1. "Khi bạn ngồi với một cô gái xinh đẹp trong hai giờ, thời gian lướt qua tựa 1 phút. Nhưng khi ngồi trên bếp nóng trong một phút, cảm giác giống như hai giờ. Đó là sự tương đối."
Câu nói trên là một trong những luận cứ bổ sung cho quan điểm của thuyết tương đối. Chúng ta không thể nhìn thoáng qua một sự vật, sự việc mà vội vã phán xét được.
Phải đặt mình vào hoàn cảnh, hệ quy chiếu cụ thể thì mới thấu hết bản chất.
Cũng giống như khi bạn làm một công việc mình yêu thích với mức lương trung bình thôi, 2 năm sẽ trôi qua rất nhanh.
Bởi mỗi sáng thức dậy, bạn đều như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào để đến cơ quan và cống hiến hết mình cho công việc.
Ngược lại, dù cho có mức lương cao mà phải làm công việc mình không yêu thích, đam mê hay thậm chí là nguy hiểm thì 1 tháng làm việc cũng dài tựa 2 năm vậy.
Khi so sánh bản thân với một đồng nghiệp hay bất cứ ai khác, chị em hãy đặt lên bàn cân theo hướng khách quan, tức là biết bản thân mình lẫn đối phương có lợi thế, khó khăn nào. Đừng vội vã đưa ra kết luận bởi "mọi thứ chỉ là tương đối" mà thôi!
2. "Nếu có một tiếng đồng hồ để giải quyết một vấn đề, tôi sẽ bỏ ra 55 phút suy nghĩ về vấn đề và 5 phút suy nghĩ về giải pháp."
Nhiều người thường giữ quan niệm giải pháp sẽ là điều quan trọng hơn thực trạng, nguyên nhân, hậu quả.
Tuy nhiên, giải pháp sẽ khó có thể nghĩ ra nếu như bạn chưa nắm rõ 3 điều trên. Đây là nguyên tắc phổ biến giúp dân công sở tư duy logic và không bị bí ý tưởng trong phòng họp.
Khi sếp đưa ra 1 vấn đề tới nhân viên và yêu cầu họ nêu giải pháp, phần lớn đều tập trung vào nghĩ sao để có nhiều ý tưởng nhất hòng "lấy le" với sếp. Tuy nhiên, chính tư duy nông cạn này đẩy bạn vào bế tắc.
Thay vào đó, hãy tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, đặt câu hỏi cho người khác và chính bản thân để bóc tách nhiều khía cạnh. Sau cùng giải pháp sẽ tự xuất hiện dựa vào sự thấu hiểu bản chất.
3. "Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi. Sự tò mò có lý do riêng của nó."
Những nhà khoa học vĩ đại hay đơn giản chỉ là nhiều doanh nhân thành công, họ luôn luôn thắc mắc và đặt câu hỏi trong cuộc sống.
Một vấn đề nếu chỉ lướt qua trớt quớt thì khó có thể hiểu được, bản thân chúng ta cũng trở nên nông cạn và thiếu chiều sâu.
Thực tế, đặt câu hỏi ở môi trường công sở mang nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ chỉ bằng cách thắc mắc thì bạn mới nắm rõ được quyền lợi, nghĩa vụ của bạn thân.
Hay chỉ bằng cách hỏi sếp, đồng nghiệp thì bạn mới biết mình đang làm tốt, thiếu sót ở điểm nào. Đừng ngại đặt câu hỏi nếu bạn muốn bản thân tốt hơn mỗi ngày, thăng quan tiến chức nhanh chóng.
4. "Nếu A là thành công trong cuộc sống thì A bằng X cộng Y cộng Z. Cụ thể, X là làm việc, Y là chơi và Z là giữ im lặng."
Nhiều người đã phân tích câu nói thấm thía này của Albert Einstein tạo ra vô vàn ý nghĩa khác nhau.
Nhưng điểm chung lớn nhất là trích dẫn trên đã định nghĩa thành công trên 3 phương diện: làm việc, vui chơi và giữ mồm giữ miệng.
Làm việc - ai cũng biết đây là yếu tố quan trọng để thành công. Còn với vui chơi, ý nghĩa của nó thiên về trải nghiệm.
Tức là bạn nên đi ra ngoài thế giới rộng lớn kia để học hỏi, giao lưu với con người, nền văn hoá, tri thức... để biết cuộc đời muôn màu ra sao. Trải nghiệm sống quý báu sẽ giúp chúng ta trưởng thành và ngày càng giỏi giang hơn.
Mặt khác, giữ im lặng mang hàm ý chị em cần cẩn trọng với phát ngôn của mình.
Thậm chí trong nhiều trường hợp, bạn đừng nên nói gì nếu muốn người khác nể trọng. Chẳng hạn như một vài chủ đề cấm kỵ chốn công sở như hỏi lương, hỏi đời tư, nói xấu đồng nghiệp...
5. "Nể trọng chức quyền một cách không suy nghĩ là kẻ thù lớn nhất của sự thật."
Có vẻ như câu nói này dành cho những người sếp ưa nịnh nọt. Họ sẽ cảm thấy vui nếu thường xuyên được nhân viên cấp dưới tâng bốc, khen ngợi.
Tuy nhiên đừng quên, chỉ có nhân viên giỏi giang thực sự và liêm khiết mới dám đánh giá bạn một cách thẳng thắn.
Thay vì áp đặt, hãy thử để cấp dưới thoải mái nói ra suy nghĩ của họ. Như vậy khoảng cách sếp - nhân viên cũng được thu hẹp phần nào.