Ai đã chuyển T-90A cho Mỹ?

Kiên Bùi |

Trang Army Recognition của Bỉ vừa gây bất ngờ khi đăng tải bức ảnh chiếc xe tăng chủ lực T-90A của Nga xuất hiện tại Mỹ.

Ai đã chuyển T-90A cho Mỹ? - Ảnh 1.

Chiếc T-90A sơn phù hiệu Quân đội Ukraine xuất hiện tại Mỹ.

Chiếc xe rơ-moóc chở theo tăng T-90A đêm 11/4 tiến vào bãi đỗ trạm dừng nghỉ Peto tại hạt Roanoke, bang Louisiana, Mỹ. Tuy nhiên, khi bức hình được ghi lại chỉ có rơ-moóc chở xe tăng nhưng không có xe đầu kéo.

"Tôi đã làm việc tại đây suốt 7 năm và chưa bao giờ thấy xe tăng xuất hiện trong khu vực trước đây", nhân viên tại trạm nghỉ là Valerie Mott cho biết.

"Lái xe nói rằng hộp số chiếc đầu kéo bị hỏng, buộc họ quay lại Houston để đổi phương tiện. Người đó còn hỏi rằng có thể để chiếc xe tăng bên ngoài trạm hay không", Cody Sellers, quản lý trạm, cho hay.

Theo hình ảnh được công bố, T-90A xuất hiện trong bức hình được sơn hình chữ thập trắng, dấu hiệu nhận diện phương tiện cơ giới trong biên chế quân đội Ukraine, cùng nhiều số 9 màu vàng.

Chiếc xe tăng có nhiều dấu vết hư hỏng ở chắn bùn và thiếu nhiều trang thiết bị, nhưng vẫn còn nguyên các khối giáp phản ứng nổ Kontact-5 dạng vỏ sò và bộ phát hồng ngoại thuộc tổ hợp phòng vệ thụ động Shtora-1 ở mặt trước tháp pháo.

Nhưng khẩu súng máy trưởng xe trên nóc xe và các hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại đã bị tháo bỏ. Tờ báo của Bỉ cho biết, chiếc T-90A này từng thuộc biên chế Lữ đoàn Bộ binh cơ giới Độc lập Cận vệ số 27 của Nga, bị bỏ lại gần làng Kurylivka ở tỉnh Kharkov cuối tháng 9/2022.

Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 92 của Ukraine sau đó thu giữ xe, sơn dấu hiệu nhận diện lên tháp pháo và khung thân phương tiện.

Điều gây bất ngờ hơn nữa theo thông tin được tờ Army Recognition trích dẫn từ tình báo Anh tiết lộ, chiếc T-90A được Ukraine chuyển cho Mỹ chỉ là 1 trong số hơn 440 chiếc xe tăng và xe bọc thép Nga bị lực lượng Ukraine thu giữ từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo tờ báo này, dù không được phương Tây đánh giá cao nhưng trên thực tế, T-90A sở hữu nhiều lớp bảo vệ mà xe tăng Abrams của Mỹ và Leopard 2 do Đức sản xuất không có, giúp nó đối phó hiệu quả với tên lửa chống tăng (ATGM).

Lớp bảo vệ đầu tiên của T-90A là hệ thống phòng vệ thụ động Shtora-1, nổi bật ở đôi mắt nằm hai bên pháo chính. Nó sẽ phát ra ánh sáng màu đỏ khi hoạt động, có chức năng gây nhiễu, chế áp hệ thống dẫn đường laser và hồng ngoại trên ATGM, khiến chúng bay lệch khỏi mục tiêu.

Shtora-1 còn bao gồm cụm ống phóng lựu đạn khói, có khả năng tạo sol khí hấp thụ dải sóng hồng ngoại, khiến xạ thủ ATGM đối phương không thể dẫn quả đạn lao tới mục tiêu. Hệ thống phòng vệ này còn được tích hợp cảm biến chiếu xạ laser 360 độ, giúp xe tăng tự động kích hoạt các biện pháp phòng vệ khi bị đối phương nhắm bắn.

Nó thậm chí có khả năng điều khiển nòng pháo chính quay tới vị trí nguồn phát laser, cho phép pháo thủ chủ động khai hỏa diệt mối đe dọa. Tiếp đó là giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-5 được lắp ở mặt trước thân xe và phần lớn tháp pháo.

Nó tạo ra hình dáng vỏ sò cho tháp pháo của T-90A, bảo vệ tổ lái khỏi những đợt tấn công từ mặt trước, mặt bên và trên nóc xe. Kontakt-5 đặc biệt hiệu quả khi đối phó với đầu đạn nổ lõm (HEAT) trên ATGM, cũng như đủ sức vô hiệu hóa đạn xuyên giáp dưới cỡ tách vỏ ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) M829A2 của Mỹ.

Lớp phòng thủ cuối cùng của T-90A là giáp phức hợp với vỏ ngoài là thép độ bền cao, bên trong gồm nhiều lớp vật liệu tổng hợp xen lẫn với các tấm thép dày. Thiết kế này giúp tăng khả năng phòng vệ và cắt giảm được khối lượng đáng kể so với giáp thép cán đồng nhất (RHA) có cùng độ dày.

Chính lớp bảo vệ nhiều tầng này là lý do làm cho T-90A của Nga bị thiệt hại ít hơn nhiều trên chiến trường so với bất kỳ cỗ xe tăng nào của phương Tây hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại