Nằm ở sườn Tây Bắc của ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng, rừng Aokigahara - Nhật Bản vốn ẩn giấu những hang băng độc đáo, hấp dẫn.
Thế nhưng, trong nửa thập kỷ qua, khu rừng “u ám bẩm sinh” này lại được cả thế giới biết tới vì sức hút của nó với... những người tự tử.
“Hẹn hò” tử thần
Rừng Aokigahara thuộc tỉnh Yamanashi chính là nơi được nhiều người chọn nhất để thực hiện “cuộc hẹn” với thần chết.
Khu rừng nguyên sinh rộng 35 km2 này được cho là địa điểm xảy ra nhiều vụ tự tử thứ 2 trên thế giới, chỉ sau cầu Cổng Vàng ở San Francisco - Mỹ.
Trước những năm 1990, mỗi năm có khoảng 30 người tự tử được ghi nhận trong khu rừng ken đặc cây cỏ hiếm khi ánh sáng mặt trời tìm tới được mặt đất này. Vào năm 2004, con số chết chóc lên tới 108 người.
Giới chức địa phương nhiều năm nay đã ngừng công bố số người tự tử nhưng theo ghi nhận được tiết lộ gần đây nhất từ cảnh sát vào năm 2010, tổng cộng 247 trường hợp tìm tới nộp mạng cho thần chết, 54 trong số đó được phát hiện quá trễ. Con số thực tế có thể còn cao hơn.
Đa số những thi thể được tìm thấy trong tư thế treo cổ. Một số trường hợp uống rượu tới mức ngộ độc hoặc dùng thuốc ngủ quá liều…
Đến nay, vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi tại sao rừng Aokigahara lại thu hút nhiều người tới kết liễu cuộc đời đến thế.
Khu rừng mang cái tên có nghĩa là biển cây này được tin là nơi từng diễn ra tục “ubasute” trong thời đói kém hồi thế kỷ XIX.
“Ubasute” có nghĩa là “bỏ rơi người già”, nói tới chuyện những năm mất mùa, đói kém, những người già hay tàn tật trong gia đình được đưa vào rừng hoặc nơi xa xôi hẻo lánh để chết một mình.
Theo truyền thuyết, hành động tới nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi này lúc bấy giờ được thực hiện theo chỉ dụ của các quan chức phong kiến.
Ngày nay, người dân Nhật vẫn hay lưu truyền truyền thuyết “Ubasuteyama” kể về một cụ bà bị con trai đưa lên núi.
Dù biết sẽ bị bỏ lại nơi cô quạnh, người mẹ vẫn miệt mài bẻ những cành cây làm dấu trên đường đi để chắc chắn con trai tìm được đường về làng an toàn.
Câu chuyện dường như hướng nhiều hơn tới sự khơi gợi yêu thương và kính trọng của con trẻ với người lớn tuổi trong một xã hội mà thế hệ trẻ được cho là chỉ còn biết nghĩ tới bản thân.
Bức tượng nhỏ dành để tiễn biệt người thân đã khuất trong rừng Aokigahara Ảnh: NEW YORK TIMES
Trong khi đó, có những truyền thuyết rùng rợn hơn nói rằng rừng Aokigahara là sự chuộc tội của “yurei” - tức hồn ma của những người chết yểu hoặc đột tử.
Từ đó, một số người địa phương tin rằng gốc cây trong rừng ẩn chứa những nguồn năng lượng tiêu cực thôi thúc con người tự tử.
Người ta cũng rỉ tai nhau những câu chuyện về “ma quỷ” trong rừng đưa đường dẫn lối cả những người tỉnh táo tới địa ngục.
Thế lực siêu nhiên này cũng bị đổ lỗi cho hiện tượng sóng điện thoại di động, thiết bị định vị GPS, thậm chí cả la bàn, thường “tê liệt” khi vào rừng.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nguyên nhân xuất phát từ lòng đất của khu rừng vốn dày đặc quặng sắt mang từ trường.
“Nơi hoàn hảo để chết”
Nhiều người “đổ trách nhiệm” cho cuốn tiểu thuyết “Tower of Wave” (tạm dịch: Tháp sóng) xuất bản năm 1960, trong đó đôi bạn trẻ bị cấm đoán tình yêu đã tìm tới cái chết trong rừng Aokigahara.
Khu rừng tiếp tục được mô tả là “nơi hoàn hảo để chết” trong cuốn “Cẩm nang đầy đủ về tự tử” in năm 1993 của tác giả Wataru Tsurumi. Cả 2 cuốn sách này thường được tìm thấy cạnh những thi thể trong cánh rừng.
Khu rừng bí hiểm mới đây tiếp tục tạo cảm hứng cho bộ phim kinh dị Mỹ “The Forest” ra mắt đầu năm 2016, kể về cô gái vào rừng Aokigahara để tìm lại người chị em song sinh mất tích và khám phá những bí mật rợn người.
Ngôi sao Natalie Dormer, nữ diễn viên chính trong phim, đã đích thân đi sâu vào khu rừng để trải nghiệm trước khi bộ phim khởi quay.
Cô đào 34 tuổi cho biết khi chứng kiến sự tôn kính, coi Aokigahara như đất thánh của những cư dân xung quanh, cô đã phần nào hiểu được tại sao chính quyền địa phương nghiêm cấm các đoàn làm phim tới đây.
“Bước vào khu rừng rất nhiều người đã tới mà không có ý định trở ra hẳn không khỏi khiến tôi nặng nề. Điều lý thú là ngay đến cả anh tài xế người Nhật đưa tôi tới cũng không dám bước vào rừng dù chỉ là nửa mét” - Dormer kể.
Chính đạo diễn của bộ phim, ông Jason Zada, cũng có một trải nghiệm ám ảnh trong chuyến tham quan khu rừng Aokigahara.
“Khi mặt trời lặn, chúng tôi rời khỏi khu rừng, người dẫn đường liền đề nghị: “Tôi rắc chút muối sau lưng các vị rồi các vị cũng làm thế cho tôi được không?”.
Anh ta giải thích “hồn ma yurei” sẽ bám vào lưng của những người tới đây và theo về nhà, thế nên rắc muối sẽ xua đuổi được chúng.
Từ đó, tôi như bị ám ảnh bởi một hình ảnh lạ lùng khó tin rằng yurei có thể đeo bám người ta về nhà” - vị đạo diễn nhớ lại.
Ngay cả khi không có chuyện “yurei ám”, tiếng rên xiết cuối cùng trước khi chết vô tình lọt vào tai cũng đủ gây ám ảnh cả đời - như trong lời kể của du khách tên Rob Gilhooly trong bài viết trên báo Japan Times.
Để tránh phải chứng kiến những cảnh tượng như vậy, du khách được khuyến cáo đi đúng theo chỉ dẫn và đừng quá tò mò.
"Tuần tra tự tử"
Từ năm 1971, các tình nguyện viên đã cứu không ít người nhờ những cuộc "tuần tra tự tử" thường xuyên.
Các nhà chức trách còn cho gắn camera an ninh tại những lối vào rừng Aokigahara. Dân làng xung quanh cũng cố gắng để mắt những "đối tượng đáng nghi" để kịp thời ngăn cản. Ngay cả những người lỉnh kỉnh vác đồ cắm trại đi vào rừng cũng khó tránh sự nghi ngại.
Một chủ tiệm cà phê gần khu rừng nói rằng ông đã cứu mạng 160 người trong hơn 3 thập kỷ qua, theo Mirror.
Nhiều biển báo cũng được dựng lên ở các lối đi xuyên suốt khu rừng với những nhắn nhủ: "Hãy suy nghĩ đến con cái và gia đình" hay "Mạng sống của bạn là món quà quý giá cha mẹ trao cho".