Tờ Thời báo Học tập (Study Times), do Trường đảng trung ương Trung Quốc ấn hành, hôm 28/7 đã ca ngợi lập trường cứng rắn của ông Tập Cận Bình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng châu Á.
"Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra một loạt biện pháp để khuếch trương ưu thế chiến lược [của Trung Quốc] và gìn giữ an ninh quốc gia," tờ này viết.
"Trong vấn đề biển Đông, [ông Tập] đích thân ra các quyết định xây đảo nhân tạo và bồi lấp (một cách trái phép-PV) các bãi đá, cũng như thiết lập (phi pháp cái gọi là) thành phố Tam Sa (đặt trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam-PV). Các quyết định này đã thay đổi cơ bản cục diện chiến lược trên biển Đông," tờ báo đảng Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố.
Các nhà phân tích nói rằng bài xã luận bất thường trên Thời báo Học tập cho thấy ông Tập Cận Bình đã thâu tóm được một cách tương đối quyền hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong bối cảnh ông cố gắng củng cố vị thế để trở thành lãnh đạo có quyền lực nhất nước này từ sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Cũng theo bài viết của Thời báo Học tập, ông Tập Cận Bình còn được "ghi công" trong việc Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) vào năm 2013 ở biển Hoa Đông, khu vực mà nước này có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trước đó, một bài viết tương tự trên PLA Daily - tờ báo của Quân giải phóng nhân dân (PLA) - ca ngợi Tập Cận Bình có những chỉ đạo chiến lược liên quan đến Senkaku/Điếu Ngư, và thiết lập chương trình tuần tra định kỳ trên biển Đông.
Bài viết trên báo đảng là một trong chùm nhiều báo cáo trên truyền thông Trung Quốc nhằm ca ngợi "các đức tính" của Tập Cận Bình, được tuyên truyền mạnh mẽ trước Đại hội toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ, diễn ra vào mùa thu năm nay. Bài báo cũng nhắc lại tuổi thơ khó khăn của ông Tập, và đề cao vai trò lãnh đạo của ông trong cải cách kinh tế, cải tổ quân đội và chống tham nhũng.
Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, hàng trước), tại lễ thăng hàm Thượng tướng cho 5 tướng lĩnh quân đội Trung Quốc ngày 28/7 tại Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)
Chuyên gia: Mục tiêu của Trung Quốc là "nuốt trọn" biển Đông
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, cách tiếp cận của Bắc Kinh trong các tranh chấp trên biển đang trở nên tập trung hơn, ở cả biển Đông và biển Hoa Đông, trong khi thực hiện ý đồ gia tăng hiện diện trên các vùng nước tranh chấp, như xây đảo nhân đạo. Các động thái của Trung Quốc đã gây bất ổn trong khu vực.
"Biển Đông là nguồn gốc sự mất lòng tin chiến lược giữa Trung Quốc và các nước," theo ông Zhang Baohui - chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Lingnan, Hồng Kông. "[Quyết sách của ông Tập] rất có thể sẽ xóa bỏ những yếu tố còn chưa xác định ở các nước về các ý đồ của Trung Quốc."
Bill Hayton, chuyên gia về biển Đông, nhà nghiên cứu tại Chatham House, Anh, đánh giá "mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là xâm chiếm mọi thực thể trên biển Đông".
"Họ không thể thực hiện điều đó theo cách bất thình lình," Hayton nói. "Trung Quốc phải tiến hành từng bước một để tránh bị phản đòn."
Theo ông Hayton, Bắc Kinh còn nhìn thấy cơ hội ở biển Đông khi Mỹ bị phân tâm bởi vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với hầu hết diện tích biển Đông - khu vực chiếm 1/3 lượng lưu thông hàng hải toàn cầu - thông qua cái gọi là yêu sách "đường chín đoạn". Nước này đẩy nhanh tiến độ từ năm 2013 và đã xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Liên quan đến thông tin Trung Quốc đang quân sự hóa trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh hồi tháng 6/2017:
"Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này."