Ấn Độ cần nói rõ với Trung Quốc lập trường trên Biển Đông

Anh Tú |

Biển Đông là vùng biển khá xa Ấn Độ về mặt địa lý nhưng có liên hệ chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế và vị thế của nền dân chủ lớn nhất thế giới - theo cách nói của báo chí phương Tây.

Trước giờ, Ấn Độ luôn khẳng định sự quan tâm của họ đến tình hình Biển Đông. Tuy nhiên, New Delhi tránh đưa ra quan điểm mang tính đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong khu vực này.

Ấn Độ chỉ ngầm ủng hộ các nước ở Đông Nam Á khi yêu cầu tự do hàng hải được đảm bảo, phản đối các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông (ám chỉ sự hung hăng của Trung Quốc). Nhưng đã đến lúc Ấn Độ cần làm rõ hơn lập trường của mình.

Hôm 12.8, khi Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị tới Goa trong chuyến công du Ấn Độ 3 ngày, ông đã ngạo mạn tuyên bố rằng Ấn Độ cần quyết định nên đặt chân vào đâu trong vấn đề Biển Đông.

Trước khi Vương Nghị tới Ấn Độ thì Hoàn Cầu thời báo cũng đưa ra những đe nẹt phía Ấn Độ khi khẳng định rằng nếu Ấn Độ chọn thế đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì sẽ làm tổn hại quan hệ song phương và đặc biệt là giao dịch thương mại giữa hai nước.

Hoàn cầu khuyên New Delhi “thay vì vướng mắc không cần thiết với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông thì nên tập trung tạo ra không khí lành mạnh cho hợp tác kinh tế”.

Giới quan sát Ấn Độ thì cho rằng kiểu lên gân của Bắc Kinh chỉ ra một điều là họ đang sợ hãi. Trung Quốc sợ hãi Ấn Độ sẽ ngả về phía Mỹ để lên án Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại hội nghị G20 tại Hàng Châu vào tháng 9 tới đây.

Giới phân tích ở Ấn Độ tin rằng nhất định Mỹ sẽ tấn công Trung Quốc về phương diện pháp lý trong cái gọi là đường 9 đoạn trên Biển Đông.

Nếu Ấn Độ ngả về Mỹ cùng các nước yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA thì rất kẹt cho Bắc Kinh. Do đó, họ muốn lôi kéo Ấn Độ về phía mình bằng chiêu bài kinh tế.

Nhưng trang Daily O phân tích rằng giới tinh hoa ở Ấn Độ đã nhận ra 3 điều mà New Delhi nhất định không được ủng hộ Trung Quốc trên Biển Đông.

Thậm chí, cần phải có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên Biển Đông thay vì chỉ gắng đóng vai trung lập như hiện giờ.

Trước hết, giao thương kinh tế của Ấn Độ với Thái Bình dương đang phát triển nhanh. Bản thân Ấn Độ cũng ý thức điều này và có chính sách hướng Đông trong phát triển kinh tế.

Do vị trí quan trọng của Biển Đông với mạch hàng hóa giao thương của Ấn Độ nên nó có tiếng nói quyết định trong phát triển kinh tế của Ấn Độ. Nếu an ninh Biển Đông bị đe dọa thì nền kinh tế, tương lai của Ấn Độ cũng bị đe dọa.

Thứ hai, New Delhi cần phải cho Bắc Kinh thấy tranh chấp ở Biển Đông là phép thử cho luật biển quốc tế. Với tầm vóc của một quốc gia hướng ra biển thì Ấn Độ phải có nghĩa vụ bảo vệ các nguyên tắc hàng hải theo công ước biển của LHQ.

Việc hải quân Trung Quốc khoe cơ bắp ở Biển Đông là điều Ấn Độ phải lên tiếng rõ ràng, không thể coi như không trông thấy.

Thứ ba, giới tinh hoa Ấn Độ lo ngại rằng nếu để Trung Quốc thâu tóm Biển Đông thì sẽ dẫn đến cái họa lớn cho Ấn Độ sau này.

Ấn Độ luôn cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ dương khi tìm cách thiết lập chuỗi ngọc trai bao quanh Ấn Độ.

Biển Đông là bàn đạp để Trung Quốc vươn tầm ảnh hưởng ra Ấn Độ Dương, không chỉ là địa lý mà còn là cán cân quyền lực trong khu vực.

Ấn Độ được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc về dân số và có thể là kinh tế trong tương lai. Ấn Độ không được tỏ ra yếu thế trước Trung Quốc trong những vấn đề quốc tế.

Ngoại trưởng Trung Quốc ngại đề cập Biển Đông

Hãng ANI News đưa tin Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 13.8 đã có cuộc thảo luận kéo dài 3 giờ đồng hồ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về các vấn đề song phương, những diễn tiến ở khu vực và toàn cầu, cũng như việc chuẩn bị cho cuộc họp nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sắp tới.

Tại cuộc gặp, tình hình về biên giới hai nước cũng được xem xét và các biện pháp bổ sung để thúc đẩy hòa bình ở khu vực này cũng được thảo luận. Ngoại trưởng Ấn Độ cũng chuyển tới phía Bắc Kinh những quan ngại của New Delhi về Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan.

Một số vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có những tác động của việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), tình hình trên bán đảo Triều Tiên, HĐBA và hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), hội nghị cấp cao Đông Á, hội nghị BRICS... cũng nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông lại không được phía Trung Quốc đề cập.

Theo TTXVN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại