Ấn Độ trước đó đã cảnh báo sẽ thu hồi quyền miễn trừ ngoại giao nếu Canada không tuân thủ yêu cầu về sự bình đẳng trong nhân sự ngoại giao. Thủ tướng Justi Trudeau hôm qua chỉ trích động thái của Ấn Độ có thể khiến cuộc sống của hàng triệu người ở cả 2 nước trở nên khó khăn hơn.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và người đồng cấp Canada Trudeau trong 1 lần gặp gỡ trước đây. Ảnh: ANI.
Cùng với việc cắt giảm khoảng 2/3 số nhân viên ngoại giao ở Ấn Độ, Canada cũng tạm thời đình chỉ các dịch vụ trực tiếp tại các lãnh sự quán ở Bengaluru, Chandigard và Mumbai. Trong khi đó, Cơ quan phụ trách di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC) giảm số nhân viên tại Ấn Độ từ 27 xuống còn 5 người, đồng thời cảnh báo thời gian xử lý thị thực có thể bị ảnh hưởng. Trước đó, Ấn Độ đã tạm thời ngừng thủ tục cấp thị thực tại Canada.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Canada đang rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ những năm 1980 sau khi nhà lãnh đạo Canada hồi tháng trước công khai cáo buộc Ấn Độ có liên quan tới vụ sát hại một thủ lĩnh một phong trào ly khai người Sikh tại Ấn Độ. Ấn Độ đã bác bỏ cáo buộc của Canada, cho đó là “vô lý và có động cơ”.
Hai bên không ngừng “lời qua tiếng lại” và những động thái ngoại giao đáp trả đã bắt đầu có tác động tới người dân, đặc biệt lá sinh viên. Ước tính, khoảng 2 triệu người Canada (5% dân số) có gốc gác Ấn Độ, trong khi sinh viên Ấn Độ chiếm số lượng đông nhất (40%) trong số các sinh viên nước ngoài học tập tại Canada.
Một số sinh viên tại Ấn Độ chia sẻ: “Dịch vụ lãnh sự nên được mở. Việc dịch vụ lãnh sự chỉ được mở tại một nơi sẽ gây lo lắng cho những sinh viên muốn ra nước ngoài học tập.”
"Chi phí làm thủ tục ngày càng tăng, trong khi thời gian làm thủ tục xin thị thực cũng tăng lên và những người chịu ảnh hưởng chính là sinh viên.”
Thủ tướng Canada Trudeau hôm qua chỉ trích động thái của Ấn Độ là chưa từng có tiền lệ và không hợp lý, có thể gây khó khăn cho cuộc sống của hàng triệu người dân hai nước bởi việc đi lại, giao thương và học tập của họ sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, bước đi là phù hợp với Điều 11.1 của Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao. Nước này đồng thời bác bỏ mọi nỗ lực coi việc thực hiện bình đẳng trong quan hệ ngoại giao là vi phạm chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên trước những lo ngại rằng căng thẳng về mặt ngoại giao sẽ lan sang lĩnh vực thương mại, đầu tư, các nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ấn Độ cho biết nước này không có kế hoạch áp đặt hạn chế nhập khẩu hay đầu tư từ Canada. Trước đó, cả Ấn Độ và Canada cũng đều bác bỏ ý tưởng về việc huỷ bỏ quan hệ quốc phòng.
Tướng quân đội hàng đầu Ấn Độ Abhinaya Rai nhấn mạnh: "Những tranh cãi giữa Ấn Độ và Canada về vụ sát hại thủ lĩnh ly khai người Sikh không ảnh hưởng đến quan hệ quốc phòng 2 nước. Một phái đoàn quân sự Canada sẽ tới đây. Và cũng giống như ngay cả khi chúng tôi xem xét các mối quan hệ với một số nước láng giềng, nhưng chúng tôi vẫn giao tiếp với họ ở mọi cấp độ, có thể là cấp độ quân sự hoặc ngoại giao. Quan hệ quân sự giữa Ấn Độ và Canada vẫn tiếp tục.”
Mỹ và Anh hôm qua đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Canada. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho rằng, việc giải quyết những khác biệt cần có các nhà ngoại giao tại hiện trường, đồng thời kêu gọi Ấn Độ và Canada hợp tác trong các cuộc điều tra về vụ sát hại thủ lĩnh ly khai người Sikh.