địa điểm dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa lúc tình hình căng thẳng giữa Trung - Ấn ngày càng leo thang, Tổ chức Đường bộ Biên giới (BRO) đã bắt đầu làm việc ngày đêm để hoàn thành các tuyến đường tới Leh và khai thông các đoạn bị chặn hoặc lở đất.

Quan chức BRO cho biết họ đã tăng cường nhân công, bao gồm thuê ngoài, sử dụng các máy móc hiện đại nhất để làm đường và phá núi nhằm tạo tuyến đường thuận lợi nhất cho di chuyển. Bên cạnh đó, nhân công làm việc theo ca và cả ngày cuối tuần để hoàn thành dự án, đặc biệt khi mùa đông đang sắp tới gần.

Tranh chấp biên giới tại biên giới Trung - Ấn ở Ladakh ngày càng trở nên phức tạp sau khi 20 lính Ấn Độ tử vong trong cuộc đụng độ đẫm máu vào tháng 6 vừa qua. Mặc dù các quan chức và bộ trưởng của 2 nước đã gặp nhiều lần để đàm phán quanh chủ đề giảm căng thẳng quân sự, tuy nhiên mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết và Trung Quốc thậm chí còn tăng cường điều binh sĩ và phương tiện tới dọc vùng LAC.

Ấn Độ dùng máy tăng tốc độ làm đường lên gấp 10 lần, tướng lĩnh vạch ra kế hoạch hậu cần chi tiết khó tin - Ảnh 1.

Ấn Độ tăng tốc độ làm đường giữa lúc căng thẳng Trung - Ấn tiếp tục leo thang. Ảnh: NDTV

"Với tình hình hiện tại, để giúp quân đội và các lực lượng khác vận chuyển trang thiết bị hạng nặng, BRO đã dùng các máy móc hiện đại nhất - loại độc nhất ở Ấn Độ - để tăng tốc độ làm đường lên gấp 10 lần và giảm thiệt hại về người," B Kishan, Giám đốc Điều hành của công ty phụ trách xây dựng thuộc BRO, nói.

Ngoài ra, BRO cũng đang kết nối các tuyến đường có sẵn theo yêu cầu của quân đội.

Nhiều khó khăn hậu cần

Trong khi đó, thiếu tướng Ấn Độ Jagatbir Singh đã chia sẻ một số kế hoạch chi tiết về hậu cần cho binh sĩ nước này. Bài viết được đăng tải trên Financial Express (Ấn Độ). Theo ông Singh, hậu cần chiến lược là môn khoa học cần tới những sĩ quan trình độ cao nhất, những người phải chú ý tới những điểm nhỏ nhất để đảm bảo rằng các đội quân được trang bị đầy đủ, có nơi trú ẩn, có thực phẩm và trang phục hợp lí vào mọi thời điểm.

Trong bối cảnh ở vùng Đông Ladakh, hậu cần tất nhiên không chỉ bao gồm vận chuyển người và trang bị mà còn là việc duy trì bám trụ ở một trong những địa điểm khắc nghiệt nhất hành tinh. Triển khai quân đội tới đây là việc khó khăn nhưng để sống sót được ở vùng này còn phức tạp hơn nhiều lần. Với nhiệt độ thấp ở vùng núi cao, vấn đề không chỉ là kẻ thù mà còn là khí hậu và sức khỏe binh sĩ. Vì vậy, cần phải có chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống ở mọi địa điểm khác nhau.

Bước đầu tiên tất nhiên vẫn là triển khai lính và trang thiết bị. Hiện tại, Ấn Độ chỉ có 2 con đường để triển khai binh sĩ tới biên giới, một đường là từ Jammu, Srinagar thông qua đèo Zoji La, Karrgil tới Leh và đường còn lại là từ Pathankot, Manali, đèo Rohtang tới Leh. Thời gian quay vòng trung bình là 10 ngày. Từ Leh, binh sĩ sẽ đi tới vùng đông Ladakh thông qua đèo Changla.

