LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Đinh Như Thảo - chồng của một cán bộ BIDV Phú Xuân (Thừa Thiên Huế) gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
-------------------
“Thương trường là chiến trường”, câu nói đúc kết từ ngàn xưa, càng ngày càng đúng, thương trường chưa bao giờ khốc liệt như bây giờ. Có lẽ tại thời điểm hiện tại không ai hiểu rõ câu nói đó như người làm trong nghề tài chính ngân hàng.
Cái thời làm ngân hàng hầu bao đầy túi, mặt mũi hớn hở dường như chỉ còn là dĩ vãng. Bây giờ phần đông chỉ thấy những khuôn mặt đầy ưu tư, vất vả. Sự khốc liệt của “chiến trường” tài chính ngân hàng không chỉ thể hiện ở “tiền tuyến” nơi đầu sóng ngọn gió của những người làm trong nghề mà còn thể hiện ở “hậu phương” cũng rực lửa theo. Đúng là:
“Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”.
(Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)
Hậu phương bận như bà đẻ
Làm hậu phương của những người làm nghề này mới biết vất vả là như thế nào. Trong gia đình mà cả hai vợ chồng đều làm ngân hàng thì thôi rồi, con cái thì cù bơ cù bất, nay gửi đây, mai gửi đó, hết nội thì ngoại, hết giúp việc lại đến hàng xóm.
Đàn ông làm ngân hàng nhưng nếu có vợ làm nghề khác thì còn đỡ, vì đàn bà dù sao cũng hợp với việc chăm con và nội trợ.
Còn vợ làm ngân hàng, chồng làm nghề khác thì đúng là địa ngục trần ai, hàng ngày bận tối mắt tối mũi. Khi đó thì hết con ăn, con khóc, con ốm, đưa con đi học, việc nhà nội ngoại đều đến tay, bận như bà đẻ.
Con cái của những người có vợ làm ngân hàng đứa nào cũng quấn bố, vì mấy khi được chơi với mẹ. Anh em, bạn bè, đồng nghiệp thì tình cảm cứ mai một dần, vì đâu có thời gian mà bù khú nữa. À mà hài hước thì cũng phải nói là chúng tôi cũng có thêm những người bạn mới, đó là những ông chồng có vợ làm ngân hàng, đồng cảnh ngộ.
Mỗi sáng chiều, chúng tôi, những người có vợ làm ngân hàng, lại gặp nhau trên những nẻo đường đưa đón con, tắc đường thì thôi rồi, lạng lách như quái xế vì đưa đón muộn e là cháu lại bị cô giáo la.
Nhìn mặt ông nào mà chiều nào trông cũng ngầu ngầu nhưng cũng thẳng đuột đần đần thì 90% ông ấy có vợ làm ngân hàng. Sự nghiệp cũng chỉ gói gọn trong mấy chữ gà trống nuôi con, chứ lo từng ấy thứ việc xong thì còn đâu sức lực và thời gian mà làm việc khác.
Với những ông chồng làm ở các cơ quan hay họp chiều muộn mà sếp không thông cảm thì còn khổ nữa, bởi vì các ông luôn bị ghép cho cái tội ý thức chưa tốt vì toàn chuồn về sớm hoặc đi họp muộn.
Mọi người bảo sao không thuê giúp việc, có giúp việc đó nhưng rồi có phải việc nào người giúp việc cũng làm được đâu. Mà người giúp việc thấy có người nhà làm ngân hàng là rất hay ỉ ôi đòi lương cao và cũng ngại làm vì phải ôm trọn công việc, cũng vất vả lắm. Nội ngoại cũng thế, đâu phải cứ nhờ mãi.
Gần nhà tôi có chú công an vợ làm ngân hàng, công an đáng lẽ phải gương mẫu nhưng tổ dân phố toàn bêu tên vì tội… đánh vợ và uống rượu, lý do chú ấy đánh là vì cô này ngày nào cũng đi làm về muộn, con cái và mọi việc trong nhà bỏ bê. Hỏi sao chú uống rượu, bảo vợ như thế uống cho quên sầu.
Nay chú đã nghỉ hưu, cô vẫn còn đi làm, bây giờ chú không đánh vợ nữa nhưng chiều nào cũng say mèm khật khù đi ngang nhà tôi. May mà chú ấy mới say rượu, chứ say nắng bên ngoài thì gia đình còn khổ nữa. Tu đâu bằng tu tại gia, ai muốn tu giữa đời thường thì chỉ việc lấy vợ làm ngân hàng là xong.
“Sorry family” và người chậm “tiến”
Chắc nhiều người biết rằng nhiều hãng hàng không bị gọi là “Sorry Airlines” vì khách hàng thường xuyên được nghe lời xin lỗi về chuyện chậm chuyến, hủy chuyến.
Gia đình của những người làm ngân hàng nay cũng được liệt vô “Sorry Family” vì luôn luôn đến muộn trong các cuộc hẹn của gia đình và bạn bè, còn bản thân những người này thì bị gọi là người chậm “tiến” vì khi nào cũng đến trễ.
Hỏi không đến trễ sao được khi ngày thường ngày nào cũng 7, 8 giờ tối mới về, thứ bảy chủ nhật cũng đi làm. Sửa soạn xong ra đường đi chơi thì người khác đã đi về. Giỗ chạp khi nào cũng về muộn rồi lại cập rập chạy đi ngay.
Như tôi đám hỏi con cậu, hai vợ chồng được mời tham gia đoàn nạp lễ, xin phép cơ quan rồi mà rồi cũng về muộn, đành phải “sorry”.
Vợ tôi, đến cả cha mẹ ruột hay cha mẹ chồng ốm cũng may lắm đi thăm được đôi ba lần, hôm nào cũng tối mịt về lại kiệt sức rồi nên không lo việc gì ra hồn.
Cả nhà hiếm khi có được bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Mọi sự kiện thời cuộc hầu như bỏ sang một bên, lạc hậu với chính bản thân mình trước đây. Mà làm ngân hàng bây giờ đâu còn dễ kiếm như hồi trước nên giờ đi đâu cũng ngại chi tiêu, nhiều khi cứ phải gồng mình đến khổ.
Một người làm nghề, phải nhờ cả tổng
Các cụ nói “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, nhưng với người làm nghề ngân hàng bây giờ thì “Một người làm nghề, phải nhờ cả tổng”.
Các anh chị có lẽ thắc mắc là nhờ cái gì. Ôi thôi, nhờ nhiều lắm. Nhờ cha mẹ, nội ngoại, cô dì, chú bác, bạn bè… đủ mọi thứ: từ trông con, trông chồng đến gửi tiền, vay tiền để đủ chỉ tiêu.
Đúng là tiền múa chúa cười, người ngân hàng giờ cứ thấy người sang là vội vàng bắt quàng làm họ ngay: Anh chị có tiền gửi cho em với; anh chị làm nhà vay ngân hàng em với; chồng nói bạn bè mở tài khoản cho em với; bạn anh làm sếp nói giao dịch bên em với…
Nhờ gì nữa? Nhờ anh em bạn bè kiểm tra xem người vay tiền kia có khả năng chi trả hay không, giá đất ở đó bao nhiêu để mà định giá cho vay đúng mức, người này người kia có tin tưởng được hay không. Ơn trời vợ tôi nhiều lần may mắn cậy nhờ được những thông tin như thế mà mọi việc đều thuận lợi hanh thông.
Bạn đồng hành bất đắc dĩ
Có vợ làm nghề ngân hàng, tôi trở thành bạn đồng hành bất đắc dĩ. Nghề chính là giáo viên vật lý nhưng lại suốt ngày đọc tin trên CafeF, Doanh nhân Sài gòn, đọc sách báo Marketing. Cớ sự vì sao lại thế? Vợ làm ngân hàng, mình cũng phải biết, thấy tin ngân hàng ngày nào cũng lo mà vợ lại suốt ngày chúi mũi vào nghiệp vụ, không có thời gian đọc.
Đọc để biết, để hiểu, ở mức độ nào đó để mà tư vấn cho vợ những kinh nghiệm, những tình huống được đăng trên các báo đó, để mà luôn hi vọng vào một tương lai luôn an vui.
Đôi lần vợ tôi phải nhờ tôi đóng vai doanh nhân thành đạt để kiểm tra lô đất họ thế chấp có ổn không, đôi lúc lại nhờ kết nối với bạn để em cho vay, rồi lại có khi đi cùng vợ để thẩm định giá đất dù chẳng phải là nghề của mình. Có chồng hay vợ làm ngân hàng là thế đó.
>>> Xem thêm: Bỏ quên ở cây ATM, thẻ ngân hàng nào dễ bị mất trộm?
Bỏ quên ở cây ATM, thẻ ngân hàng nào dễ bị mất trộm?