Cũng theo ông Parrikar, Ấn Độ sẽ chọn ra đối tác phù hợp để chế tạo máy bay dựa trên những điều kiện liên quan đến chi phí và chuyển giao công nghệ.
Máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ trong một cuộc diễn tập vào năm 2011
Dự kiến cuộc đấu thầu sẽ được tổ chức vào năm 2018, và một công ty tư nhân của Ấn Độ sẽ được chọn để hợp tác với hãng nước ngoài. Các quan chức sau đó sẽ tiến hành đánh giá các điều kiện về kỹ thuật cũng như tài chính. Quá trình này được cho là sẽ kéo dài ít nhất 2 năm, và dự kiến thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký kết vào năm 2021.
Hãng Saab của Thụy Điển sẽ đề xuất mẫu máy bay chiến đấu Gripen của mình, trong khi tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sẽ đưa ra phiên bản Block 70 của mẫu máy bay F-16 lừng danh. Ngoài ra, một số hãng nước ngoài khác cũng đang được xem xét.
Một tướng lĩnh cấp cao của Không quân Ấn Độ cho biết: “Trong vòng 4 tháng tới chúng tôi sẽ gửi đề xuất mới liên quan đến chương trình phát triển máy bay tới Bộ Quốc phòng Ấn Độ và sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ”.
Người này nói thêm, “Không quân Ấn Độ mong muốn có 200 máy bay chiến đấu một động cơ được sản xuất tại Ấn Độ, mỗi chiếc nhiều khả năng sẽ tiêu tốn khoảng 45 triệu USD, chưa kể vũ khí đi kèm”.
Sức mạnh của Không quân Ấn Độ đang ngày càng bị suy yếu khi họ chỉ có khoảng 34 phi đội máy bay sẵn sàng chiến đấu, trong khi đó chính phủ nước này yêu cầu rằng tối thiểu lực lượng không quân phải có 45 phi đội để đề phòng Pakistan và Trung Quốc. Thêm vào đó, lực lượng này đang muốn thay thế các phi cơ MiG-21 và MiG-27 đã có tuổi.
Ông Parrikar cũng tuyên bố rằng 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp sẽ được cung cấp cho Ấn Độ sau khi hai nước đã ký kết một thỏa thuận vào tháng 9 vừa qua, có giá trị gần 9 tỉ USD. Khi đó, ông Parrikar phát biểu: “Rafale là một loại máy bay chiến đấu lợi hại và sẽ nâng cao khả năng chiến đấu của Không quân Ấn Độ”.
Hãng tin BBC đã dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande rằng thỏa thuận này “là dấu son công nhận khả năng cũng như tính cạnh tranh của nền công nghiệp hàng không Pháp bởi một cường quốc quân sự lớn trên thế giới”.