AI sáng tạo ở Việt Nam và tiềm năng kinh tế

Tác giả: GS Trần Thọ Đạt, Nguyễn Thị Thùy Dương (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) |

Kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, mục tiêu đặt ra là chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 với tỷ trọng năm 2023 là 16,5%. Để có thể đạt được mục tiêu này, kinh tế số luôn phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần.

AI năm 2023: phổ cập mọi nhà

Trong báo cáo xu hướng tìm kiếm nổi bật tại Việt Nam 2023, Google đánh giá AI đã trở thành từ khóa và chủ đề nóng. Cạnh tranh của nhiều công ty công nghệ hàng đầu nhằm đưa ứng dụng AI tiếp cận người dùng cuối đang diễn ra và 2023 đánh dấu AI không còn bó hẹp trong cộng đồng nhỏ, khi đã có ứng dụng rộng khắp phục vụ hàng triệu người Việt: viết luận, làm thơ, sáng tác tác phẩm văn học và viết báo cáo, tạo ảnh avatar… AI tạo sinh đang có những bước tiến vượt bậc, ngày càng trở thành công cụ dễ tiếp cận, mở ra hàng loạt xu hướng ứng dụng vào đời sống. Ngay từ tháng 1, khi OpenAI chưa hỗ trợ đăng ký tại Việt Nam, đã có khá nhiều người tìm cách tạo hoặc mua tài khoản để trải nghiệm ChatGPT. 

Theo báo cáo về "Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ" do Oxford Insights thực hiện năm 2022, Việt Nam xếp hạng 55 trong tổng số 181 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, người dùng rất quan tâm đến các nội dung như "trí tuệ nhân tạo ChatGPT", "lợi ích của trí tuệ nhân tạo", "phần mềm trí tuệ nhân tạo"… Các lĩnh vực nổi bật có thể kể đến: ngân hàng đang áp dụng mạnh mẽ AI trong việc định danh điện tử (eKYC) để xác thực, dùng AI chatbox để tư vấn cho khách hàng, VinBigData đã sử dụng AI (VinDr) để giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh tốt hơn trong lĩnh vực y tế. 

Ngoài các ứng dụng đình đám trên thế giới của OpenAI, Microsoft, Google… người dùng cũng tìm hiểu những sản phẩm AI do người Việt Nam làm ra. Năm 2023 chứng kiến sự ra đời của nhiều sản phẩm AI do người Việt làm chủ về công nghệ: FPT ra mắt FPT AI Mentor - cố vấn đào tạo trong doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam; LovinBot công bố 2 sản phẩm là trợ lý viết content AI dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Và mới đây nhất, một mô hình ngôn ngữ lớn mang tên PhởGPT, một phiên bản ChatGPT chuyên biệt cho người Việt có mã nguồn mở đầu tiên được phát hành tại khu vực Đông Nam Á, sớm hơn vài tuần so với mô hình AI của Singapore. Nhiều chuyên gia cho rằng đến năm 2026, việc áp dụng AI tổng quát dự kiến sẽ tăng vọt, với hơn 80% doanh nghiệp kết hợp mô hình và ứng dụng AI tổng quát vào hoạt động, tăng từ mức dưới 5% hiện nay.

AI sáng tạo ở Việt Nam và tiềm năng kinh tế- Ảnh 1.

Tiềm năng phát triển AI sáng tạo là rất lớn

Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định 4 ưu tiên chính của năm 2024 là phát triển dữ liệu số, quản trị số, phát triển công nghiệp công nghệ số và số hóa các ngành kinh tế, từ đó tạo ra động lực để gia tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Các nội dung cụ thể của 4 ưu tiên chính của chuyển đổi số quốc gia trong năm 2024 bao gồm: phát triển dữ liệu số là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số; quản trị số đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số; phát triển công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp chủ đạo cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số; số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo - đây là lĩnh vực chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra các không gian phát triển mới.

Kinh tế số (KTS) là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, mục tiêu đặt ra là chiếm tỷ trọng 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 với tỷ trọng năm 2023 là 16,5%. Theo Báo cáo "Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045", GDP Việt Nam có thể tăng thêm hàng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số. Hiện tại, bộ phận kinh tế internet trong kinh tế số của Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Trong cơ cấu kinh tế số, kinh tế số lõi (công nghệ thông tin và truyền thông) chiếm hơn 60% tổng giá trị của kinh tế số, trong khi đó kinh tế số ngành/lĩnh vực chỉ chiếm khoảng gần 40%, do vậy dư địa tăng trưởng kinh tế số trong thời gian tới nằm ở sự thẩm thấu các công nghệ số, nền tảng và dữ liệu số trong các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế. Để có thể đạt được mục tiêu về tỷ trọng kinh tế số trong GDP vào các năm 2025 và 2030, kinh tế số luôn phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần.

Trên phương diện tác động của kinh tế số đến năng suất lao động, dựa trên bốn kịch bản phát triển kinh tế số trong Báo cáo "Tương lai nền Kinh tế số của Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045", mô hình kinh tế "hàm sản xuất truyền thống" đã ước tính đóng góp của kinh tế số đến năng suất lao động giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm là từ 7-16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Con số gia tăng này dường như còn khá khiêm tốn trong những năm đầu của hành trình chuyển đổi số và ở giai đoạn đầu ứng dụng AI, tuy nhiên kỳ vọng là Việt Nam sẽ đi theo được hình mẫu gia tăng năng suất theo ước tính của McKinsey là đóng góp của AI tạo sinh trong GDP nhờ gia tăng năng suất sẽ khoảng gấp 2 lần so với đóng góp trong tạo ra phương thức kinh doanh mới. Một ước tính sơ bộ hiện nay là lĩnh vực AI tạo sinh dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỉ đồng vào năm 2030, chưa tính đến tác động lan tỏa tới gia tăng năng suất lao động trong nền kinh tế.

Việt Nam đã 3 năm liên tiếp không đạt mục tiêu về tăng năng suất lao động, năm 2024 mục tiêu này hạ thấp hơn so với năm 2023, trong khi tăng năng suất lao động cần phải được coi là động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Trong bối cảnh này, ứng dụng rộng rãi AI, đặc biệt là AI tạo sinh cần được coi là một cách thức quan trọng để gia tăng năng suất, cải thiện kỹ năng của nhân lực nhiều thế hệ, không chỉ ở doanh nghiệp, mà trước hết là ở khu vực công. Theo Bộ Thông tin Truyền thông, một nền tảng làm việc số, hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức, để ít nhất 70-90% công việc, những công việc đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy định, xử lý nhiều dữ liệu thì sẽ do trợ lý ảo làm hộ. Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo. Sự e ngại trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể nắm chắc các quy định, nhất là khi các văn bản này còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Bộ cũng đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chủ đạo của AI tạo sinh trong những năm tới là BYOAI tạo sinh (AI tạo sinh mang theo mình để hỗ trợ công việc).

AI tạo sinh đang nhanh chóng biến đổi thế giới của chúng ta và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới. Cách mạng AI mang đến cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt cho những ai thích nghi nhanh, dám thay đổi và đón nhận thay đổi. Bằng cách nắm bắt cơ hội và tận dụng lợi ích của AI, các nước đang phát triển sẽ có khả năng phát triển đột phá và bắt kịp các nước phát triển, qua đó vẽ lên một tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại