Ám ảnh hàng loạt vụ ôm con tự tử: Khi những đứa trẻ vô tội phải hứng chịu cái chết thương tâm

Chi Lê |

Vì rất nhiều lý do khác nhau, mà những người cha, người mẹ đã ôm, thậm chí là ép những đứa con ngây thơ, vô tội tìm tới cái chết một cách đau đớn và đầy ám ảnh.

Những vụ việc ám ảnh

Mới đây, vào khoảng 11h ngày 17/5, một số người dân khi lưu thông trên cầu Cửa Đại (nối TP. Hội An và huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã nhìn thấy một người đàn ông điều khiển xe máy BKS 29E1-780.14 chở theo một bé gái chừng 6 tuổi, dừng tại khu vực giữa cầu.

Sau một chút tần ngần, người đàn ông này ôm theo cháu nhỏ nhảy xuống sông Thu Bồn trước sự hoảng hốt của nhiều người chứng kiến.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng cứu hộ cùng người dân địa phương đã tập trung tìm kiếm. Tới 12h cùng ngày, thi thể người đàn ông được tìm thấy cách hiện trường chừng 200m. Hai nạn nhân trong vụ việc trên là hai cha con hiện đang tạm trú tại TP Đà Nẵng. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang triển khai lực lượng nỗ lực tìm kiếm cháu nhỏ. Nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng trên bước đầu được xác định do mâu thuẫn chuyện gia đình.

Điều đáng nói, đây không phải là sự việc hy hữu. Trước đó, vào ngày 8/5, chị V.T.H.T (giáo viên mầm non tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã đưa 2 con (một cháu 9 tháng tuổi và 1 cháu 2 tuổi) đi khỏi nhà. Sau đó, người thân, đồng nghiệp của chị T nhận được nhiều tin nhắn của chị với nội dung khá tiêu cực, nên vội vã đi tìm. Sau gần 2 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cả 3 mẹ con chị T trên sông Thái Bình.

Ám ảnh hàng loạt vụ ôm con tự tử: Khi những đứa trẻ vô tội phải hứng chịu cái chết thương tâm - Ảnh 1.

Chiếc xe nôi tại hiện trường vụ cô giáo mầm non ôm 2 con nhảy sông tự tử trên sông Thái Bình

Hay vụ việc xảy ra tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, chị L.T.T (SN 1985) đèo 2 con trai (sinh năm 2009 và 2015) bằng xe máy, nói đi mua quần áo cho con. Sau đó, chị T đi về hướng đầu huyện Tiên Lãng. Lên cầu, chị cho con ăn cháo rồi ôm hai con nhảy cầu.

May mắn thay, con lớn của chị T là cháu V.A.T (SN 2009) đã đẩy mẹ ra chạy thoát. Chị T ôm con nhỏ còn lại nhảy xuống sông, để lại thư tuyệt mệnh trong cốp xe.

Hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy bày tỏ quan điểm: Có rất nhiều yếu tố dẫn tới những câu chuyện đau lòng trên. Nguyên nhân thứ nhất có thể kể đến những vấn đề tồn tại trong cuộc sống gia đình như: Chồng (vợ) ngoại tình, bản thân mắc bệnh nan y, con cái khiếm khuyết… khiến những người trong cuộc cảm thấy bế tắc, không thiết sống và tìm tới những lối thoát theo chiều hướng tiêu cực.

Lý do thứ 2 phải kể tới đó là do áp lực kinh tế đè nặng lên mỗi cá thể, mỗi gia đình. Nhất là trong 2 năm trở lại đây, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hoành khiến nền kinh tế thế giới nhiều thời điểm gần như tê liệt, tình trạng thất nghiệp tràn lan khiến chất lượng cuộc sống người dân rơi vào tình cảnh khốn khó. Dịch bệnh vô hình chung trở thành giọt nước tràn ly đối với nhiều người, khiến họ dễ dàng hơn khi nghĩ tới cái chết.

Nói về khía cạnh tại sao khi rơi vào tình cảnh bế tắc trước cuộc sống thực tại, nhiều người cha (mẹ) lại ôm theo con cùng tìm tới cái chết, bà Túy cho biết thêm: Có thể giải thích đó là do yếu tố tâm linh. Bởi những người cha, người mẹ ôm theo con tìm tới cái chết, có lẽ bởi họ nghĩ rằng nếu để con ở lại với cuộc sống hiện tại, không chắc rằng đứa bé đó có thể lớn lên trong hạnh phúc, chi bằng đưa chúng giải thoát cùng mình với hy vọng ở thế giới bên kia sẽ không còn khổ đau.

Tuy nhiên, cũng có những người cha, người mẹ mang theo con chết cùng mình với mục đích khiến người ở lại (người trực tiếp mâu thuẫn với mình) phải chịu sự đau khổ, dằn vặt, day dứt suốt phần đời còn lại. Họ nghĩ rằng đó là một cách trả thù. Đây là một suy nghĩ hết sức lệch lạc, nguy hiểm cần sớm có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời.

Ám ảnh hàng loạt vụ ôm con tự tử: Khi những đứa trẻ vô tội phải hứng chịu cái chết thương tâm - Ảnh 3.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng hành vi cha (mẹ) ôm con tự tử là đáng lên án

Dưới góc độ pháp lý, TS. Ls Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, về bản chất pháp lý thì đây là hành vi tự tử và giết người. Pháp luật Việt Nam không quy định chế tài đối với hành vi tự tử, tự làm đau đớn, hành hạ cơ thể của bản thân mình, nhưng nếu hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy nếu trường hợp người cha, người mẹ ôm con tự tử khiến đứa trẻ chết nhưng cha mẹ không chết thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo điều 123 Bộ luật hình sự. Đây là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác.

Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc. Cho dù nguyên nhân là gì chăng nữa thì hành vi tự tử là yếu hèn, không dám đối mặt với thực tế cuộc sống, thiếu kỹ năng sống và thiếu trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Hành vi tự tử kéo theo con cái còn là hành vi rất đáng lên án, không những tự tước bỏ tính mạng bản thân mà còn tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Để giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy thì vấn đề giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các bậc làm cha, làm mẹ là rất cần thiết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại