Chiều 22/5, các cơ quan chức
năng tỉnh Bình Thuận có buổi làm việc với thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Lê
Đình Thọ về vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào sáng cùng ngày khiến 12 người tử
vong.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thông tin, đoạn đường xảy ra vụ tai nạn là một điểm "đen" về tai nạn giao thông. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, tại đoạn đường dài 8 km từ của quốc lộ 1 từ Km 1722 + 300 đến Km 1730 + 300, thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 26 người tử vong và hàng chục người khác bị thương.
Xe khách BKS 86B 002.84 bị tông biến dạng khiến 10 người tử vong ngày 9/2/2015
Mới đây nhất, khoảng 4h15 ngày
22/5, xe giường nằm của hãng Phương Trang chạy hướng Quảng Ngãi – TP HCM, khi
đến Km1730 đã tông trực diện vào xe giường nằm của hãng Sơn Quy, biển số 38N –
5577 chạy ngược chiều. Ngọn lửa bùng lên, thiêu rụi 2 xe khách.
Cùng lúc này, xe tải biển kiểm
soát tỉnh Bình Thuận chạy hướng Nam – Bắc không xử lý kịp tình huống đã tông
vào 2 xe khách đang bốc cháy. Hậu quả, vụ tai nạn liên hoàn khiến 12 người tử
vong và 40 người khác bị thương.
Cách đó vài tuần, lúc 5h30
ngày 9/5 đã xảy ra va chạm giữa 2 xe tải làm 2 người thiệt mạng.
Trước đó, khoảng 1h30 ngày
9/2/2015, xe khách biển số TP HCM chạy hướng ra Bắc. Khi đến Km1726 đã va chạm với xe khách BKS
86B 002.84 chạy
chiều ngược lại. Vụ tai nạn này làm 10 hành khách trên 2 xe tử vong và 9 người
khác bị thương. Đến 16h10 ngày 12/11/2015, tại Km1729 tiếp
tục xảy ra tai nạn giữa xe container và 2 xe máy khiến 2 người chết.
Hiện trường một vụ xe tải đối đầu nhau tại "cung đường tử thần".
Ngày 23/5, phóng viên báo Tri Thức Trẻ đã có mặt tại cung đường được mệnh danh là "điểm đen" về tai nạn giao thông này. Người dân nơi đây vẫn chưa hết hãi hùng khi kể về những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại "cung đường tử thần".
Ông Nguyễn Văn Hai (68 tuổi, ngụ xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam) chi biết, do làm nghề chạy xe ôm nên thường xuyên chứng kiến những vụ tai nạn xảy ra.
"Tai nạn xảy ra suốt, lúc thì
ôtô, khi thì xe máy, người chết rất nhiều khiến tôi rất ám ảnh. Mấy chục năm chạy
xe ôm, tôi không thể nhớ hết những vụ tai nạn đã xảy ra, nhưng phần lớn đều xảy
ra vào thời điểm rạng sáng.
Tháng 2 năm ngoái, tôi đã rất kinh hoàng khi nhìn thấy thi thể các nạn nhân không còn nguyên vẹn được đưa ra từ 2 xe khách. Nghĩ rằng đó là thứ hãi hùng nhất nhưng hôm qua, một lần nữa tôi lại nhìn thấy các thi thể cháy xém được đưa ra từ 2 xe giường nằm", ông Hai ngậm ngùi.
Người đàn ông này cho biết, các phương tiện lưu thông qua đây, đặc biệt là các loại xe tải, xe khách, container chạy với tốc độ cao, lấn làn, thậm chí là đua nhau trên đường.
Trong khi đó, ông Lê Hùng Bỉnh
(48 tuổi, nhà đối diện vụ tai nạn ngày 22/5) cho rằng, đoạn đường này khá nhỏ, mỗi
chiều chỉ có một làn cho xe ôtô. Trong khi đó, cung đường có nhiều khúc quanh,
khuất tầm nhìn. Do sống cạnh quốc lộ, ông Bỉnh kể hàng ngày chứng kiến cảnh các
xe vượt nhau với tốc độ kinh hoàng trên đường.
Chị Nguyễn Thị Hằng, bán nước
mía gần quốc lộ 1 cho biết, một phần do cung đường này không có dải phân cách.
Nếu có dải phân cách sẽ hạn chế tình trạng các phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu
và sẽ giảm bớt tai nạn.
"Chạy xe máy ngoài đường, mặc
dù đã đi sát lề nhưng thi thoảng một vài ôtô vẫn vượt mặt, ép xe máy. Cùng với
việc thường xuyên chứng kiến tai nạn nên chúng tôi rất sợ mỗi khi xách xe ra
đường", chị Hằng hãi hùng kể.
Trước những hiểm họa từ "cung
đường tử thần" này, tại buổi làm việc chiều 22/5 với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận,
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã yêu cầu Tổng cục đường bộ nhanh chóng rà soát lại hệ
thống cọc tiêu, biển báo và xem xét lắp đặt dải phân cách cứng, hạn chế tình
trạng đối đầu giữa các phương tiện.
Mặc dù có biển cấm vượt nhưng một chiếc xe khách vẫn vi phạm.
Trao đổi với phóng
viên, ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết: Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam khá nhỏ, chỉ có 4 làn xe, trong đó mỗi một
chiều lưu thông có một làn cho xe cơ giới và một làn cho xe thô sơ.
Đường nhỏ
khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ cao xảy
ra tai nạn. Thực tế, tình trạng tai nạn giao thông qua địa bàn huyện Hàm Thuận
Nam cao hơn so với các huyện khác thuộc tỉnh Bình Thuận.
"Đoạn đường này đã được sửa chữa nâng cấp mặt đường, nhưng chưa mở rộng. Đồng thời, hệ thống cọc tiêu, biển báo, sơn vạch kẻ đường, gờ giảm tốc đã được thiết kế tại để đảm bảo an toàn giao thông", ông Nam nói.
Theo vị Giám đốc Sở GTVT, không chỉ "cung đường tử thần" mà cả đoạn quốc lộ 1 từ huyện Hàm Thuận Nam vào đến hết huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có tổng chiều dài gần 100 km, đường nhỏ, lại có nhiều khúc cua. Trong khi đó, lượng phương tiện lưu thông qua đoạn đường này ngày càng gia tăng nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ông Nam khuyến cáo các tài xế khi lưu thông qua đây cần chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đặc biệt là về tốc độ. Ông Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét dải phân cách, vì nếu không có dải phân cách thì tình trạng đối đầu giữa các phương tiện sẽ tiếp tục xảy ra, đồng thời mở rộng mặt đường qua khu vực này.
Về lâu dài, vị Giám đốc Sở GTVT đề nghị sớm triển khai dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết để giảm tải lượng phương tiện cho quốc lộ 1, góp phần giảm tình trạng tai nạn giao thông.