ACV lên tiếng về các hãng hàng không 'kêu' phí sân bay quá cao

Lê Hữu Việt |

Trong bối cảnh các doanh nghiệp hàng không đều chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, một số hãng cho rằng doanh nghiệp cảng đang thu nhiều loại phí quá cao. Tuy nhiên, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lại nói đã giảm phí... kịch sàn.

Theo đó, ACV đã giảm giá 7 loại dịch vụ do đơn vị này cung cấp, có quyền định giá về bằng mức sàn tối thiểu do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định. Thời gian giảm trong 6 tháng, từ tháng 3 - 8/2020. Tuy nhiên, một số hãng hàng không cho rằng, mức giảm này quá thấp, trong khi các loại dịch vụ phí cao, như phí sân đỗ, lại không được giảm.

Phía ACV lý giải, do là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối (95,4% vốn điều lệ), được nhà nước giao quản lý, khai thác 21 sân bay cả nước, nên giá các dịch vụ sân bay đều do Bộ GTVT quy định giá khung.

Trong đó, một số dịch vụ ACV cung cấp cho hành khách, các hãng hàng không chỉ thu hộ ACV qua bán vé (các hãng được trích hoa hồng), không phải chi phí các hãng hàng không chi trả cho ACV. Số dịch vụ này, theo ACV, chiếm 90% phí dịch vụ ACV thu, như: Dịch vụ hành khách, soi chiều an ninh… Những phí này các hãng hàng không thu hộ ACV, nên đương nhiên phải trả lại cho ACV và không liên quan tới chi phí của các hãng.

Chỉ có khoảng 10% phí dịch vụ ACV thu trực tiếp với hãng hàng không sử dụng dịch vụ (các hãng phải trả). ACV chỉ được điều chỉnh giá với các dịch cung cấp cho hãng hàng không. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm này không được thấp hơn mức giá sàn do Bộ GTVT quy định (Thông tư 53/2019).

“Trong thẩm quyền, ACV cung cấp trực tiếp và thu 7 loại giá dịch vụ với các hãng hàng không, và đã giảm về bằng mức sàn nhà nước quy định. Việc giảm này đã được ACV trao đổi với các hãng, các hãng cũng chỉ đề xuất giảm giá với dịch vụ ACV cung cấp cho các hãng. Trong khi ACV cũng chịu thiệt hại do dịch bệnh, khi dự kiến thất thu cả năm nay hơn 10.000 tỷ đồng”, lãnh đạo ACV nói.

Liên quan tới giá dịch vụ sân đỗ tàu bay, hiện ACV đang áp dụng ở mức sàn của Bộ GTVT quy định. Mức giá này áp dụng cho hãng nội địa được tính theo tháng, thay vì theo giờ như với tàu bay nước ngoài. Giá này ở sân bay căn cứ như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng... cao hơn các sân bay nhóm B và C.

“Dù ACV khuyến khích các hãng đưa máy bay về đỗ tại các sân bay địa phương, chi phí thấp hơn, nhưng các hãng đều không muốn. Trong khi sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài quá tải, ACV cũng chịu rất nhiều áp lực”, lãnh đạo ACV nói thêm.

Về việc các hãng đề xuất chậm thanh toán một số loại phí dịch vụ, nhưng ACV không đồng ý, doanh nghiệp này lý giải, do là đơn vị nhà nước, phải hạn chế rủi ro phát sinh nợ khó thu hồi.

“90% phí dịch vụ sân bay là ACV cung cấp trực tiếp cho hành khách, các hãng hàng không chỉ thu hộ và nhận hoa hồng. Các hãng hàng không đã thu đầy đủ số tiền này của hành khách khi bán vé, nên việc thanh toán ngay cho ACV là đương nhiên và đúng theo hợp đồng giữa 2 bên”, lãnh đạo ACV khẳng định.

Trước đó, ACV đã giảm 7 loại giá dịch vụ cung cấp trực tiếp cho các hãng hàng không. Trong đó, giảm 50% giá dịch vụ dẫn máy bay; giảm 10% giá các dịch vụ thang ống, băng chuyền, xử lý hành lý tự động, quầy, phục vụ mặt đất; giảm 30% giá thuê văn phòng đại diện của hãng hàng không (miễn hoàn toàn tiền thuê này với hãng đang dừng bay). Thời gian áp dụng 6 tháng (từ tháng 3 - 8/2020).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại