Bạn mong chờ gì từ một cơn bão? Đầu tiên là mưa lớn, sấm sét, rồi cuối cùng có thể kết thúc bằng một trận lũ quét. Nhưng nếu là một cơn bão trên sa mạc thì mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.
Đầu tuần vừa rồi, sau khi một cơn bão lớn quét qua vùng Aswan ở miền nam Ai Cập, nó đã gây thiệt hại nặng cho hơn 100 khu dân cư, làm ngập đường phố, bật gốc cây cối và khiến một số khu vực bị mất điện.
Nhưng bão cũng đã chấm chìm những hốc đá trũng trên sa mạc, một hiện tượng hiếm thấy nhưng có lẽ sẽ xảy ra nhiều hơn trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu. Nước đã ép những con bọ cạp chạy ra khỏi hang của chúng để tìm kiếm vùng đất cao hơn.
Trong quá trình di cư đó, hàng nghìn con bọ cạp đã chạy qua các ngôi làng trên sườn núi. Chúng xông vào các ngôi nhà qua khe cửa sổ và vết nứt tường. Chỉ trong một đêm, 503 người đã bị cắn, hàng trăm người đã phải nhập viện và 3 người tử vong.
Chính quyền của thành phố Aswan sau đó đã phân phối hơn 3.000 liều huyết thanh kháng độc tới các bệnh viện và phòng khám địa phương để điều trị cho các nạn nhân bị bọ cạp cắn. Họ cũng dự phòng cho các kịch bản xấu hơn trong tương lai, khi những cơn lũ thịnh nộ, giống như được miêu tả trong Kinh Thánh, tiếp tục mang bọ cạp tràn qua khu vực sinh sống của con người.
Bọ cạp đuôi béo Ả Rập: Những sát thủ đến từ sa mạc
Là một đất nước sở hữu những sa mạc rộng lớn, Ai Cập vốn là thiên đường cho các loài bọ cạp. Thống kê cho thấy có tới 31 loài bọ cạp khác nhau đang sống ở đây. Chúng chính là những cư dân lâu đời nhất của vùng đất Bắc Phi, đến nỗi hai vị vua Ai Cập đã được đặt tên theo tên của bọ cạp.
Bọ cạp cũng xuất hiện nhiều trong thần thoại của người Ai Cập và các bức vẽ trong kim tự tháp. Nữ thần Mặt Trăng Isis của họ trong một lần gặp nạn đã được 7 con bọ cạp cứu sống. Serket, nữ thần thiên nhiên của người Ai Cập cũng có phần thân là bọ cạp.
Thông thường, bọ cạp chia sẻ không gian sống độc lập với con người. Chúng ẩn nấp trong các hốc đá sa mạc ở khác xa khu dân cư và có thể ở đó trong nhiều tuần mà không cần thức ăn hay nước uống.
Xung đột hiếm khi xảy ra, và nếu có thường chỉ xảy ra vào mùa hè khi bọ cạp có xu hướng năng động nhất. Chúng đi lang thang trên đường phố, ẩn nấp dưới những phiến đá và đột nhập vào những ngôi nhà, nép mình trong những đôi giày và bên dưới những tấm chăn.
"Nếu nhìn thấy bọ cạp, chúng tôi chỉ cần đánh chúng với bất cứ vật gì có trong tay mình", Islam Mohamed, một người dân địa phương làm nghề lái đò trên sông Nile cho biết. Mỗi năm ở khu vực Aswan của ông chỉ báo cáo tối đa vài chục ca bị bọ cạp đốt.
Nạn nhân cũng không cần phải quá hoảng loạn. Bạn chỉ cần đưa họ tới bệnh viện, tiêm huyết thanh chống độc và đợi một vài ngày sẽ hồi phục hẳn. "Chúng tôi gần như đã quá quen với điều đó", Mohamed nói.
Một người dân quay được một con bọ cạp đang cố gắng vào nhà mình nhưng đã bị anh ấy đánh chết
Nhưng trận mưa lớn từ con bão cuối tuần trước đã tạo ra một thứ gì đó khác hẳn những vụ đột kích lẻ tẻ của bọ cạp. Các chuyên gia cho biết lũ lụt ở Aswan có thể đã đẩy không chỉ một vài mà tới hàng ngàn con bọ cạp từ thung lũng sa mạc tràn lên các ngôi làng trên triền núi.
Dãy núi Aswan vốn là nơi sinh sống của loài bọ cạp đuôi béo Ả Rập (Androctonus crassicauda). Loài bọ cạp này trong tiếng Hy Lạp còn được gọi là "bọ cạp sát thủ". Chúng có thân hình dài khoảng 8-10 cm và một đôi tai rất thính. Đó là do bọ cạp chủ yếu dựa vào rung động và âm thanh để định vị con mồi, một khả năng bù đắp cho cả thị lực và khứu giác rất kém của chúng.
Mohamed Abdel-Rahman, giáo sư độc chất học phân tử tại Đại học Suez Canal, người chuyên nghiên cứu nọc độc bọ cạp cho biết một vết đốt của bọ cạp đuôi béo Ả Rập có thể dễ dàng giết chết một đứa trẻ. Đối với người lớn, nó có thể khiến họ bị sưng, sốt, đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy.
Tùy thuộc vào cân nặng, sức khỏe và hàm lượng nọc độc trong một hoặc nhiều vết đốt, bọ cạp đuôi béo Ả Rập cũng có thể giết chết người trưởng thành và khiến họ co giật. Trong trường hợp tuần này đó là 3 binh sĩ tại một đồn cảnh sát.
Chính quyền Aswan phủ nhận cái chết của những binh sĩ này có liên quan đến bọ cạp. Tuy nhiên, họ không bác bỏ thông tin đã có ít nhất 503 người dân bị bọ cạp cắn chỉ trong một đêm.
Số lượng người nhập viện nhiều đến nỗi tất cả các bệnh viện trong khu vực đều phải mở kho dự trữ huyết thanh. Bộ Y tế Ai Cập cũng đã phát thông điệp cảnh báo người dân ở vùng Aswan về nguy cơ đụng độ với bọ cạp.
Bọ cạp đuôi béo Ả Rập (Androctonus crassicauda) còn được gọi là "bọ cạp sát thủ".
Con người đã làm cho sa mạc giận giữ?
Hàng ngàn con bọ cạp tràn qua những ngôi làng một đêm rõ ràng là một thứ gì đó mà người dân ở Aswan chưa bao giờ chứng kiến. Một trận lũ lụt trên sa mạc cũng vậy. Các nhà khí tượng ở Ai Cập cho biết cơn mưa lớn nhất mà Aswan có được đã là từ năm 2014.
Vì vậy, trận bão mà khu vực này vừa phải gánh chịu là một sự kiện thời tiết hết sức bất thường. Nhiều người dân đã liên tưởng chúng như những trận lũ được miêu tả trong Kinh Thánh, và rằng con người vì lý do nào đó đang khiến những vị thần trong sa mạc nổi giận.
Mourad Abazid, người đàn ông 56 tuổi sống ở Kobaniya, một trong những khu vực trũng nhất trên bờ Tây sông Nile cho biết lũ đã làm ngập nhà ông, buộc ông và gia đình phải trú ẩn tại một nhà thờ Hồi giáo.
Kết thúc đợt tị nạn, Abazid trở về nhà mình thì nó chỉ còn là một đống đổ nát. Ông dựng lều ngủ ngay ven đường phố cạnh móng nhà mình. Còn vợ và ba người con phải sang tá túc nhờ những người hàng xóm.
"Ơn Chúa, nhà tôi không có ai chết cả. Nhưng nhà của chúng tôi không còn nữa. Chúng tôi không biết phải làm gì bây giờ", Abazid nói. Trong làng ông, hầu hết những nhà khác cũng bị hư hại một phần, nhiều ngôi nhà vẫn còn có nguy cơ bị sập.
"Cơn mưa chỉ kéo dài vỏn vẹn một tiếng đồng hồ, nhưng nó đã phá hủy mọi thứ", Abazid nói.
Một đống đổ nát còn lại ở Aswan sau khi nước rút.
Aswan và cả một vùng núi phía bắc Ai Cập có một lịch sử lâu dài bị lãng quên. Trong bối cảnh nghèo đói lan rộng, một số người Aswan đã chuyển sang làm nghề săn bọ cạp. Làm nghề này có thể có lãi nhưng nó đòi hỏi những tay thợ săn phải mạo hiểm.
Tiến sĩ Abdel-Rahman, một nhà nghiên cứu bọ cạp cho biết nọc độc bọ cạp thường được thu mua để làm thuốc và nghiên cứu khoa học, bao gồm thuốc điều trị ung thư. Một gam nọc bọ cạp vì vậy có thể bán được 8.000 USD, tương đương 180 triệu VNĐ.
Tuy nhiên, để có được 1 gam nọc hay sữa bọ cạp, những người thợ săn phải bắt ít nhất 3.000 con. Và họ thường giết chết chúng sau khi lấy được nọc.
"Tôi rất, rất buồn khi mọi người giết bọ cạp, vì nọc độc của bọ cạp rất phong phú và hữu ích", tiến sĩ Abdel-Rahman nói. Bản thân ông cũng thường xuyên đi bắt bọ cạp ở các sa mạc xung quanh vùng Aswan, Luxor, sa mạc Sinai và bờ biển Địa Trung Hải của Ai Cập.
Tuy nhiên, tiến sĩ Abdel-Rahman chỉ dùng một dòng điện để kích thích bọ cạp tiêm ra nọc độc. Sau khi thu hồi nọc, ông sẽ thả những con bọ cạp này về tự nhiên để chúng tiếp tục sống và nuôi dưỡng nọc trở lại.
Trong 20 năm nghiên cứu về bọ cạp, ông cho biết mình chưa bao giờ bị đốt, có thể nói đó là một kỷ lục với những người làm công việc này. Bí quyết của Abdel-Rahman là luôn bắt bọ cạp bằng kìm.
"Nhiều người lành nghề có thể bắt bọ cạp bằng tay, tóm đuôi chúng. Nhưng tôi không khuyên bạn làm điều đó", ông nói.
Nhiều người Ai Cập đi săn bọ cạp để lấy nọc độc bán.
Trở lại với trận bão lớn ở Aswan, các nhà khí tượng Ai Cập cho biết đó là một kết quả xảy ra trong quá trình khí hậu biến đổi. Cơn lũ bọ cạp cũng không liên quan gì đến việc người dân ở đây đi bắt bọ cạp và bị bọ cạp trả thù.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, hoạt động công nghiệp hóa của con người đang khiến khí hậu hành tinh biến đổi. Và như vậy, những sự kiện thời tiết cực đoan như ở Aswan có thể sẽ còn tiếp diễn với tần suất lớn hơn trong tương lai.
Ai Cập cũng là một khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Các sa mạc của họ trong những năm gần đây ngày càng trở nên nóng hơn. Nhiều vùng đất trước đây có thể trồng được ô liu nhưng giờ đã bị sa mạc hóa.
Ở chiều ngược lại, nước biển dâng và các trận lũ bất thường như ở Aswan vừa rồi có thể đe dọa nhiều khu vực từ thượng nguồn đến lưu vực sông Nile.
Tham khảo Livescience , Nytimes