Agribank rao bán hơn 7.000 thùng rượu để thu hồi nợ: Giá bao nhiêu, có thực sự rẻ hơn thị trường?

Pha Lê |

Số rượu này là tài sản đảm bảo của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Giang II vừa thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản bảo đảm số 1227. Tài sản được đem ra đấu giá là của Công ty TNHH Một thành viên Hai Thanh.

Công ty Hai Thanh được thành lập vào năm 2018, do ông Tô Văn Hà là người đại diện pháp luật. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đồ uống.

Tài sản đảm bảo là 6.923 thùng rượu đến từ nhiều thương hiệu khác nhau, chủ yếu là whiskey. Ngoài ra còn có 1.500 chai rượu vang Italy Monte Dei Cocci (loại 3 chai hoặc 6 chai/thùng gỗ).

Giá khởi điểm cho toàn bộ lô rượu vang này là hơn 17 tỷ đồng. Giá trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Chi phí vận chuyển, bốc xếp và các chi phí khác có liên quan do bên trúng đấu giá chịu.

Đây là các loại rượu đang có giá khá cao trên thị trường, trung bình có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/chai. Một số loại giá lên đến hàng triệu đồng/chai. Như vậy, mức giá khởi điểm 17 tỷ đồng cho cả lô hàng đang khá hấp dẫn so với thị trường.

Agribank rao bán hơn 7.000 thùng rượu để thu hồi nợ: Giá bao nhiêu, có thực sự rẻ hơn thị trường?- Ảnh 1.

Thông tin niêm yết trên trang Agribank

Việc những chai rượu ngoại được đem ra đấu giá với giá khá rẻ so với mặt bằng chung của thị trường không phải là điều hiếm gặp. Các đây ít ngày, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức đấu giá 758 chai rượu với giá trung bình 300.000 đồng/chai, trong khi giá thị trường loại rẻ nhất trong số này cũng hơn 400.000 đồng, một số loại thậm chí lên đến vài triệu đồng/chai.

Theo thông tin từ Tổ chức Nho và Rượu vang quốc tế (OIV), năm 2023, nhu cầu rượu vang toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996. Nguyên nhân là do lạm phát đẩy giá mặt hàng này tăng lên mức cao kỷ lục, kéo sức mua xuống thấp.

OIV ước tính rằng trong năm 2023, thế giới đã tiêu thụ 221 triệu hectolit (mhl) rượu vang, giảm 2,6% so với năm 2022 và giảm 7,5% so với năm 2018. Thị trường có sức giảm mạnh nhất là Trung Quốc với sụt sụt giảm lên đến 25%.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới. Đối tượng tiêu thụ chính là những người trong độ tuổi từ 20 đến 40.

Nói riêng về rượu vang, năm 2020, thị trường rượu vang Việt Nam đạt doanh số tổng cộng 1,3 triệu thùng, trị giá 171 triệu USD, được xếp hạng là thị trường rượu vang lớn thứ 46 thế giới.

Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu rượu quốc tế IWSR, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cho rượu vang Việt Nam là 6% từ năm 2020 đến năm 2025, và phân khúc cao cấp dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 6% và 7%/năm.

Trong khi đó, báo cáo do Oxford Economics công bố gần đây cho biết, doanh số bán rượu vang cao cấp tại Việt Nam vào năm 2026 sẽ cao hơn 55% so với năm 2021. Doanh số bán rượu mạnh ở các nhãn hiệu cao cấp cũng được dự đoán tăng trưởng ước tính 57% vào năm 2026.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại