Lạnh lùng nhưng vẫn đầy yêu thương, hình ảnh của bố trong chúng ta là thế. Có thể, bố không kiên nhẫn, dịu dàng; cũng không gần gũi và thân thiết với con được như mẹ, nhưng có bố, con luôn cảm thấy được bảo vệ, có bố, con luôn cảm thấy học được rất nhiều thứ từ người đàn ông bản lĩnh và nghiêm khắc này.
Đã bao giờ bạn nghĩ tới việc viết sách tặng cho cha mình chưa? Bố mẹ là những người đặc biệt, vậy tại sao mình không dám làm những điều đặc biệt cho bố mẹ?
Hơn cả những món đồ đắt tiền, hay thay những lời yêu thương chỉ biết giấu đi chứ chẳng bao giờ được tỏ bày từ trước đến nay, một cuốn sách được viết riêng cho bố sẽ là món quà không gì quý giá hơn. Phải yêu thương nhiều lắm, kính nể nhiều lắm, người ta mới viết được một cuốn sách xúc động về tình thân của chính mình.
Ra mắt vào giữa tháng 6, nhân Ngày của Cha và Ngày gia đình, “Chuyện nhà Dr Thanh” do con gái trưởng của người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát được ví như món quà tràn đầy tình yêu thương của những đứa con nhà Dr Thanh giành cho bậc sinh thành.
Cô con gái chắt chiu suốt 10 năm viết sách tặng cha
Trần Uyên Phương tốt nghiệp quản trị kinh doanh tại Singapore, tham gia vào Tân Hiệp Phát từ những vị trí thấp nhất để vươn lên vị trí Phó Tổng Giám Đốc như hiện tại. Ít ai ngờ rằng, một doanh nhân như Trần Uyên Phương lại có thể trình làng một tác phẩm đầu tay đầy lôi cuốn và thú vị về những góc khuất của gia tộc, những chia sẻ của người cha về cuộc đời, về triết lý sống, triết lý kinh doanh.
Rất có thể là, nhiều người trong chúng ta đang cảm thấy mệt mỏi khi với sự hiện đại của xã hội bây giờ, người ta thường nói nhiều về khoảng cách thế hệ, về sự thực dụng, hay chuyện xem nhẹ những tình cảm có sự gắn kết, đặc biệt là tình thân.
Đúng là có những khi, cố ý hay vô tình, những mệt mỏi, áp lực từ cuộc sống đã khiến ta bỏ quên chính ngôi nhà mỗi ngày vẫn có người đợi cửa, chờ mình về ăn bữa cơm. Sự vô tâm khiến ta quên mất nơi đó luôn có bố mẹ che chở và bao dung, hi sinh và nhẫn nại.
Cứ mải mê lao đầu theo vòng xoay cơm áo gạo tiền, mải mê để cho cuộc sống cuốn mình đi mà quên rằng chính gia đình, chính bố mẹ mới là những người đầu tiên cần mình chăm sóc, cần mình yêu thương và bảo vệ.
Bao lâu rồi bạn không nói xin lỗi và cảm ơn? Sinh nhật bố, mẹ mình bạn có nhớ? Món quà gần đây nhất mà bạn tặng bố? Lần gần nhất bạn ngồi quây quần với bố mẹ ăn bữa cơm nhà? Hay câu "con yêu bố", "con yêu mẹ" đã bao giờ bạn nói? Bạn có biết sắp tới đây sẽ là Ngày của cha? Rồi Ngày gia đình Việt Nam cận kề, bạn cũng có để ý? Bạn sẽ làm gì cho gia đình mình trong những ngày lễ đó?
Vẫn biết cuộc sống, công việc, học hành biết bao bận rộn, lo toan. Nhưng gia đình mãi là cái nôi, là điều tốt đẹp và quý giá nhất chúng ta có trong đời dù sang hay hèn, giàu hay nghèo, dù đang đứng trên đỉnh cao hay trắng tay, thất bại.
Có rất nhiều cách để bày tỏ, nhưng sao càng sống cuộc sống văn minh và hiện đại, chúng ta lại càng giấu đi tình cảm của mình với những điều ruột thịt và thiêng liêng nhất như tình thân?
Vẫn biết là bố mẹ chẳng màng đến việc nhận lại bất cứ điều gì khi luôn hi sinh. Chỉ cần con hạnh phúc và bình yên, mẹ cha sẵn sàng làm tất cả. Nhưng có hiểu lòng cha mẹ bạn mới biết, ai mà chẳng cảm thấy được yêu thương, an ủi và tự hào khi có con cái sẻ chia, quan tâm.
Có một cô con gái đã chọn cách viết một cuốn sách trong suốt 10 năm để tặng cha. Tình thân mãi là một điều thiêng liêng, không so đo, không đong đếm.
Và vì là tình thân, nên trên đời này không gì có thể diễn tả xúc động hơn, chân thật hơn tình cảm tuyệt đẹp đó như cách một cô con gái viết về cha, về mẹ, về cả gia tộc mình mà không ngại dèm pha, không hề giấu diếm.
Ghi chép, chắt chiu cả thập kỷ, lựa chọn đúng dịp Ngày của cha và Ngày gia đình Việt Nam để ra mắt, món quà đầy yêu thương và sự trân trọng này lại càng thêm ý nghĩa. Đó chính là cuốn "Chuyện của Dr.Thanh" của Trần Uyên Phương viết cho cha mình là doanh nhân Trần Quí Thanh.
Viết sách vì tình thân, chứ không biện minh cho những ồn ào
Suốt gần 10 năm ròng rã thu thập tư liệu bằng cách trò chuyện với cha, với những người thân thiết xung quanh ông để nghe được những câu chuyện từ thời mình chưa sinh ra hay từ bé chưa biết gì; rồi có những lúc phải lục tung quá khứ để viết lại những biến cố của gia đình từ sóng gió, đổ vỡ, nguy cơ thất bại, những vụ kiện “long trời lở đất” để có được những ngày tạm gọi là “bình an” như ngày hôm nay... Trần Uyên Phương đã viết cuốn sách này bằng tất cả tình yêu và lòng kính trọng, sự nể phục như thế.
“Trên đời ai cũng có cha mẹ, và tôi muốn viết quyển sách này khi còn có thể làm được điều đó” - lời chia sẻ này từ Trần Uyên Phương thực sự khiến tất cả những người nghe xúc động. Cách đây 3 năm, khi mẹ bị bệnh nan y tưởng không qua được, Phương lại càng tự thôi thúc mình hoàn thành cuốn sách để tặng ba mẹ khi còn có thể.
Câu chuyện đằng sau một trong những doanh nghiệp giữ quyền lực hàng đầu của lĩnh vực kinh doanh nước giải khát trên thị trường Việt Nam và châu Á; rồi chân dung được lột tả chân xác và trần trụi của doanh nhân Trần Quí Thanh từ góc nhìn chính cô con gái ruột... những điều này đã quá đủ để người đọc tò mò và muốn tìm hiểu về "Chuyện nhà Dr.Thanh".
Sẽ có người cho rằng con gái trưởng của người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát viết cuốn sách này để biện minh cho những ồn ào, sóng gió một thời khi những từ khoá “Tân Hiệp Phát”, “Dr Thanh”, kỳ án “con ruồi” tạo nên những “cơn sóng” thông tin bão tố quá nóng bỏng với dư luận. Nhưng không, không một lời biện hộ nào cả.
Cuốn sách là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ, ghi chép được gom góp bằng mọi sự kính nể, trân trọng và yêu thương của Trần Uyên Phương khi viết về gia đình mình.
Doanh nhân Trần Quí Thanh cũng chia sẻ: "Con gái của mình mà, nó viết cái gì làm cái gì mà mình không vui? Dù chỉ 1 lá thư mình còn cảm động huống hồ là 1 cuốn sách. Ngày nhỏ mình nghiêm khắc với nó vậy đâu nghĩ lớn lên nó tình cảm đến vậy? Cũng có nghĩ dư luận có thể sẽ lên tiếng con khen cha giống cả nhà khen nhau, nhưng thôi, tình cảm chân thực sẽ chiến thắng mọi điều tiếng. Bây giờ vợ chồng tôi đang rất hãnh hiện đón nhận tình cảm của con mình, còn hơn lúc mình nằm xuống rồi nó mới viết có đốt xuống chắc gì mình đọc được, chắc gì mình hạnh phúc được như giờ".
Như lời tự sự, trong suốt quãng thời gian nửa đầu tuổi trẻ, Trần Uyên Phương luôn băn khoăn về tình cảm của những người trong gia đình, những giá trị nền tảng của chính ra đình mình. Có những điều hiển hiện trước mặt, nhưng hình như bản chất lại không phải như vậy.
Ông Trần Quí Thanh, nhân vật nguyên mẫu trung tâm của cuốn tư truyện là một người cha, nghiêm khắc, đôi khi đến mức nghiệt ngã khiến có lúc chính cô con gái của mình cảm thấy bị tổn thương.
Trong cuốn sách viết tặng cha mình nhân Ngày của cha, Trần Uyên Phương thổ lộ: “Trong quá khứ nhiều lúc tôi sợ ba, nhưng cũng ghét ba vì tôi chỉ quan tâm đến tính huyết thống và đinh ninh thế mới gọi là gia đình.
Tôi thấy ba dành quá ít thời gian và tình thương cho chính gia đình thân yêu của mình”. Thế nhưng “Sống với ba, điều làm tôi luôn cảm thấy mình nhỏ bé, không phải vì ba là cha nên luôn lớn hơn, cũng không phải vì ba là doanh nhân thành đạt, người thầy tận tâm chỉ dạy cho tôi, mà vì chưa bao giờ tôi nghe ba kể lể hay trách cứ bất cứ ai đã đi qua trong cuộc đời ông.
Đối với ba, mọi thứ đều là bài học tốt cho cuộc sống và công việc, gian khó đối với ba là thứ rất quen thuộc, ông luôn nói một câu ngắn gọn: “Không gì là không thể”!”.