Đây là khu vực đầu tiên của mặt trăng được khám phá bởi các nhà khoa học Ấn Độ.
Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ cho biết tàu đổ bộ và tàu thám hiểm đang ở trong tình trạng tốt và "cả hai đều hoạt động rất tốt", nhưng các thí nghiệm hiện chưa bắt đầu.
Video cho thấy bề, bề mặt mặt trăng với nhiều hố trũng nằm rải rác. Trong lúc camera hoạt động, trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 cũng hạ dần độ cao. Dù vô số hố trũng và rãnh khiến bề mặt mặt trăng trở nên gồ ghề, Vikram vẫn hạ cánh nhẹ nhàng như dự định hôm 23/8 tại một khu vực tương đối bằng phẳng giữa các hố trũng Manzinus C và Simpelius N, cách cực Nam mặt trăng khoảng 70 độ.
Ảnh chụp một phần bãi đáp của trạm đổ bộ Vikram trên mặt trăng. (Ảnh: ISRO)
Bộ phận đẩy của tàu vũ trụ, module hình hộp đã đưa bộ đôi trạm đổ bộ Vikram và robot tự hành Pragyan vào quỹ đạo gần mặt trăng, tách ra trước cuộc đổ bộ và tiếp tục bay vòng quanh mặt trăng. Module này trang bị một công cụ khoa học duy nhất mang tên SHAPE, giúp nghiên cứu Trái đất từ quỹ đạo mặt trăng.
Tuy nhiên, phần lớn sự chú ý của thế giới dồn vào cuộc đổ bộ xuống bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Theo ISRO, không lâu sau khi Vikram hạ cánh, nó đã thiết lập liên lạc với trung tâm điều khiển ở Bengaluru, Ấn Độ.
Trạm đổ bộ Vikram chụp ảnh bề mặt mặt trăng trong quá trình hạ cánh. (Ảnh: ISRO)
Các nhà khoa học mong muốn thu thập càng nhiều dữ liệu khoa học càng tốt trong hai tuần tới (tương đương một ngày trên mặt trăng) vì cả trạm đổ bộ lẫn robot đều không được thiết kế để chống chọi với đêm mặt trăng khắc nghiệt, khi nhiệt độ vùng cực giảm xuống -230°C hoặc thấp hơn.
Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định đặt tên nơi tàu đổ bộ hạ cánh trên bề mặt mặt trăng là Shivshakti (tức là Sức mạnh của Thần Shiva) và lấy ngày 23/8 là Ngày Không gian Quốc gia tại Ấn Độ.