Ai tác động khiến Trump bất ngờ xoay chiều về chính sách "Một Trung Quốc"?

Hải Võ |

Việc Trump tuyên bố tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" được cho là sự thay đổi bất ngờ và là kết quả nỗ lực "đoàn kết" của một số quan chức trong chính phủ Mỹ.

Sự điều chỉnh lập trường bất ngờ của Trump, được công khai trong thông cáo của Nhà Trắng ngày 9/2 (giờ miền Đông) về cuộc điện đàm giữa tân Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump có cuộc gặp với Ngoại trưởng Tillerson - các quan chức giấu tên nói với Reuters.

Tillerson cùng cố vấn an ninh quốc gia của Trump, tướng về hưu Michael Flynn và một số người khác đã cùng thuyết phục tổng thống - theo cách mà một quan chức chính phủ mô tả là "nỗ lực nhất quán" - rằng "[tôn trọng chính sách 'Một Trung Quốc'] là điều đúng đắn phải làm vì các mối quan hệ và ổn định khu vực".

Cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Flynn với Ủy viên quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì hôm 3/2 cũng được cho là góp phần thúc đẩy diễn biến hòa dịu giữa Bắc Kinh-Washington.

Reuters bình luận, sự "can thiệp" thành công của Rex Tillerson cho thấy trong một chính quyền mà Nhà Trắng đóng vai trò trung tâm, vị tân Ngoại trưởng có tác động rất lớn đến Tổng thống và có thể góp phần điều chỉnh các quyết định ở một số vấn đề địa chính trị.

Ông Tillerson cũng ảnh hưởng lên một số ưu tiên khác của Trump như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đối đầu Iran hay cải thiện các mối liên hệ với Nga.

Ai tác động khiến Trump bất ngờ xoay chiều về chính sách Một Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Tillerson đã trao đổi với Tổng thống Trump, không lâu trước khi Trump có cuộc điện đàm "không được thông báo trước" với Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Sự bất mãn của chính phủ Trung Quốc nhằm vào Trump đã bùng lên từ tháng 12 năm ngoái, khi ông nhận điện từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và tuyên bố Mỹ không bị ràng buộc bởi chính sách "Một Trung Quốc".

Bắc Kinh đã "bắn tín hiệu" đến Washington rằng sẽ không có cuộc điện đàm nào giữa ông Tập với Trump, và quan hệ song phương sẽ không tiến triển chừng nào Trump chưa tái cam kết với chính sách về Đài Loan - một quan chức khác tiết lộ với Reuters.

Các chuyên gia về Trung Quốc ở Mỹ nói sự thay đổi của Trump về "Một Trung Quốc" sẽ giúp giảm căng thẳng và mở đường có các cuộc thảo luận Mỹ-Trung. Nhưng họ lưu ý rằng động thái này không chứng minh Trump sẽ mềm hơn với Bắc Kinh trong các lĩnh vực khác, bao gồm vấn đề biển Đông, đe dọa áp thuế cao lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc, hay đòi Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên.

Tuy vậy, việc Trump thỏa hiệp ở vấn đề được Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi cũng "tạo ra nguy cơ rằng Trung Quốc sẽ nhận định Trump chỉ tuyên bố cứng rắn nhưng có thể dao động nếu họ gây đủ áp lực" - chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ bình luận.

Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận tiếp theo về diễn biến trên.

Theo Reuters, vai trò mới nổi của Ngoại trưởng Tillerson cho thấy ông có thể trở thành một sức ảnh hưởng ôn hòa với cả đối tác và đối thủ của Mỹ - các bên có khả năng bị "gây nhiễu" bởi các tuyên bố cứng rắn và khó đoán của Trump.

Trong vai trò trước đây là CEO hãng dầu khí Exxon Mobil, Tillerson có mối quan hệ khá phức tạp với Bắc Kinh khi thường phải đàm phán với các doanh nghiệp dầu khí quốc doanh của Trung Quốc để bảo đảm lợi ích của Exxon tại châu Á.

Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng 1 để xác nhận tư cách Ngoại trưởng, Rex Tillerson tuyên bố cần ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên biển Đông.

Nhưng trong một thư phúc đáp những câu hỏi sau đó của các nhà lập pháp, ông đã sử dụng ngữ điệu mềm mỏng hơn khi nói Mỹ cùng đồng minh "phải có khả năng hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc" đối với các đảo đá ở biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại