Ai nhìn vào cũng bảo Nhung sướng vì có chồng làm ra tiền, lại không chơi bời. Mới đây Thạch còn tậu nhà tiền tỉ để vợ con được ở cho khang trang. Mà chủ yếu tiền đó là Thạch làm ra, chứ lương giáo viên của Nhung thì được bao nhiêu, mua vài bộ váy, đôi giầy cũng hết rồi.
Bạn bè, người quen, anh em đằng nhà chồng, chả ai là không xuýt xoa khen số cô sướng, tu bao nhiêu kiếp mới lấy được người chồng như vậy.
Còn bảo cô, cố gắng lạt mềm buộc chặt mà giữ chồng, kẻo có kẻ nẫng mất như chơi. Nghe những lời như vậy, Nhung chỉ biết cười trừ.
Quả thật, Thạch làm ra tiền hơn Nhung nhiều lần. Căn nhà cũng do 1 tay anh tiết kiệm tiền để mua. Song khổ nỗi, Thạch lại bảo Nhung kí giấy xác nhận đó là tài sản riêng của anh, chẳng liên quan gì đến cô cả.
Vậy cô thành người ở nhờ, có liên quan gì đến căn nhà đâu mà nói cô sướng chứ? Chuyện đó Nhung cũng tặc lưỡi cho qua, thôi thì không phải của mình nên chả đòi hỏi. Nhưng ai là vợ mà không tủi thân cho được.
Trong khi mình chăm sóc gia đình, con cái, chu toàn mọi việc để chồng yên tâm làm việc, thì khi có thành quả anh ta lại vỗ ngực tự nhận trái ngọt đấy 1 mình anh ta gây dựng?
Điều khiến Nhung sắp không thể chịu đựng nổi, là tối nào cũng như tối nào, dù sớm dù muộn Thạch luôn bắt cô phải làm 1 điều mà theo cô là quá kinh khủng.
Đó chính là thống kê chi tiêu hàng ngày thành danh sách và đưa cho Thạch xem. Từ chi tiêu những thứ nhỏ nhất như mấy nghìn hành, 2 nghìn ớt... trở đi.
Ảnh minh họa.
Chi phí sinh hoạt nhà Nhung được dàn xếp theo kiểu, Thạch góp 60%, Nhung góp 40%. Trong khi việc nhà, con cái cô phải làm hết.
Nếu đằng thẳng ra thì Nhung vẫn chịu thiệt thòi, vì mang tiếng cô góp ít tiền hơn, song cô lại phải bỏ nhiều công sức hơn.
Nhưng Nhung chán chả muốn tranh luận với chồng, bởi thái độ của Thạch là không thể thương lượng, cái 60% đối với anh ta đã giới hạn cực đại, và anh ta cho rằng mình chịu ấm ức rồi, cũng bởi anh ta mang tiếng đàn ông rồi kiếm nhiều tiền hơn vợ đấy!
Và tối nào anh ta cũng phải kiểm tra chi tiêu của vợ trong ngày, để tránh cho việc Nhung khai gian lên, ăn chặn tiền của anh ta.
Ngày nào Thạch quyết toán xong ngày đấy, cuối ngày xem tổng chi tiêu là bao nhiêu, anh ta liền rút ví ra đưa cho Nhung đúng 60% số tiền ấy. Chứ đợi đến cuối tháng dồn ứ lại, Thạch lại sợ mình không kiểm soát được hết, bỏ sót chỗ nào thì thiệt quá.
Đấy, vì thế cho nên cảnh tượng trước khi đi ngủ ở nhà Nhung là Thạch săm soi từng chân tơ kẽ tóc danh sách chi tiêu trong ngày vợ đưa. Rồi Thạch chất vấn Nhung những điểm nghi ngờ, nhận xét chỗ nọ hoang phí, chỗ kia không cần thiết...
Nhiều lúc Nhung chán chả buồn trả lời, bởi nếu Thạch đưa toàn bộ chi phí mà anh ta làm thế đã đủ khó chịu, đằng này góp được 60% mà cứ làm như to tát lắm.
Nhưng nếu Nhung không làm theo lời Thạch nói, thì anh ta dứt khoát không đưa xu nào cả, bởi anh ta sẽ không xuất tiền khi Nhung báo một con số chẳng có sổ sách kèm theo.
Và Nhung phải bỏ toàn bộ chi phí, vừa quá sức của cô, vừa không hợp tình hợp lí. Vì vậy, để có sự san sẻ tài chính của Thạch, thì Nhung buộc phải làm theo yêu cầu của anh ta.
Nhiều tối nhìn cái kiểu tính toán tỉ mỉ từng nghìn một, săm soi lên săm soi xuống các khoản mục vợ chi tiêu của Thạch, nói thật Nhung chỉ muốn ly hôn cho rồi.
Một mình nuôi con nhưng thoải mái về tinh thần, nhẹ nhõm vì chả còn bị "tra tấn" mỗi tối nữa. Chứ nói gì đến chuyện "lạt mềm buộc chặt" giữ chồng như mọi người nói!