Ấn Độ "chưng hửng" khi Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc

Bình Giang |

Việc Úc sẽ sở hữu ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân theo thoả thuận an ninh ba bên với Mỹ và Anh không chỉ khiến Pháp nổi giận, mà còn gây bất ngờ cho Ấn Độ, khiến New Delhi không biết nên phản ứng như thế nào.

Tàu ngầm điện diesel Scorpene được chế tạo nội địa của Ấn Độ. (Ảnh: Xinhua)

Tàu ngầm điện diesel Scorpene được chế tạo nội địa của Ấn Độ. (Ảnh: Xinhua)

Ấn Độ chưa chính thức lên tiếng về sự ra đời của AUKUS , một liên minh sẽ giúp tăng cường năng lực răn đe cho Úc, vào thời điểm Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực chống lại sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực.

Shekhar Sinha, cựu tư lệnh hải quân Ấn Độ, nói rằng các tàu ngầm hạt nhân sẽ có “tác động đáng kể” lên cân bằng sức mạnh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Còn cựu tư lệnh hải quân Arun Prakask tuần trước viết trên Twitter rằng sự ra đời của AUKUS có thể khiến New Delhi bất mãn.

“Trong nhiều năm, Mỹ vẫn nói với Ấn Độ rằng luật của Mỹ khiến nước này không thể chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân với bất kỳ nước nào, kể cả đồng minh. Ngay cả thoả thuận hạt nhân Ấn Độ - Mỹ và việc ký tất cả 4 thoả thuận cơ sở cũng không thể thay đổi điều đó. Và giờ điều này xảy ra” - cựu tư lệnh hải quân Arun Prakask.

Năm 2008, Ấn Độ và Mỹ ký một thoả thuận mà trong đó Mỹ đồng ý sẽ hợp tác hạt nhân dân sự đầy đủ với Ấn Độ, còn Ấn Độ sẽ tách biệt các cơ sở hạt nhân quân sự và dân sự rồi đặt dưới sự giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Thoả thuận này không bao gồm hợp tác hạt nhân quân sự. Trong những năm sau đó, hai nước ký 4 thoả thuận cơ sở để thúc đẩy hợp tác quân sự và tiếp cận những vũ khí phức tạp. Những thoả thuận này cũng không bao gồm công nghệ hạt nhân quân sự.

Srinath Raghavan, giáo sư về lịch sử và quan hệ quốc tế tại ĐH Ashoka, cho rằng kỳ vọng Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân quân sự với Ấn Độ là điều không thực tế.

“Vì sao chúng ta chờ đợi Mỹ chia sẻ công nghệ như vậy? Ấn Độ không phải đồng minh hay ràng buộc với Mỹ bằng bất kỳ hiệp ước nào”, GS Raghavan nói. Ông lưu ý rằng Úc là đồng minh thân thiết của Mỹ suốt từ Thế chiến thứ 2.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ trở nên gần gũi hơn từ năm 2000, nhưng quan hệ an ninh và chiến lược giữa Washington với London và Canberra phát triển hơn nhiều, các nhà phân tích đánh giá.

“Đó là chính trị thông thường. Mỹ đã bỏ qua cả đồng minh như Pháp thì thật ngớ ngẩn nếu Ấn Độ coi đây là sự khinh suất”, ông Raghavan đánh giá.

Navtej Sarna, đại sứ Ấn Độ tại Washington từ năm 2016 – 2018, lưu ý rằng Mỹ trước đây mới chỉ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân với Anh, còn Úc là thành viên trong liên minh an ninh với Mỹ và New Zealand, mang tên ANZUS.

“Tôi không nghĩ nên so sánh quan hệ giữa Mỹ với Ấn Độ và Úc”, ông Sarna nói.

Cựu đại sứ này cho rằng Ấn Độ nên tính đến tác động của AUKUS ở Ấn Độ - Thái Bình Dương . “Nếu khuôn khổ đó giúp chống lại Trung Quốc, Ấn Độ sẽ hưởng lợi”, ông Sarna nói.

Các chuyên gia nói rằng việc thông báo thành lập AUKUS trước thềm thượng đỉnh của "Bộ tứ" gửi tín hiệu rõ ràng rằng đó sẽ là “biện pháp răn đe đối trọng với Trung Quốc”.

Giúp đỡ của Nga

Sudarshan Shrikhande, một đô đốc hải quân Ấn Độ đã nghỉ hưu, cho biết sau cuộc chiến biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc năm 1962, New Delhi đã tiếp cận Mỹ để đề nghị Washington giúp chế tạo hạm đội tàu ngầm, nhưng Mỹ không sẵn sàng giúp. Kết quả là Ấn Độ quay sang Liên Xô.

“Trong thời gian 1963-1964, bộ trưởng quốc phòng đã dẫn đầu một phái đoàn sang Mỹ về việc chế tạo hạm đội tàu ngầm, nhưng người Mỹ từ chối, nói rằng hãy sang Anh. Người Anh cung cấp cho chúng tôi những tàu ngầm rất cũ và lỗi thời, sau đó chúng tôi chuyển sang Nga và mua tàu kiểu 641”, ông Shrikhande kể.

Cựu đại sứ Sarna cho biết Ấn Độ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Nga vì sự sẵn sàng, dễ tiếp cận, giá cả, quan hệ ngoại giao và sự thân thuộc với các hệ thống và vũ khí của Nga.

“Trong những năm đó, Mỹ và Ấn Độ không phải lúc nào cũng cùng quan điểm trong các vấn đề quốc tế”, ông Sarna nói về chuyện hầu hết các nước phương Tây nghĩ rằng Ấn Độ nghiêng về Nga trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ấn Độ mua tàu ngầm hạt nhân đầu tiên bằng tiền vay từ Liên Xô năm 1988. Năm 2012, Ấn Độ thuê một tàu ngầm hạt nhân khác của Nga trong 10 năm, nhưng trả lại vào tháng 6 vừa qua vì lỗi kỹ thuật.

Delhi giờ đang chờ tàu ngầm hạt nhân thứ ba từ Nga, dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2026. Hiện tại hải quân Ấn Độ có 17 tàu ngầm, gồm 1 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng động cơ hạt nhân được chế tạo nội địa INS Arihant, cùng 16 tàu ngầm điện diesel.

Thoả thuận AUKUS làm dấy lên tranh luận về tầm quan trọng của các tàu ngầm tấn công chạy bằng nhiên liệu hạt nhân đối với nền quốc phòng của Ấn Độ. Ông Shrikhande cho rằng các tàu ngầm hữu dụng vì khả năng giấu mình, năng lực tiếp cận, sức chịu đựng và sử dụng vũ khí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại