Mỹ hoàn tất xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan
Hôm 10/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký Liên minh Jens Stoltenberg tuyên bố rằng, công tác triển khai xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan đã hoàn tất, căn cứ đặt tại thành phố Redzikowo phía bắc Ba Lan đã bước vào trạng thái sẵn sàng hoạt động.
Được biết, căn cứ phòng thủ tên lửa mới của Mỹ nằm ở Pomeranian Voivodeship, cách bởi biển Baltic chưa đầy 20km và cách vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga là Kaliningrad, hơn 200 km.
Căn cứ này được trang bị hệ thống Aegis Ashore, với radar SPY-1 và một tổ hợp các bệ phóng các hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) Mk-41, được thiết kế để phát hiện, theo dõi và sử dụng tên lửa SM-3 (RIM-161 Standard Missile 3) để đánh chặn các tên lửa đạn đạo.
Cơ sở này là một thành phần quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa đang được Liên minh Bắc Đại Tây Dương triển khai ở Đông Âu, gồm cả các hệ thống Aegis trên mặt đất và trên biển. Trước đây không lâu, một hệ thống tương tự đã được triển khai ở căn cứ Deveselu của Romania.
Ngoài ra, Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu còn bao gồm một radar cảnh báo sớm đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ và một trung tâm chỉ huy đóng tại căn cứ Ramstein của Đức.
Trong khi đó, các hệ thống Aegis trên biển còn được bố trí trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ ở cảng Rota của Tây Ban Nha.
Rõ ràng, việc bố trí một cơ sở phòng thủ tên lửa mới của Mỹ gần biên giới Nga cho thấy NATO coi Nga có thể là đối thủ trong một cuộc xung đột toàn cầu.
Nguy cơ lớn đối với vùng Kaliningrad của Nga
Ngoài việc theo dõi và phát hiện, đánh chặn các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga, một yếu tố khác khiến Moscow rất lo lắng về Aegis Ashore là bệ phóng Mk-41 của nó còn có thể sử dụng để phóng các tên lửa tấn công các mục tiêu trên không và trên mặt đất.
Bệ phóng Mk-41 có thể lắp đặt và phóng tên lửa hành trình tầm xa BGM-109 Tomahawk, loại tên lửa mà Nga và Mỹ bị chế ước theo các điều khoản của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cấm bố trí tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên mặt đất có tầm bắn 500-5.470 km.
Đây là lí do chính khiến cả tên lửa Tomahawk của Mỹ và Kalibr của Nga đều được bố trí trên tàu chiến, mà không được phép triển khai trên mặt đất.
Việc Washington triển khai các bệ phóng đa năng tại các căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan khiến Moscow lo lắng về số phận của Kaliningrad.
Nếu Mỹ bí mật thay thế tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 bằng tên lửa hành trình Tomahawk thì không chỉ toàn bộ phần châu Âu của Nga sẽ nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ, mà chỉ trong 10 phút các tên lửa này sẽ đánh vào vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga.
Do đó, việc Mỹ triển khai căn cứ phòng thủ tên lửa với hệ thống Aegis Ashore ở Ba Lan và Romania bị Nga coi là “hành động khiêu khích”, vi phạm trắng trợn Hiệp ước INF, bởi chỉ cần một điều chỉnh nhỏ là các bệ phóng Mk-41 có thể ngay lập tức biến thành hệ thống phóng tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk trên mặt đất.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Konstantin Makienko, Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga đánh giá, việc triển khai Aegis Ashore cũng có tính hai mặt bởi căn cứ này đương nhiên sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên của các loại tên lửa Nga một khi cuộc chiến xảy ra.