AI mà Samsung vừa tạo ra có thể biến một tấm ảnh thành đoạn video

Duy Huỳnh |

Trí tuệ nhân tạo của Samsung có thể nhanh chóng tạo ra những video mới bằng cách chỉ sử dụng một vài hình ảnh mà không cần đào tạo lại.

Mới đây, Samsung đã phát triển thành công AI có thể tạo ra một video giả mạo bạn chỉ từ việc trộm một tấm ảnh cá nhân trên Facebook. Trí tuệ nhân tạo của Samsung được đánh giá là một phiên bản nâng cấp của Deepfakes, và rất may mắn là kẻ xấu vẫn chưa có chúng.

Deepfakes là gì?

Quay trở lại hồi tháng 12/2017, một người dùng trên Reddit đã phát hành một công cụ có tên là Deepfakes, dùng trí thông minh nhân tạo (AI) để hoán đổi gương mặt của người nổi tiếng vào trong các bộ phim 18+. Kết quả là, AI đã giúp tạo nên những bộ phim 18+ giả với độ “chân thật” cao mà không cần phải dùng quá nhiều kỹ xảo ghép theo kiểu truyền thống.

Về bản chất, Deepfakes được phát triển theo kiểu máy học machine learning, tức là những bức ảnh của người nổi tiếng sẽ được đưa vào hệ thống thuật toán để dạy nó nhận biết được gương mặt theo những góc độ khác nhau, từ đó nó sẽ suy luận ra và “đánh tráo” gương mặt của người nổi tiếng hay thậm chí là bất cứ ai với gương mặt có sẵn của diễn viên trong phim. Kết quả cuối cùng là một bộ phim người lớn với gương mặt của những người nổi tiếng.

Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhìn thấy bước đột phá của công nghệ này khi có thể áp dụng nó vào một loạt các ứng dụng, bao gồm các trò chơi video, phim và TV. “Có thể áp dụng công nghệ này vào những chương trình thực tế, bao gồm hội nghị truyền hình hay trò chơi nhiều nhân vật, cũng như ngành công nghiệp hiệu ứng đặc biệt”, chi tiết được đề cập trong một bài báo được phát hành vào đầu tuần này.

Công nghệ AI mới của Samsung

AI mà Samsung vừa tạo ra có thể biến một tấm ảnh thành đoạn video - Ảnh 1.
Nàng Mona Lisa cứ như bước ra đời thực nhờ công nghệ của Samsung.

Theo Cnet, công nghệ AI mới được phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của Samsung ở Nga phát triển cứ như lấy cảm hứng từ câu nói nổi tiếng của Alexander Graham Bell, “Trước bất cứ điều gì, sự chuẩn bị là chìa khóa để thành công.”

AI của Samsung bắt đầu với một “giai đoạn học tập” khá dài, bằng cách xem qua rất nhiều video để tìm hiểu cách khuôn mặt của con người chuyển động. Sau đó, AI sẽ áp dụng những gì nó học được với một bức ảnh tĩnh hoặc một số ít ảnh động để tạo ra một video clip giống với thực tế.

Không giống như một video Deepfake thực sự, kết quả thu được từ video mà AI của Samsung tạo ra có phận bị mờ khi tái tạo các chi tiết. Ví dụ, “một video giả mạo huyền thoại Marilyn Monroe mà phòng thí nghiệm Samsung tạo ra đã bỏ sót nốt ruồi nổi tiếng của cô đào này”, Siwei Lyu, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Albany ở New York cho biết.

Nói chung, một hệ thống Deepfake có cho kết quả chân thực hay không thì phải đòi hỏi ở lượng dữ liệu đào tạo đầu vào.

Xét theo chiều hướng tốt, phương pháp này rất hữu ích, vì nó có thể được áp dụng trên một số lượng lớn video, mà thông thường mất rất nhiều thời gian để thực hiện. “AI của Samsung có thể nhanh chóng tạo ra những video mới bằng cách chỉ sử dụng một vài hình ảnh mà không cần đào tạo lại. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và làm cho nhân vật trở nên khái quát hơn”, Lyu cho biết.

Tuy nhiên, như đã đề cập từ trước, “nhược điểm lớn nhất của những loại kỹ thuật dạng này và sự phát triển nhanh chóng của chúng cũng gây ra không ít rủi ro về tin giả, giả mạo bầu cử và gian lận”, Hany Farid, chuyên viên kỹ thuật chuyên giám định những hình ảnh được tạo ra từ Deppfakes cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại