Ai cũng biết băng ở 2 cực đang tan, nhưng Bắc cực và Nam cực, nơi nào tan nhanh hơn?

Hoa Hướng Dương |

Những sự khác biệt giữa địa lý và tính chất băng đã khiến cho băng ở 2 cực tan ra với tốc độ khác nhau.

Nam cực và Bắc cực đều có vĩ độ giống nhau nên có thời gian chiếu sáng của Mặt Trời và góc chiếu giống nhau, thế nhưng quá trình tan băng ở 2 cực này lại diễn ra không hề giống nhau.

Thực tế cho thấy, lượng băng ở Bắc cực đang tan với tốc độ nhanh hơn ở Nam cực, tại sao lại có hiện tượng này?

Hiện tượng băng tan có nguyên nhân chủ yếu từ sự ấm lên của Trái Đất, tuy nhiên 2 cực lại có quá trình tan băng khác nhau.

Ai cũng biết băng ở 2 cực đang tan, nhưng Bắc cực và Nam cực, nơi nào tan nhanh hơn? - Ảnh 1.

Băng ở Nam cực chiếm tới 4/5 lượng băng trên toàn thế giới.

Một báo cáo của Chương trình Đánh giá và Giám sát của Hội đồng Bắc cực (Arctic Council's Arctic Monitoring and Assessment Program) chỉ ra rằng băng ở Bắc cực sẽ tan hết vào năm 2040!

Đồng thời, các nhà khoa học tại Đại học Leeds (Anh) lại cho thấy tốc độ tan băng ở Nam cực chỉ bằng 1/3 so với trước kia.

Nhiều người cho rằng 2 cực đều giống nhau vì ở tận cùng vĩ độ của Trái Đất, hẻo lánh và lạnh giá. Thế nhưng một điều khác biệt có thể nhận thấy ngay là quần xã sinh học ở 2 cực rất khác biệt. Mỗi cực lại có những động vật khác nhau.

Ví dụ: Gấu Bắc cực chỉ sống ở Bắc cực hay chim cánh cụt chỉ sống ở Nam cực.

Và nếu tình trạng băng tan ở Bắc cực đúng như báo cáo trên thì có thể loài gấu Bắc cực sẽ hoàn toàn biến mất trong tương lai không xa vì chúng vốn sống nhờ các khối băng trôi nổi.

Điểm khác nhau thứ 2 chính là về mặt địa lý học (geography), 4 phía của của Bắc cực chủ yếu tiếp xúc với đại dương (Bắc Băng dương có diện tích tới 13,1 triệu km2), còn lại là phần nhỏ tiếp xúc với đất liền.

Điều đó nghĩa là không có nhiều không gian cho các khối băng trôi nổi xung quanh và nhiệt dung của nước lớn (do đó có thể hấp thụ nhiệt lớn và tỏa ra xung quanh) khiến các khối băng ở Bắc cực vốn ít có các khối băng trôi bao quanh bảo vệ lại càng dễ tan hơn.

Nam cực có nhiều diện tích tiếp xúc với đại dương hơn và các khối băng trôi nổi (do các sông băng trên lục địa di chuyển xuống và bị vỡ ra) dễ dàng di chuyển xung quanh hơn.

Mặt khác, Nam cực có một mảng lục địa lớn có tên "đại lục thứ 7" với diện tích khoảng 14 triệu km2, do khả năng hấp thụ nhiệt kém của lục địa so với đại dương nên lớp băng ở Nam cực dày hơn Bắc cực rất nhiều.

Độ dày băng trung bình ở Nam cực là 1.700 m (một số nơi còn có độ dày lên tới 4.000 m) thì ở Bắc cực chỉ khoảng hơn 2 m và lượng băng ở Nam cực cũng nhiều hơn (chiếm tới 4/5 so với tổng số 16 triệu km2 diện tích băng che phủ trên toàn thế giới)

Bắc cực chỉ chiếm gần 1/10 tổng lượng băng che phủ trên toàn thế giới. Chính vì thế băng ở Bắc cực tan nhanh hơn Nam cực rất nhiều.

Dữ liệu của NASA chỉ ra sự khác biệt trong quá trình tan băng ở 2 cực.

Nhiệt độ ở Bắc cực cũng tăng nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong khi Nam cực thì quá trình ấm lên diễn ra chậm hơn.

Tiến sĩ Marc Salzmann hiện đang nghiên cứu và làm việc tại Viện Khí tượng, đại học Leipzig, Đức trong nghiên cứu của mình chỉ ra rằng:

"Trung bình, sự ấm lên ở toàn bộ lục địa Nam cực diễn ra chậm hơn Bắc cực rất nhiều".

Nghiên cứu của ông cho thấy, độ cao trung bình ở Nam cực là khoảng 2.500m, nhiều núi cao thậm chí lên tới 4.900m như núi Vinson giúp làm giảm sự ấm lên nơi đây.

Ai cũng biết băng ở 2 cực đang tan, nhưng Bắc cực và Nam cực, nơi nào tan nhanh hơn? - Ảnh 3.

Quá trình tạo băng vào mùa động và tan vào mùa hè là một chu trình hằng năm. Ảnh NSIDC.

Khi băng ở Nam cực bị mất đi ở một nơi nào đó, thì sẽ có một khối băng phát triển ở nơi khác, đồng thời những cơn gió ở vùng băng Nam cực rất lạnh và khô cũng giúp duy trì nhiệt độ đóng băng ở đây tốt hơn Bắc cực.

Nhà khoa học vật lý về băng Marcel Nicolaus tại Viện Nghiên cứu Alfred Wegener Polar ở Bremerhaven, Đức cho hay: "Các phần băng ở lục địa trung tâm vẫn rất lạnh, thậm chí nếu các dòng khí ấm lớn ở Nam cực có thổi vào thì nhiệt độ vẫn đủ lạnh để tạo thành băng".

Marcel Nicolaus còn bổ sung một lý do giúp các khối băng ở Nam cực giữ được hình dạng của mình là nhờ sự tích lũy tuyết (snowpack) ở trên bề mặt băng Nam cực dày hơn Bắc cực rất nhiều.

Ai cũng biết băng ở 2 cực đang tan, nhưng Bắc cực và Nam cực, nơi nào tan nhanh hơn? - Ảnh 4.

Sự thay đổi lượng băng ở 2 cực theo mùa. Ảnh Climate.gov.

Kể từ năm những năm 1970, Bắc cực đã mất trung bình 5.38717527 × 10^10 m2 băng bao phủ trong khi Nam cực thì con số này chỉ vào khoảng 1.89069132 × 10^10 m2.

Băng ở hai cực có tính chất khác nhau

Nhà nghiên cứu băng Lars Kaleschke tại Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Trái Đất và Tính bền vững (Center for Earth System Research and Sustainability) tại Đại học Hamburg, Đức cho biết:

"Quá trình tạo ra băng ở 2 cực là rất khác nhau, có thể nói băng ở Bắc cực và Nam cực là hai loại băng khác nhau".

"Chúng ta có tuyết ở Nam cực nhiều hơn, giúp đẩy nhanh quá trình tạo băng và bảo vệ băng non không bị tan nhanh". Ngoài ra những dòng chảy quanh Nam cực (circumpolar current) còn giúp cách ly nó với phần còn lại của thế giới.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Dw.com, Insideclimatenews.org, Dailymail.co.uk

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại