Hiện vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào được đưa ra và chương trình hiện vẫn đang được Bộ Quốc phòng Ấn Độ thẩm định để có quyết định cuối cùng.
Ảnh chụp tên lửa Nirbhay của Ấn Độ
Dự án tên lửa Nirbhay của Ấn Độ được khởi động từ năm 2004 và theo kế hoạch ban đầu, tên lửa sẽ ra mắt vào cuối năm 2016. Nirbhay là một loại tên lửa hành trình đối đất, có thể đạt tốc độ từ Mach 0,6 đến 0,7 và mang theo một đầu đạn nặng 300 kg.
Kể từ tháng 3/2013 đến nay, đã có ba cuộc phóng thử Nirbhay được tiến hành nhưng đều bị coi là thất bại.
Báo The New Indian Express viết về dự án Nirbhay như sau: “Nó đã gặp rất nhiều khó khăn khi các nhà khoa học vẫn chưa thể sửa chữa hệ thống phần mềm định hướng và điều khiển đường bay, trong khi phần cứng cũng có những lỗi kỹ thuật”.
Trong lần phóng thử diễn ra vào ngày 21/12 tại đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bang Odisha (Ấn Độ), các nhà khoa học phụ trách đã buộc phải phá hủy tên lửa khi đang bay do nó đã bất ngờ đi chệch hướng.
“Động cơ đẩy tầng thứ nhất của Nirbhay đã hoạt động một cách trơn tru. Tên lửa được phóng đi thành công, nhưng chỉ 2 phút sau nó bắt đầu nghiêng về một phía”, một nguồn tin của DRDO nói. “Chúng tôi không thể xác định được nguyên nhân của vấn đề và lần phóng tên lửa này đã thất bại”.
Nhiều nhà phân tích đã bày tỏ sự bất bình khi quân đội Ấn Độ muốn có thêm một loại tên lửa hiện đại trong bối cảnh tên lửa siêu thanh BrahMos, một loại vũ khí do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo, có thể đạt tốc độ Mach 3 và có thể phóng từ bất kỳ phương tiện nào, đã được đưa vào sử dụng.
Mặc dù vào thời điểm hiện tại, BrahMos có tầm bắn ngắn hơn Nirbhay với chỉ 290 km, song vào tháng 10 vừa qua, Ấn Độ và Nga đã nhất trí để cải tiến nâng cao tầm bắn của tên lửa này, qua đó cho phép nó có thể bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách 600 km.