Ông Derek Grossman, cựu báo cáo viên tình báo cho Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO sẽ khiến Trung Quốc đối mặt với sự gia tăng chia rẽ trong nội bộ khối, vốn đã quen thuộc với các cuộc thảo luận mang tính "nghi thức và hợp tác".
Trong khi Pakistan gần như là đồng minh của Trung Quốc, sự xuất hiện của Ấn Độ đặc biệt khiến Bắc Kinh thất vọng, trong bối cảnh cạnh tranh về địa chính trị không ngừng gia tăng giữa hai cường quốc châu Á, cũng như khác biệt trong cách tiếp cận hoạt động chống khủng bố.
Chỉ 1 tuần sau khi Ấn Độ gia nhập SCO, một vụ xô xát lớn đã nổ ra ở vùng biên giới Sikkim giữa Trung-Ấn khi quân đội hai nước cáo buộc nhau xâm phạm chủ quyền. Cuộc giằng co ở biên giới leo thang thành khủng hoảng ngoại giao và đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cái bắt tay giữa Nga và Ấn Độ
Grossman cho hay, Bắc Kinh ngay từ đầu đã không muốn Ấn Độ gia nhập SCO. Đề xuất này được đưa ra bởi Nga, như một phần thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh Nga-Ấn, nhưng mục đích chính của Moskva là tạo thành đối trọng nhằm tránh Trung Quốc chiếm thế "độc tôn" trong tổ chức an ninh-kinh tế chung này.
Nga đang ngày càng gia tăng lo ngại khi các nước Liên Xô cũ và là thành viên SCO hiện nay - gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan - đang bị lôi kéo vào quỹ đạo địa chiến lược của Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) vui vẻ bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị cấp cao của SCO tổ chức ở thủ đô Astana của Kazakhstan, tháng 6/2017 (Ảnh: Sputnik)
Bắc Kinh cũng nhận thức rõ việc Moskva trì hoãn thực hiện các sáng kiến của Trung Quốc, vốn mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích hơn trong thương mại khu vực, bao gồm việc thiết lập một ngân hàng cùng thỏa thuận thương mại khu vực SCO.
Trong khi Trung Quốc gia tăng dần ảnh hưởng ở Trung Á, Moskva cũng chào đón New Delhi như một cơ hội "nối dài cánh tay" của Nga để làm chậm, thậm chí cản trở sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Đáp lại, Thủ tướng Narendra Modi cũng rất nhiệt tình trong chuyến công du Nga mới đây khi tuyên bố "Ấn Độ và Nga luôn luôn đứng bên nhau trong các vấn đề quốc tế".
Hồi tháng 5, Ấn Độ từ chối cử đoàn đại biểu dự hội nghị cấp cao về sáng kiến "Vành đai và Con đường" tại Bắc Kinh. Theo tuyên bố của chính phủ Ấn Độ, dự án tiêu biểu của sáng kiến này, Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), đã "không tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ấn Độ khi đi qua khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan ở vùng Kashmir.
New Delhi chắc chắn sẽ tiếp tục chỉ trích CPEC trong các tuyên bố sau đây của SCO, bởi với tư cách thành viên chính thức, Ấn Độ lúc này có đầy đủ quyền phản đối những hoạt động không phục vụ lợi ích của "toàn bộ" thành viên SCO.
Ngoài ra, SCO cũng là một diễn đàn khác để Ấn Độ chất vấn ý đồ của Bắc Kinh đằng sau "mối quan hệ mật thiết khác thường" với Islamabad.
Cả Ấn Độ lẫn Pakistan còn là thành viên của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). New Delhi, cùng với Afghanistan, Bangladesh và Bhutan đã tẩy chay hội nghị cấp cao của nhóm tại Islamabad hồi năm ngoái, sau khi Ấn Độ cáo buộc Pakistan đứng sau âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào một căn cứ quân sự của họ.
Còn ở SCO, dù Pakistan có thể ôn hòa hơn do có mặt Trung Quốc, nhưng Ấn Độ chắc chắn không quan tâm đến điều này - ông Grossman nhận định.
Bắc Kinh hối tiếc
Tranh chấp dọc 3.488 km biên giới và cạnh tranh địa chiến lược ở Nam Á là những thách thức với bất kỳ nỗ lực hợp tác nào mà Trung Quốc hy vọng đạt được với New Delhi tại SCO.
Cuộc giằng co đang tiếp diễn ở cao nguyên Doklam/Donglang chỉ là trường hợp mới nhất, nhưng sẽ không phải là cuối cùng.
Trong bài xã luận đăng ngày 23/7, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) chỉ trích rằng tư cách thành viên của Ấn Độ tại SCO đã gây ra "một vũng lầy đấu đá" trong tổ chức này. Căng thẳng biên giới giữa Trung-Ấn nhiều khả năng đẩy SCO vào trạng thái đình trệ chiến lược.
Theo Hoàn Cầu, "sự tham gia của Ấn Độ vào SCO sẽ gây tác hại nhiều hơn lợi ích trong ngắn và trung hạn".
Đối với Trung Quốc, khu tự trị dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là vấn đề quan trọng nhất trong tình hình an ninh miền Tây nước này. Việc hợp tác giữa các nước SCO đem lại cho trung Quốc môi trường thuận lợi để ổn định tình hình và phát triển. Hồi tháng 11/2016, các lực lượng bộ binh của SCO đã tổ chức tập trận chung ở Korla, Tân Cương.
Trung Quốc lo ngại SCO sẽ trở thành diễn đàn để Ấn Độ gây tổn hại các lợi ích của Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)
Tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia của Trung Quốc
Trung Quốc và Ấn Độ lại bất đồng trong vấn đề chống khủng bố, biến đây thành vấn đề lớn khi New Delhi có tiếng nói ở SCO.
Hồi tháng 6, Bắc Kinh đã phủ quyết đề xuất của Ấn Độ về việc đưa tên thủ lĩnh Masood Azhar của nhóm Jaish-e-Mohammad (đóng tại Pakistan) vào danh sách khủng bố theo Nghị quyết trừng phạt số 1267 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, với lý do New Delhi không cung cấp đủ bằng chứng.
Do đó, không loại trừ khả năng Ấn Độ phản đối lập trường của Trung Quốc về chống khủng bố bằng lý do tương tự. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến vai trò của SCO trong hỗ trợ Bắc Kinh duy trì an ninh ở miền Tây.
Trung Quốc tin rằng tình trạng đối đầu giữa Trung-Ấn chủ yếu bắt nguồn từ chính sách của Mỹ đối với Bắc Kinh. Ấn Độ không chỉ đạt được các thỏa thuận mua vũ khí từ Mỹ, mà còn thiết lập nhiều căn cứ quân sự chiến lược dọc biên giới hai nước.
Học thuyết về "mối đe dọa Trung Quốc" cũng được ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận Ấn Độ. Theo kết quả trưng cầu do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành tháng 9/2016, khoảng 36% người Ấn được hỏi có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc; 69% tin rằng sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc là vấn đề đối với Ấn Độ, trong đó 46% coi đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Xét đến những căng thẳng trong quan hệ Trung-Ấn, New Delhi rất có thể sẽ ngăn cản những sáng kiến có lợi cho Trung Quốc tại SCO.
Ông Derek Grossman bình luận, Ấn Độ đặt Bắc Kinh vào một tình thế "dở khóc dở cười" trong nỗ lực làm nổi bật các giá trị của tổ chức này. Thất bại của SCO là điều Trung Quốc không thể chấp nhận khi chính họ đóng vai trò trung tâm trong thiết lập diễn đàn.