Ấn Độ dùng máy tăng tốc độ làm đường lên gấp 10 lần, tướng lĩnh vạch ra kế hoạch hậu cần chi tiết khó tin - Ảnh 2.

Ảnh: PTI

Một cách vận chuyển khác là bằng đường hàng không - bay từ Changdigarh và hạ cánh ở Leh. Khối lượng tải phụ thuộc vào loại máy bay nào được sử dụng và tất nhiên là cả thời tiết.

Việc triển khai binh sĩ có những thách thức riêng, ví dụ như cần các điểm dừng chân dọc đường ở vô số các căn cứ, cần thời gian làm quen với khí hậu ở từng giai đoạn, tùy vào nơi binh sĩ tới. Các đoàn xe cần phải di chuyển theo kế hoạch, bao gồm tốc độ của đoàn xe, thời gian, số lượng xe, thời gian sửa chữa cũng như thời gian tạm dừng và nghỉ ngơi dọc đường.

Vì các tuyến đường chỉ mở từ tháng 5 tới tháng 10, nên việc điều động cần sự tham gia của nhiều bộ phận trong quân đội Ấn Độ. Họ cần đảm bảo rằng các binh sĩ hoạt động tại những địa điểm xa xôi nhất được trang bị đầy đủ, có nơi ở, quần áo, có thực phẩm và được giữ ấm trong mùa đông lạnh giá.

Nơi ở là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tại vùng núi, nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 40 độ và binh sĩ không thể ngủ ngoài trời. Vì vậy, điều đầu tiên là cần phải tạo ra không gian đủ để dựng các lều đặc biệt, thiết lập lớp phòng vệ, dựng lều, nơi nấu ăn và nơi đi vệ sinh. Các con đường cần được đánh dấu để dễ nhận diện hơn.

Ngoài ra, cần phải đảm bảo rằng đồ dự trữ, đạn dược, thuốc men và nguyên liệu có nơi để chứa. Việc quản lí từng loại đồ tích trữ cũng không hề đơn giản, kể cả là đạn dược, nhu yếu phẩm hay xăng dầu.

Ví dụ, đạn dược các loại từ đạn loại nhỏ cho tới đạn xe tăng, đạn pháo, tất cả đều có trọng lượng cũng như nguyên tắc vận chuyển, bảo quản khác nhau. Tất nhiên, tên lửa cũng được bảo quản và vận chuyển theo những hướng dẫn nhất định. Xăng dầu là yếu tố sống còn ở độ cao này và còn có thể sử dụng để sửa ấm.

Nguồn cung cấp thực phẩm là vấn đề tiếp theo. Các binh sĩ cần được ăn đầy đủ. Ở một số địa điểm, binh sĩ có thể có thức ăn nóng, nhưng đa phần đều là ăn thực phẩm ăn liền hoặc đồ hộp. Trên thực tế, có nhiều loại thực phẩm có thể được sử dụng, bao gồm rau, gạo, đường, thịt và sữa. Trong những tháng mùa đông, binh sĩ sẽ có ít rau hơn.

Quần áo cũng là một yếu tố cần đề cập. Các binh sĩ cần quần áo thích hợp để giữ ấm. Ngoài ra, một số trang thiết bị cần thiết khác là túi ngủ, áo choàng, giày, quần len và tất nhiên là găng tay và kính bảo hộ.

Sửa chữa trang thiết bị và thuốc men là những yếu tố thiết yếu còn lại. Binh sĩ cần phải được cung cấp đồ dự phòng để các phương tiện và vũ khí có thể sử dụng vào mọi lúc cần thiết.

Theo tướng Jagatbir Singh, quân đội Ấn Độ có hệ thống và nguyên tắc để đảm bảo rằng các binh sĩ ở tiền tuyến không bao giờ thiếu bất kì điều gì vì bất kì lí do nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại