Nhưng với trường hợp của Đào Sư Tích thì lại khác. Không những không gặp xui, mà ông còn "mã đáo thành công" nữa.
Đào Sư Tích (1350-1396) người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân, sau đổi là huyện Nam Trực, phủ Thiên Trường (nay thuộc huyện Trực Ninh, Nam Định). Ông xuất thân trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng lâu đời.
Khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh 2 (1374), đời Trần Duệ Tông, Đào Sư Tích đi thi, ông đỗ đầu từ thi Hương đến thi Hội, thi Đình, vì thế nhiều người nghiên cứu sau này cho là ông đạt danh hiệu Tam nguyên, là Trạng nguyên duy nhất thời Trần đạt danh hiệu này.
Đỗ đầu kỳ thi Hương, hôm đi thi Hội, Đào Sư Tích đã cơm đùm cơm nắm, vác lều chõng, ống quyển lai kinh. Nhưng vừa bước ra đầu ngõ thì trời ơi đất hỡi, Sư Tích gặp ngay một cô gái đi qua. Nhớ câu "ra ngõ gặp gái", ông cáu kỉnh:
- Ta đi thi mà lại gặp gái thế này!
Người thiếu nữ kia vốn thông minh, liền bảo:
- Ông đi thi thì ông đỗ Tiến sĩ, việc gì đến chị em?
Sư Tích chẳng lấy làm vui, lớn tiếng:
- Tiến sĩ thì thấm tháp gì?
Thiếu nữ lại tươi cười:
- Không thích đỗ Tiến sĩ thì đỗ Trạng nguyên vậy. Được chưa?
- Thế thì được! – Đào Sư Tích hồ hởi.
Tưởng là lời đối đáp cho trừ cái vận xui gặp gái, nhưng khoa thi năm ấy, Đào Sư Tích làm bài xuất sắc, được chấm đỗ đầu, đoạt học vị Trạng nguyên thật.
Trạng nguyên Đào Sư Tích. Nguồn: Vannghenamdinh
Dù chuyện ra ngõ gặp gái là thế, nhưng một điều không thể phủ nhận là để có được danh hiệu đứng đầu bậc Tam khôi, Đào Sư Tích là người học rất giỏi mới có được kết quả tốt như vậy.
Một điều hiếm có nữa trong lịch sử khoa cử nước ta là trong khoa thi năm ấy, có ba người học trò của cụ Đào Toàn Bân (cha của Đào Sư Tích) đều đỗ cao: Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Giản (tức Lê Hiến Phủ) đỗ Bảng nhãn, Lê Hiến Tứ đỗ Tiến sĩ (Thái học sinh). Cả bốn thầy trò sau này đều làm quan đồng triều.
Trước đây, khoa thái học sinh, cứ 7 năm một lần thi, số đậu chỉ lấy 30 người thôi. Đình thí, số lấy đỗ không có lệ đặt nhất định. Phàm tam quán thuộc quan thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và những người có tước phong đều được vào thi cả.
Đến khóa thi này mới bắt đầu gọi là khoa tiến sĩ; ban cho Đào Sư Tích đậu trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đậu bảng nhãn, Trần Đình Thâm đậu thám hoa, La Tu đậu hoàng giáp, cập đệ và các đồng cập đệ gồm 50 người, đều thưởng yến và ban áo mũ, xuất thân có đẳng hạng khác nhau.
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Đào Sư Tích được bổ chức Lễ bộ thượng thư trông coi việc văn hóa, giáo dục của triều đình.
Đến tháng 5 năm Tân Dậu (1381) ông lại được thăng làm Nhập nội hành khiển kiêm Hữu ty lang trung là chức quan cao cấp trong triều đình thời Trần, chỉ đứng sau Tể tướng.
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Những điều lạ thời Trần", trang 60-62, NXB Văn hóa – Thông tin.