Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam: 70% nhân sự bị xóa tên sau 4 năm, vốn chủ sở hữu "teo nhỏ"

Pha Lê |

Doanh nghiệp này không chỉ là tổng thầu lớn tại Việt Nam mà còn là tên tuổi nổi tiếng trên thế giới.

* Doanh nghiệp đã góp mặt trong hơn 500 công trình lớn.

* Do khó khăn, hiện nhân sự của doanh nghiệp giảm 70%, vốn chủ sở hữu giảm 93%.

Ồ ạt cắt giảm nhân sự

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam, đã góp mặt trong hơn 500 công trình có quy mô đẳng cấp quốc tế. Doanh nghiệp này còn tham gia nhiều dự án ở nước ngoài. Trong những ngày đầu năm 2024 vừa qua, tập đoàn đã trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya với vốn đầu tư 72 triệu USD. Trước đó, doanh nghiệp này cũng trúng nhiều gói thầu lớn tại Úc, Saudi Arabia, Mỹ, Congo...

Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam: 70% nhân sự bị xóa tên sau 4 năm, vốn chủ sở hữu "teo nhỏ"- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT Hòa Bình là ông Lê Viết Hải.

Là tổng thầu lớn trong nước và quốc tế nên lượng nhân sự của tập đoàn này cũng là một con số khổng lồ. Theo các thông tin được đăng tải trên Báo cáo thường niên của doanh nghiệp này, năm 2019 là một năm bùng nổ của Hòa Bình khi tổng số nhân sự, bao gồm cả thầu phụ của công ty lên đến 31.485 nhân sự. Trong số đó lao động gián tiếp (nhân sự quản lý, đội ngũ gián tiếp) của công ty là 3.463 người, công nhân cơ hữu 3.722 người và công nhân thầu phụ là 24.300 người.

Tuy nhiên, khi dịch Covid xảy ra, Hòa Bình cũng gặp không ít khó khăn. Chủ tịch HĐQT Hòa Bình là ông Lê Viết Hải cho biết, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn thử thách nhất trong hành trình 36 năm hình thành và phát triển của tập đoàn. Chính vì lẽ đó, việc sụt giảm nhân sự đối với Hòa Bình cũng là một điều dễ hiểu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của HBC, trong năm 2023, tập đoàn này đã cắt giảm hơn một nửa nhân sự (không bao gồm thầu phụ) từ mức 5.093 nhân sự xuống còn 2.163 người. Còn nếu so với thời kỳ đỉnh cao, năm 2019 khi số nhân sự không bao gồm nhà thầu phụ là 7.185 người thì con số này đã "bay hơi" 70% nhân sự.

Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam: 70% nhân sự bị xóa tên sau 4 năm, vốn chủ sở hữu "teo nhỏ"- Ảnh 2.

Tổng nhân sự của Hòa Bình năm 2019.

Hòa Bình đang kinh doanh ra sao?

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 1/2024, doanh thu từ hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ đạt 1.651 tỷ đồng. So sánh với cùng kỳ giai đoạn 2018 - 2022, đây vẫn là mức tương đối thấp. Tuy vậy, nhờ mức nền thấp kỷ lục năm 2023, HBC vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 38% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng đột biến, đạt 114 tỷ đồng, so với mức 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái nhờ khoản lãi 109 tỷ đồng từ bán các khoản đầu tư, giúp lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng, quý đầu tiên ghi nhận lợi nhuận dương trong 5 quý liên tiếp, hoàn thành 13% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chi phí lãi vay giảm 28% xuống còn 99 tỷ đồng, nhờ mức nền lãi suất thấp. Chi phí bán hàng giảm 15% xuống mức 6,6 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng giảm hơn 21 tỷ đồng do việc hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 89 tỷ đồng.

Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam: 70% nhân sự bị xóa tên sau 4 năm, vốn chủ sở hữu "teo nhỏ"- Ảnh 3.

Khoản lỗ lũy kế trong 2022 và 2023 khiến vốn chủ sở hữu (VCSH) thâm hụt nghiêm trọng. Quý 1/2024, VCSH đạt 149 tỷ (giảm 93%). Mặc dù nợ vay đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn neo tại mức tương đối cao. Tỷ lệ nợ/VCSH tại quý 1 đạt 30,1 lần.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), hiện tại, với cơ cấu tài chính tương đối mong manh với khoản lỗ lũy kế sau 2 năm, việc tái cơ cấu trong thời điểm hiện tại với HBC là cấp thiết.

Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam: 70% nhân sự bị xóa tên sau 4 năm, vốn chủ sở hữu "teo nhỏ"- Ảnh 4.

Năm 2023, HBC đã bán thành công khoản nợ gần 300 tỷ đồng cho một công ty mua bán nợ. Dự kiến quý 4/2024, HBC sẽ ghi nhận nốt khoản bán nợ còn lại, ước tính giúp VCSH tăng thêm khoảng 258,7 tỷ đồng.

Hòa Bình đặt kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho đối tác để hoán đổi nợ, triển khai trong năm 2024. Tính tới tháng 5/2024, đã có 99 công ty đồng ý với phương án hoán đổi nợ. Trong trường hợp phát hành thành công, 740 tỷ sẽ được kết chuyển từ nợ vay sang vốn chủ sở hữu.

Tập đoàn cũng dự kiến chào bán 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 12.000 đồng/cổ phiếu dự kiến thu về 2.400 tỷ đồng. Đồng thời, dự kiến chào bán 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 12.000 đồng/cổ phiếu dự kiến thu về 2.400 tỷ đồng.

"Kỳ vọng trong trường hợp những phương án đề xuất trên thành công, lãi ghi nhận sẽ phần nào bù đắp khoản lỗ lũy kế trong vốn chủ sở hữu, tạo bộ đệm nguồn vốn dày hơn cho doanh nghiệp, trở thành động lực phục hồi trong thời gian tới.

Tuy nhiên chúng tôi đánh giá đây chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời, không mang tính bền vững. Trong bối cảnh ngành xây dựng có tính cạnh tranh cao, các chủ đầu tư thường ưu tiên những doanh nghiệp xây dựng có cơ cấu tài chính vững, do đó HBC cần cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi, khôi phục vị thế doanh nghiệp để có thể kết nối với nhiều chủ đầu tư lớn, mở rộng quy mô dự án", VCBS nhận định.

Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam: 70% nhân sự bị xóa tên sau 4 năm, vốn chủ sở hữu "teo nhỏ"- Ảnh 6.

Đối với hoạt động xây dựng trên thị trường nước ngoài, HBC có kế hoạch gấp 5 lần trong giai đoạn 2022 - 2032, cải thiện biên lợi nhuận sau thuế từ 1% lên 5%.

Kế hoạch này đã cho thấy những điểm tích cực ban đầu. Quý 1/2024, ước tính tổng giá trị hợp đồng từ thị trường nước ngoài đạt 52,8 triệu USD, tương đương 1.343,5 tỷ đồng. Bằng việc M&A doanh nghiệp địa phương và góp vốn vào các dự án bất động sản trong khu vực để lấy lợi thế cung cấp dịch vụ tổng thầu thi công, HBC đã trúng thầu một số dự án tiêu biểu như dự án Matevulu Sands Hotel and Resorts tại Quốc đảo Vanuatu.

Tuy nhiên, VCBS đánh giá kế hoạch này tương đối thách thức. Đầu tiên là bởi rào cản về pháp lý và cạnh tranh từ những doanh nghiệp xây dựng nội địa. Cùng với đó, nguồn vốn hạn chế hiện tại tạo ra nhiều rào cản cho HBC thực hiện chiến lược thâm nhập qua M&A.

Bên cạnh đòi hỏi nguồn vốn cao, chiến lược này cần có hiệu quả sử dụng vốn ổn định thông qua việc tái đầu tư tại thị trường nước ngoài – nơi mà HBC chưa có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Cuối cùng là, việc tận dụng lợi thế chi phí vật liệu thấp từ Việt Nam sẽ chỉ khả thi khi hoạt động xây lắp của HBC tại địa phương đã đạt quy mô đủ lớn để thành lập tuyến xuất nhập khẩu mới và thay đổi chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại